Thái Lan thông báo thời điểm ký RCEP thông qua hình ảnh nổi ba chiều

Bộ Thương mại Thái Lan cho biết các đối tác đối thoại dự kiến sẽ ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) vào ngày 14/11 tới với sự hỗ trợ của công nghệ hình ảnh nổi ba chiều.
Thái Lan thông báo thời điểm ký RCEP thông qua hình ảnh nổi ba chiều ảnh 1Người dân mua sắm tại một khu chợ ở Bangkok, Thái Lan ngày 9/5/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Bộ Thương mại Thái Lan cho biết các đối tác đối thoại dự kiến sẽ ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) vào ngày 14/11 tới với sự hỗ trợ của công nghệ hình ảnh nổi ba chiều (hologram).

Phóng viên TTXVN tại Bangkok dẫn truyền thông sở tại ngày 10/10 cho biết Vụ trưởng Vụ Đàm phán thương mại Bộ Thương mại Thái Lan, bà Auramon Supthaweethum, thông báo 15 nước tham gia đàm phán RCEP đã khẳng định về việc ký kết hiệp định thương mại tự do này tại hội nghị cấp cao sắp tới bất chấp đại dịch kéo dài.

Theo bà, trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 phức tạp hiện nay, rất khó để tổ chức các cuộc gặp trực tiếp.

Vì vậy, việc ký kết sẽ được thực hiện thông qua ảnh ba chiều với sự tham gia của các bộ trưởng kinh tế các nước vào ngày 14/11. Với tư cách là nước chủ nhà, Việt Nam đã đề xuất cách tiếp cận độc đáo này. 

Vụ trưởng Auramon cho biết sau khi ký hiệp định, Vụ Đàm phán thương mại sẽ công bố các chi tiết của thỏa thuận trên trang web của vụ bằng cả tiếng Thái và tiếng Anh. Bộ Thương mại dự kiến sẽ đề nghị Quốc hội Thái Lan phê chuẩn vào năm tới.

Theo quy trình phê chuẩn nghị viện, nếu một nửa số quốc gia thành viên RCEP (ít nhất 6 quốc gia ASEAN và 4 quốc gia ngoài ASEAN) phê chuẩn thì hiệp định sẽ được thực thi ngay lập tức.

[Thái Lan hy vọng RCEP sẽ giúp thúc đẩy phục hồi kinh tế khu vực]

Bà Auramon bày tỏ hy vọng RCEP sẽ có hiệu lực vào năm 2021. Với việc kinh tế của các nước đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng do dịch bệnh COVID-19, các nước muốn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới này.

RCEP là một hiệp định thương mại tự do được đề xuất giữa 10 quốc gia thành viên của ASEAN và 6 đối tác đối thoại là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và New Zealand.

Các cuộc đàm phán về RCEP bắt đầu vào cuối năm 2012 tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 21 ở Phnom Penh (Campuchia). RCEP nhằm mục đích thiết lập các quy tắc chung về thương mại điện tử, thương mại và sở hữu trí tuệ. 

Trong các cuộc đàm phán vào phút chót ngày 4/11/2019 khi Thái Lan đảm nhận cương vị Chủ tịch ASEAN, Ấn Độ đã rút lui do có những vấn đề chưa được giải quyết, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến thuế nông nghiệp.

Đến nay, 15 quốc gia tham gia đàm phán RCEP đã kết thúc đàm phán trên văn bản cho tất cả 20 chương của hiệp định và các vấn đề tiếp cận thị trường. Hiệp định RCEP đã được lên kế hoạch ký chính thức trong năm nay, có hiệu lực vào năm 2021 hoặc tháng 1/2022 dù có hay không có Ấn Độ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục