Thiếu thông tin, phụ huynh từ chối chương trình Sữa học đường

Các trường mầm non, tiểu học trên địa bàn Hà Nội đang triển khai cho phụ huynh đăng ký chương trình Sữa học đường, nhưng không ít phụ huynh đã lên tiếng từ chối vì không biết sữa được dùng là sữa gì.
Thiếu thông tin, phụ huynh từ chối chương trình Sữa học đường ảnh 1(Ảnh minh họa: Minh Quyết/TTXVN)

Các trường mầm non, tiểu học trên địa bàn Hà Nội đang triển khai cho phụ huynh đăng ký chương trình Sữa học đường, nhưng không ít phụ huynh đã lên tiếng từ chối.

“Làm sao tôi có thể đăng ký cho con tôi uống một thứ sữa mà chính nhà trường còn chưa biết nó là sữa gì? Sao chưa có thông tin gì về loại sữa sẽ cho học sinh uống mà trường đã triển khai cho phụ huynh đăng ký?” anh Phạm Trung Kiên (Cầu Giấy, Hà Nội) đặt câu hỏi.

Băn khoăn chất lượng sữa

Theo chị Nguyễn Thị Hà (Hoàng Mai, Hà Nội), ngay khi nhận được phiếu của nhà trường về việc tham gia chương trình sữa học đường, chị đã không đăng ký.

“Tôi được biết mới tháng Ba vừa qua, hơn 70 học sinh ở Đồng Nai đã bị ngộ độc nghi vì sữa học đường. Tỉnh Đồng Nai đã phải tạm dừng triển khai chương trình này. Một phụ huynh ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng lên tiếng về việc con và các bạn ở trường bị ngộ độc vì sữa học đường, nên tôi thực sự lo lắng,” chị Hà chia sẻ.

Cũng theo chị Hà, không chỉ chị mà rất nhiều phụ huynh khác cũng cùng chung cảm giác bất an như chị khi đăng ký chương trình sữa học đường cho con.

“Ở lớp của con tôi, nhiều phụ huynh thậm chí sau khi đã đăng ký chương trình sữa học đường lại xin rút lại,” chị Hà cho biết.


[Đồng Nai dừng Đề án Sữa học đường sau vụ hơn 70 học sinh ngộ độc]

Giống như chị Hà, anh Phạm Trung Kiên (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng không cho con tham gia chương trình sữa học đường. “Ở nhà con cũng có uống sữa, nên việc tham gia thêm chương trình sữa học đường ở trường với tôi cũng không phải là quá quan trọng. Trong khi đó, phụ huynh sẽ phải nơm nớp lo sữa có đảm bảo chất lượng hay không, liệu có nguy cơ con bị ngộ độc hay không? Dù được giảm 50% giá sữa nhưng để đảm bảo an toàn cho con thì tôi vẫn chọn mua ngoài cho yên tâm,” anh Kiên nói.

Cũng theo anh Kiên, khi anh hỏi giáo viên về việc sữa trong chương trình này là sữa gì, do đơn vị nào sản xuất, thì giáo viên trả lời là cô chưa biết.

“Làm sao tôi có thể đăng ký cho con tôi uống một thứ sữa mà chính nhà trường còn chưa biết nó là sữa gì? Sao chưa có thông tin gì về loại sữa sẽ cho học sinh uống mà trường đã triển khai cho phụ huynh đăng ký?” anh Kiên đặt câu hỏi.

Thiếu thông tin, phụ huynh từ chối chương trình Sữa học đường ảnh 2Tin nhắn của giáo viên cho phụ huynh về việc tham gia chương trình sữa học đường. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ép chỉ tiêu cho giáo viên?

Theo chị Nguyễn Thị Hà, sau khi ghi đồng ý vào phiếu đăng ký tham gia chương trình Sữa học đường, nhiều phụ huynh trong lớp con chị lại muốn thay đổi, không tham gia nữa. Tuy nhiên, giáo viên chủ nhiệm cho biết không thể thay đổi vì đã chuyển danh sách lên phòng giáo dục.

“Chương trình thậm chí còn chưa triển khai, thông tin về loại sữa còn chưa chốt, nhưng lại không cho phụ huynh dừng tham gia là điều vô lý,” chị Hà nói.

Cùng chung bức xúc này, phụ huynh Trần Nguyệt Hà cho biết, ở lớp con chị, trước việc nhiều phụ huynh không tham gia chương trình Sữa học đường, giáo viên chủ nhiệm đã nhắn tin cho từng phụ huynh.


[Chương trình hành động của Chính phủ về chăm sóc sức khỏe nhân dân]

Trong tin nhắn, giáo viên chủ nhiệm khẳng định: “Sữa học đường sẽ được triển khai đến tất cả học sinh trong thành phố Hà nội và đã được kiểm định chất lượng, chủ yếu bổ sung canxi để tăng chiều cao cho con.”

Giáo viên chủ nhiệm cũng nhắn nhủ các phụ huynh: “Đây cũng là nhiệm vụ của giáo viên chủ nhiệm trong năm học. Rất mong phụ huynh hợp tác ký lại để cô giáo hoàn thành nhiệm vụ.”

“Đây là chương trình tự nguyện, nhưng nói như thế lại như bắt ép, lại còn giao cho giáo viên chủ nhiệm theo kiểu chỉ tiêu thì tôi thấy rất không hợp lý,” chị Nguyệt Hà bức xúc.

Không chỉ nhắn tin, ở một số trường, giáo viên chủ nhiệm thậm chí còn gọi điện cho từng phụ huynh để đề nghị về việc đăng ký tham gia chương trình sữa học đường.

“Có thể giáo viên làm như vậy cũng vì bị ép chỉ tiêu từ trên xuống. Nhưng thay vì công khai thông tin về loại sữa, hãng sữa, chất lượng sữa như thế nào để phụ huynh tham gia, thì trường lại chọn cách ép phụ huynh dù mọi thông tin liên quan đều mù mờ. Điều đó chỉ khiến cho phụ huynh thêm nghi ngờ về chất lượng thật của chương trình,” chị Hà bức xúc nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục