Tháng 6/2022: Tối thiểu 90% xe dán thẻ để sử dụng thu phí tự động

Tổng cục Đường bộ sẽ đôn đốc các nhà đầu tư BOT các dự án do Bộ Giao thông Vận tải và địa phương chỉ đạo các nhà đầu tư BOT lắp đặt các làn thu phí tự động còn lại trong quý 1/2022.
Phương tiện đi vào làn thu phí tự động không dừng tại trạm thu phí đầu tuyến cao tốc Hà Nội-Hải Phòng. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Phương tiện đi vào làn thu phí tự động không dừng tại trạm thu phí đầu tuyến cao tốc Hà Nội-Hải Phòng. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Chủ phương tiện trên địa bàn phải dán thẻ đầu cuối và sử dụng dịch vụ thu phí điện tử không dừng, bảo đảm đến tháng 6/2022 đạt tối thiểu 90% phương tiện được dán thẻ để sử dụng dịch vụ thu phí tự động không dừng (ETC).

Theo báo cáo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, đến nay, trên toàn quốc đã có 113 trạm thu phí đưa vào vận hành hệ thống thu phí ETC, trong đó có 63 trạm lắp đủ 100% các làn thu phí ETC, các trạm thu phí còn phải lắp đặt thêm 144 làn.

Đến hết năm 2021, có hơn 2,3 triệu phương tiện đã dán thẻ thu phí tự động không dừng, chiếm hơn 51% số lượng phương tiện. Số lượng thẻ nạp tiền vào tài khoản để sử dụng dịch vụ đạt khoảng 65%. Lưu lượng xe sử dụng dịch vụ ETC qua trạm thu phí đạt được khoảng 40-70% lưu lượng xe qua trạm thu phí.

Để tiếp tục triển khai, hoàn thiện hệ thống thu phí điện tử không dừng theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thời gian tới, Tổng cục Đường bộ sẽ đôn đốc các nhà đầu tư BOT các dự án do Bộ Giao thông Vận tải và địa phương để chỉ đạo các nhà đầu tư BOT lắp đặt các làn ETC còn lại trong quý 1/2022.

[Bộ GTVT thống nhất cao tốc Hà Nội-Hải Phòng chỉ thu phí không dừng]

Tổng cục cũng đề nghị các địa phương tổ chức vận hành trạm thu phí theo đúng yêu cầu của Quyết định 19/2020 của Thủ tướng Chính phủ là mỗi trạm chỉ duy trì tối đa 1 làn thu phí hỗn hợp trên mỗi chiều lưu thông đồng thời tuyên truyền, yêu cầu chủ phương tiện trên địa bàn phải dán thẻ đầu cuối và sử dụng dịch vụ thu phí điện tử không dừng, bảo đảm đến tháng 6/2022 đạt tối thiểu 90% phương tiện được dán thẻ để sử dụng dịch vụ ETC.

Bên cạnh đó, Tổng cục cũng tiếp tục phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ để giải quyết các vướng mắc trong đàm phán phụ lục hợp đồng, hợp đồng dịch vụ, công tác nghiệm thu, chuyển giao công tác thu phí.

Ngoài ra, Tổng cục Đường bộ kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải chủ trì đàm phán với các nhà đầu tư BOT thuộc để ký phụ lục hợp đồng BOT và phụ lục hợp đồng cung cấp dịch vụ./.

Trước đó, theo thông tin từ Tổng cục Đường bộ, từ ngày 5/5/2022, cao tốc Hà Nội-Hải Phòng chỉ áp dụng hình thức thu phí điện tử không dừng. Khi đó, tuyến cao tốc này chỉ phục vụ các phương tiện có đủ điều kiện tham gia dịch vụ thu phí điện tử không dừng, phương tiện không đủ điều kiện không được đi vào cao tốc.

Tổng cục Đường bộ sẽ xây dựng phương án cụ thể để báo cáo Bộ Giao thông Vận tải quyết định triển khai và tăng cường tuyên truyền việc sử dụng dịch vụ thu phí điện tử không dừng trên tuyến cao tốc này.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục