Tăng cạnh tranh cho thủy sản Việt Nam: Giải bài toán nguyên liệu

Việt Nam là quốc gia đứng thứ 4 thế giới về sản xuất, chế biến xuất khẩu thủy sản nhưng trở ngại và thách thức cho toàn ngành vẫn là nguồn nguyên liệu phục vụ cho chế biến.
Thủy sản là một trong các mặt hàng xuất khẩu tăng trưởng mạnh nhất của Việt Nam trong những năm đổi mới. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)
Thủy sản là một trong các mặt hàng xuất khẩu tăng trưởng mạnh nhất của Việt Nam trong những năm đổi mới. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu thủy sản của Việt Nam hiện đang là một trong những ngành mũi nhọn, mang lại giá trị lớn cho kinh tế Việt Nam.

Tuy nhiên, thị trường thế giới ngày càng có thêm nhiều tiêu chí cạnh tranh như chất lượng hàng hóa, an toàn thực phẩm, giá cả... và mặt hàng thủy sản cũng không nằm ngoài vòng xoáy này.

Vì vậy, các doanh nghiệp, chuyên gia ngành thủy sản đã đặt ra vấn đề lớn cho toàn ngành, đi tìm giải pháp nâng cao khả năng cạnh tranh cho thủy sản Việt Nam trong thời gian tới.

Việt Nam là quốc gia đứng thứ 4 thế giới về sản xuất, chế biến xuất khẩu thủy sản. Nhưng trở ngại và thách thức cho toàn ngành vẫn là nguồn nguyên liệu phục vụ cho chế biến.

Có thể nói, những biến động về nguồn nguyên liệu đã gây tác động mạnh đến hiệu quả sản xuất và xuất khẩu. Vì vậy, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam phải tìm hướng đi giải quyết vấn đề này.

Nguyên liệu chỉ đáp ứng 40%

Với mục tiêu xuất khẩu thủy sản đạt 10,5 tỷ USD trong năm 2019, nguồn nguyên liệu đáp ứng cho hoạt động chế biến rất quan trọng. Riêng nguồn nguyên liệu cá tra và tôm, được các doanh nghiệp đánh giá là có thể đủ phục vụ cho các đơn hàng. Nhưng với nguồn nguyên liệu hải sản, đặc biệt là cá ngừ để chế biến lại chỉ đáp ứng được 40% đơn hàng.

Bà Cao Thị Kim Lan, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần thủy sản Bình Định (Bidifisco), chia sẻ hiện nguồn nguyên liệu cá ngừ đại dương thiếu từ 60-70% so với nhu cầu chế biến và đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu.

[Trong 8 tháng, tổng giá trị xuất khẩu lâm sản tăng hơn 18%]

Thời điểm từ tháng 7-10 hằng năm hầu như không có nguyên liệu và phải nhập khẩu từ nước khác. Việt Nam có đội tàu đánh bắt, khai thác lớn, nhưng trên thực tế, số tàu đánh bắt hiệu quả chỉ chiếm từ 30-40%, còn lại bị thua lỗ hoặc phải nằm bờ.

Đồng tình với bà Cao Thị Kim Lan, ông Trần Văn Dũng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần chế biến Xuất nhập khẩu thủy sản tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cũng quan ngại về những khó khăn hiện nay của ngành hải sản như, sản lượng cạn kiệt, chất lượng giảm, áp lực từ "thẻ vàng" chống khai thác, đánh bắt bất hợp pháp IUU, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao...

Vì vậy, các doanh nghiệp chế biến hải sản đồng loạt đề xuất, Chính phủ cần có chính sách ổn định về nhập khẩu nguyên liệu để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá ngừ. Song song với vấn đề nhập khẩu nguyên liệu, Nhà nước cũng có chính sách quy hoạch lại đội tàu đánh bắt xa bờ vì thực tế hiện nay tàu hoạt động xa bờ chưa hiệu quả.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng đề nghị các cảng cá cần được nâng cấp để tăng số lượng cảng đạt chuẩn, có thể thực hiện các thủ tục xác nhận, chứng nhận tốt hơn, tiến tới việc lập chợ đấu giá.

Hiện nay, các doanh nghiệp đang muốn giảm giá thành, tăng cạnh tranh và tái đầu tư. Do đó, việc rà soát các lệ phí trong hoạt động xuất nhập khẩu, bỏ những khoản thực sự không cần thiết là những chính sách cần có để tạo điều kiện cho doanh nghiệp nâng cao cạnh tranh.

Còn “nút thắt”

Vấn đề truy xuất nguồn gốc nguyên liệu thuỷ sản phục vụ cho chế biến và xuất khẩu hiện nay mới chỉ được làm tốt ở sản phẩm cá tra và tôm. Tuy nhiên, khi khách hành cần những kích cỡ tôm mà Việt Nam không có nguồn cung cấp, bắt buộc các doanh nghiệp phải nhập khẩu tôm nguyên liệu từ nước ngoài.

Tăng cạnh tranh cho thủy sản Việt Nam: Giải bài toán nguyên liệu ảnh 1Dây chuyền chế biến tôm xuất khẩu. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Tương tự vậy, cá ngừ đại dương cũng phải được chứng nhận truy xuất nguồn gốc trước khi chế biến, xuất khẩu mới có thể hoàn tất thủ tục xuất bán, đặc biệt là thị trường châu Âu. Nhưng, với tôm nguyên liệu, việc cấp chứng nhận truy xuất nguồn gốc dễ dàng hơn so với các mặt hàng hải sản.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Phó Chủ tịch Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban hải sản, ngành chế biến và xuất khẩu hải sản đang gặp tình huống “nút thắt cổ chai.” Vì hầu hết nguyên liệu hải sản được thu mua qua nậu vựa và thường không được làm giấy chứng nhận khai thác. Điều này gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc hoàn tất thủ tục hồ sơ cung cấp cho nhà nhập khẩu, hoàn tất các đơn hàng đã ký đúng kỳ hạn.

Bà Nguyễn Thị Thu Sắc kiến nghị nên xây dựng chợ đấu giá để giải quyết nút thắt cổ chai của ngành. Đồng thời, các doanh nghiệp thủy sản phối hợp với các địa phương quan tâm đến nuôi biển dựa vào công nghệ cao cấp của Na Uy và Đan Mạch, để phát triển nguồn nguyên liệu cho ngành hải sản.

"Trong hoạt động chế biến và xuất khẩu thuỷ sản, doanh nghiệp nhỏ và vừa có vai trò quan trọng trong việc kết nối và cung ứng dịch vụ hậu cần. Do đó, các doanh nghiệp này cũng cần được quan tâm, hỗ trợ để hoàn thiện các mắc xích trong hoạt động xuất khẩu thuỷ sản. Có như vậy, hoạt động phát triển nghề cá của Việt Nam mới bền vững và quản lý đúng theo quy tắc chung, với các hoạt động truyền thông, quảng bá hình ảnh cho nghề cá," bà Thu Sắc nhấn mạnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục