Luật Chất lượng Sản phẩm, Hàng hóa có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2008. Qua 15 năm triển khai Luật, sản phẩm, hàng hóa nước ta ngày càng được kiểm soát chặt chẽ; chất lượng nâng lên ở tất cả các khâu.
Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam ngày càng có độ mở lớn với việc nước ta tham gia hàng loạt hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, việc sửa đổi, bổ sung Luật Chất lượng Sản phẩm, Hàng hóa ngày càng trở nên cần thiết nhằm phù hợp hơn với những điều kiện khắt khe của thị trường.
Chỉ có như vậy, sản phẩm hàng hóa Việt Nam mới ngày càng có chỗ đứng vững chắc và lan tỏa trong khu vực cũng như trên thế giới.
Bất cập từ thực tiễn
Ngày 21/11/2007, Quốc hội khóa XII kỳ họp thứ 2 đã thông qua Luật Chất lượng Sản phẩm, Hàng hóa số 05/2007/QH12, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2008.
Ngay sau khi Luật được ban hành, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực liên quan đã ban hành hơn 200 văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn; trong đó, riêng Bộ Khoa học và Công nghệ là 50 văn bản.
Hệ thống văn bản hướng dẫn Luật được ban hành đầy đủ đã tạo hành lang pháp lý quan trọng, thống nhất, đồng bộ cho triển khai hoạt động quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa cũng như hoạt động tôn vinh, khen thưởng về chất lượng cho các tổ chức, cá nhân; trong đó có Giải thưởng Chất lượng Quốc gia từ cấp địa phương đến Trung ương.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định, qua 15 năm triển khai pháp luật về quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa, hệ thống pháp luật đã xuất hiện nhiều bất cập và vướng mắc trong thực tiễn, chưa đáp ứng được nhu cầu thay đổi và hội nhập quốc tế trong thời kỳ tự do hóa thương mại và thực thi các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đặc biệt là đối với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực.
Cùng với đó, việc triển khai các nguyên tắc quản lý chất lượng theo quy định của Luật Chất lượng Sản phẩm, Hàng hóa với thông lệ quốc tế còn chưa được triệt để.
Việc phân công trách nhiệm quản lý giữa các Bộ, ngành chưa được rõ ràng đối với một số sản phẩm, hàng hóa dẫn đến phát sinh trong thực tế. Việc tách biệt giữa hoạt động kiểm tra nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa với hoạt động dịch vụ kỹ thuật-hoạt động đánh giá sự phù hợp chưa thực sự minh bạch, dẫn đến chồng chéo, vướng mắc và tạo rào cản trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, không tận dụng được tối đa nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ phục vụ quản lý nhà nước.
Sản phẩm chất lượng cao: Tiêu chí tạo sức hút người tiêu dùng
Giải thưởng Chất lượng Quốc gia mặc dù là giải thưởng duy nhất được quy định ở cấp Nghị định và do Thủ tướng Chính phủ trao tặng nhưng chưa thực sự lan tỏa trong cộng đồng doanh nghiệp, chưa phát huy được giá trị.
Hoạt động mã số mã vạch chưa phát huy được tối ưu giá trị, chưa đẩy mạnh được việc khai thác dữ liệu mã số, mã vạch, ứng dụng các công cụ, giải pháp triển khai mã số, mã vạch cho doanh nghiệp.
Từ thực tế trên cho thấy, việc sửa đổi, bổ sung Luật Chất lượng Sản phẩm, Hàng hóa là cần thiết. Hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chuẩn bị hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung và gửi lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương; đồng thời, đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng.
Bảo đảm đồng bộ với hệ thống pháp luật
Chia sẻ ý kiến về nội dung các chính sách được đề nghị sửa đổi, bổ sung trong Luật, bà Nguyễn Thị Mai Hương, Vụ trưởng Vụ Đánh giá Hợp chuẩn Hợp quy (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết hiện nay Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất các nhóm chính sách: Đổi mới việc xác định sản phẩm hàng hóa nhóm 2 và hoạt động kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa; ứng dụng công nghệ trong quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa; thúc đẩy hội nhập quốc tế sâu rộng và triển khai đầy đủ các cam kết quốc tế và phù hợp thông lệ quốc tế; tăng cường vai trò, hiệu quả hoạt động của lực lượng kiểm soát viên chất lượng; tăng cường tính hiệu quả hoạt động quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa, phân công, phân cấp quản lý để phù hợp tình hình thực tế hiện nay.
Theo bà Hương, nhóm chính sách về xác định sản phẩm hàng hóa nhóm 2 hiện đang gặp bất cập trong ban hành Danh mục.
Về hoạt động kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa, một số bất cập có thể kể đến như công tác quản lý sản phẩm hàng hóa giao cho nhiều bộ, ngành; việc kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa trong sản xuất, lưu thông còn có khó khăn.
Bên cạnh đó, việc kiểm tra chất lượng của một số bộ, ngành chưa theo quy địnhLuật Chất lượng Sản phẩm, Hàng hóa.
Một số bộ, ngành chưa triển khai đồng bộ, thống nhất toàn bộ thủ tục hành chính kiểm tra chất lượng trên cơ chế một cửa quốc gia. Một số quy định của Luật Chất lượng Sản phẩm, Hàng hóa chưa bao quát hết các trường hợp phát sinh trong hoạt động kiểm tra.
Về nhóm chính sách: Ứng dụng công nghệ trong quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa, bà Nguyễn Thị Mai Hương cho rằng bất cập lớn nhất hiện nay là ở nước ta, công nghệ mã số mã vạch chỉ là một trong nhiều công cụ để quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa và ghi nhãn điện tử.
Trong khi đó, tại nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới như Hoa Kỳ, châu Âu, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, Thái Lan,... việc ứng dụng công nghệ, trong đó mã số mã vạch nhằm quản lý chất lượng và ghi nhãn điện tử.
Việc định danh, mã hóa và thu thập thông tin dạng máy đọc là tiền đề nhằm số hóa, trao đổi dữ liệu điện tử trong chuỗi cung ứng và là nền tảng cho giải pháp truy xuất nguồn gốc điện tử.
Cũng theo bà Nguyễn Thị Mai Hương, hoạt động đánh giá sự phù hợp, chồng chéo về quản lý chất lượng hiện chưa có cơ chế thừa nhận kết quả đánh giá sự phù hợp giữa các bộ, ngành; chưa chấp nhận kết quả đánh giá sự phù hợp tại nước ngoài. Việc quy định đăng ký hiện nay chưa phù hợp với chuyển đổi số; chưa quy định quản lý hoạt động đào tạo đánh giá sự phù hợp…
Đánh giá về Tờ trình Chính phủ sửa đổi Luật của cơ quan soạn thảo - Bộ Khoa học và Công nghệ, ông Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự-Kinh tế (Bộ Tư pháp) cho biết về nội dung tờ trình của Bộ Khoa học và Công nghệ đối với việc sửa đổi theo hướng mở rộng cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa là các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương theo tình hình thực tiễn, nội dung Tờ trình chưa thể hiện rõ cách thức mở rộng như thế nào, có làm tăng trách nhiệm cho các cơ quan hiện nay hay tăng tổ chức biên chế để thực hiện hay không.
Ông Lê Đại Hải đề nghị cơ quan soạn thảo đánh giá toàn diện tác động tích cực, tiêu cực của nội dung sửa đổi này đối với Nhà nước trên các mặt tổ chức, bộ máy, con người, ngân sách.
Đối với việc sửa đổi, bổ sung nội dung về hoạt động đánh giá sự phù hợp, ông Lê Đại Hải nhận xét, cơ quan soạn thảo đề xuất thay đổi cách thức quản lý các tổ chức đánh giá sự phù hợp cho phù hợp với thực tế và hội nhập quốc tế. Theo đó, tổ chức đánh giá sự phù hợp tự công bố năng lực phù hợp với điều kiện do cơ quan quản lý nhà nước quy định trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và cơ quan quản lý nhà nước sẽ hậu kiểm.
Tuy nhiên, trong giải pháp thực hiện chưa nêu rõ các tổ chức được chỉ định như thế nào. Vì vậy, ông đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo giải trình cách thức chỉ định tổ chức đánh giá; đồng thời làm rõ hệ quả pháp lý sau hậu kiểm khi các tổ chức này không đảm bảo điều kiện.
Khẳng định tính cần thiết phải sửa đổi Luật, theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng, Bộ Khoa học và Công nghệ - cơ quan soạn thảo cần có đánh giá rõ ràng hơn sự cần thiết, tính cấp bách phải sửa đổi, bổ sung Luật Chất lượng Sản phẩm, Hàng hóa; rà soát các nội dung chính sách đề xuất sửa đổi, bổ sung với các văn bản pháp luật đã ban hành để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật; đồng thời bổ sung đánh giá tác động thủ tục hành chính; trong đó hướng tới việc đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục hành chính, thực hiện chủ trương phân cấp, phân quyền nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng cho rằng cơ quan chủ trì soạn thảo cần rà soát kỹ, thu gọn lại nội dung để làm rõ hơn định hướng của từng chính sách; xác định nội dung và giải pháp thực hiện chính sách dựa trên những cam kết của các hiệp định thương mại tự do Việt Nam tham gia; tham khảo thêm kinh nghiệm quốc tế trong kiểm soát chất lượng sản phẩm, hàng hóa…/.