Vấn đề trang thiết bị y tế đang thu hút được sự quan tâm đặc biệt của dư luận về công tác hậu kiểm, chất lượng và giá cả.
Để có cái nhìn khách quan và chuyên sâu về lĩnh vực này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với tiến sỹ Nguyễn Văn Tiên - Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội xung quanh vấn đề “nóng” liên quan đến trang thiết bị y tế trong thời gian gần đây.
[Bài 1: Câu chuyện về nồi hấp tiệt trùng và máy sinh hóa]
Mua với giá trị thực
- Ở Việt Nam hiện nay 80% trang thiết bị y tế phải nhập từ bên ngoài, tuy nhiên trong công tác quản lý vẫn còn nhiều điều phải bàn. Quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?
Tiến sỹ Nguyễn Văn Tiên: Đúng là hiện nay dư luận đang rất quan tâm về chất lượng của các loại trang thiết bị y tế.
Chúng tôi thấy, trong diễn đàn quốc hội đã nhiều đại biểu phản ánh tình trạng thiết bị y tế mua bằng ngân sách nhà nước bao giờ cũng đắt hơn thiết bị y tế mua bằng các nguồn xã hội hóa. Nếu như các cơ sở y tế mua một thiết bị y tế bằng ngân sách nhà nước là 1 tỷ, nhưng mua bằng ngân sách các nguồn xã hội hóa thì chỉ khoảng 700 triệu. Những thiết bị y tế hiện đại dùng bằng nguồn ngân sách nhà nước khi bị hỏng hóc thì quá trình sửa chữa rất tốn kém, mất nhiều thời gian hơn.
Tôi lấy ví dụ một bóng hình của máy CT scanner chẳng hạn bị cháy, bóng đó khoảng mấy trăm triệu. Khi tại bệnh viện có bóng đó bị cháy thì thủ tục để xin xét duyệt cấp vốn thay bóng phải mất hàng mấy tháng trời để trình qua các cấp. Nếu như bóng đèn hình của thiết bị y tế của máy xã hội hóa bị hỏng thì hôm trước hôm sau là người ta sửa được.
Đây cũng là vấn đề chúng ta đặt ra về cơ chế quản lý như thế nào để sử dụng thiết bị y tế có hiệu quả và để thiết bị y tế được mua với giá trị thực của nó.
“Bộ Y tế ngần ngại và chưa dám làm”
- Hiện nay công tác quản lý và hậu kiểm các trang thiết bị y tế tại các địa phương còn rất nhiều vấn đề cần khắc phục để mang lại hiệu quả cao nhất. Ông đánh giá như thế nào về các chính sách của chúng ta hiện nay về các vấn đề trên?
Tiến sỹ Nguyễn Văn Tiên: Tôi đã vài lần đưa ra ý kiến trước quốc hội, trước ủy ban cũng như nói trước Bộ Y tế là nên xây dựng luật về quản lý trang thiết bị y tế. Bộ Y tế cũng đang ngần ngại và chưa dám làm. Hiện nay mới chỉ đang dự thảo nghị định về quản lý trang thiết bị y tế.
Thực tế có rất nhiều vấn đề, bởi vì trang thiết bị y tế chiếm một lượng ngân sách, kinh phí rất lớn và thu một lượng rất lớn tiền khám chữa bệnh. Trong bảo hiểm y tế thì có những năm, có những tỉnh, nguyên tiền sử dụng trang thiết bị y tế, tiền xét nghiệm, X quang chiếm tới 30-40% kinh phí của bảo hiểm y tế.
Vậy câu hỏi đặt ra là việc sử dụng này như thế nào, chất lượng ra sao? Đây là điều mà chúng tôi nghĩ rằng nếu chúng ta quản lý được tốt, trang thiết bị y tế được sử dụng hiệu quả thì chất lượng khám chữa bệnh được nâng lên, người dân được hưởng. Thứ hai là kinh phí quản lý, sử dụng của nó cũng có hiệu quả và nguồn quỹ bảo hiểm y tế sử dụng để không bị lạm dụng.
Vì vậy, tôi rất mong muốn nếu Bộ Y tế soạn được dự luật này để cho 500 đại biểu quốc hội thảo luận thì tôi nghĩ nó hiệu quả hơn việc ban hành một nghị định mà chỉ do Chính phủ ban hành.
Tôi được biết hiện nay Chính phủ đang xem xét về nghị định này và tôi hy vọng rằng nghị định này ra đời bước đầu sẽ khắc phục được khó khăn về việc quản lý trang thiết bị y tế.
“Cơ quan nào để lọt lưới, phải chịu trách nhiệm”
- Ông có thể cho biết, ai sẽ chịu trách nhiệm khi trang thiết bị y tế nhập về, vỏ ngoài là một nước sản xuất, bên trong lại là nước khác?
Tiến sỹ Nguyễn Văn Tiên: Trang thiết bị y tế là một mặt hàng đặc biệt phục vụ khám chữa bệnh nhưng theo quy định của Luật giá, nó không phải là mặt hàng được bình ổn giá như thuốc chữa bệnh, sữa… Giá của nó là theo giá thị trường. Chúng ta muốn mua được giá thị trường theo đúng nghĩa của nó thì không có cách nào khác là đấu thầu.
Những điều mà dư luận quan tâm như vỏ thì một nước, ruột lại của nước khác, chất lượng mới và cũ thì cái đó hoàn toàn phụ thuộc vào những người tổ chức đấu thầu. Những quy trình của đấu thầu người ta quy định rất rõ về chất lượng, hồ sơ, máy móc… Nếu anh đấu thầu để lọt những máy cũ hoặc để lọt những máy mang tiếng của Đức, của châu Âu nhưng ruột toàn bộ lại là xuất xứ của các nước khác thì đó là trách nhiệm của người tổ chức đấu thầu. Các cơ quan nào đứng ra mua bán các thiết bị y tế đó để lọt lưới thì các cơ quan đó phải chịu trách nhiệm.
Gần đây, Quốc hội thông qua Luật đấu thầu sửa đổi, tôi nghĩ nó chặt chẽ hơn và chắc chắn sẽ hiệu quả hơn so với Luật đấu thầu cũ.
- Theo ông, việc ra đời của Nghị định sắp tới sẽ điều chỉnh được phần nào những “khiếm khuyết” hiện nay trong lĩnh vực quản lý trang thiết bị y tế. Tuy nhiên, nghị định của Bộ Y tế, nếu ra đời, sẽ có tác dụng như thế nào trong việc quản lý, sử dụng và điều hành trang thiết bị y tế?
Tiến sỹ Nguyễn Văn Tiên: Nếu như chúng ta xây dựng được Luật quản lý trang thiết bị y tế thì cái điều đầu tiên có thể xác định được là những thiết bị nào đặt ở cấp nào thì phù hợp. Hiện nay thực tế có một số bệnh viện họ vì lý do này, vì lý do khác không có đủ nhân lực cũng vẫn mua trang thiết bị y tế hiện đại làm các xét nghiệm để lấy tiền còn hiệu quả thì chưa biết. Nếu luật ra đời chúng ta sẽ quy định bệnh viện loại nào thì được sử dụng trang thiết bị y tế loại nào. Đó là điều đầu tiên chúng tôi nhận thấy công tác quản lý sẽ tốt hơn.
Cả nước cùng... xét nghiệm
Vấn đề thứ hai nữa là chúng ta phải chuẩn hóa các xét nghiệm. Vì hiện nay có một thực trạng lãng phí tiền của người dân, của bệnh nhân dẫn tới sự lãng phí của toàn xã hội.
[Bài 2: Hải quan: Cần có cảnh báo mặt hàng trang thiết bị y tế “nóng”]
Ví dụ như một người bệnh đi khám ở tuyến dưới như tuyến huyện họ đã làm khá nhiều các xét nghiệm, lên bệnh viện tỉnh những xét nghiệm này phải làm lại đầy đủ các xét nghiệm với nhiều lý do khác nhau. Nếu bệnh viện tỉnh đó lại không chữa được bệnh đó thì chuyển lên Trung ương, ở tuyến Trung ương lại làm từ đầu các loại xét nghiệm này. Đây là một điều rất lãng phí cho bệnh nhân.
Điều này có nhiều nguyên nhân, thứ nhất là cấp trên không dám tin tưởng cấp dưới. Nguyên nhân thứ hai nữa là một số trang thiết bị xã hội hóa người ta phải tận dụng.
Chúng tôi nghĩ là Luật về quản lý trang thiết bị y tế cũng như các luật khác, Bộ Y tế làm sao phải xây dựng được quy chế để chuẩn hóa việc xét nghiệm. Ví dụ như bệnh viện này được công nhận chuẩn hóa xét nghiệm thì lên tuyến tỉnh họ phải công nhận chuẩn hóa xét nghiệm đó, chứ họ không thể bác xét nghiệm đó đi được. Trách nhiệm đó là của Bộ Y tế. Nếu chúng ta xây dựng Luật thì phải chuẩn hóa các xét nghiệm để đỡ lãng phí cho bệnh nhân và xã hội.
Về việc chống gian lận trong việc nhập thiết bị y tế cũ nhưng khai mới, theo tôi, có thể trong Luật về trang thiết bị y tế, chúng ta quy định trang thiết bị y tế này phải kiểm tra tại cửa khẩu 100%, không phải kiểm tra mẫu nữa thì như vậy tất cả các trang thiết bị y tế sẽ được cơ quan hải quan kiểm tra khai đúng hồ sơ.
Xin trân trọng cảm ơn tiến sỹ Nguyễn Văn Tiên!./.