Đồng Nai dừng Đề án Sữa học đường sau vụ hơn 70 học sinh ngộ độc

Sở GD-ĐT Đồng Nai có văn bản gửi Phòng Giáo dục và Đào tạo 11 huyện, thị trên địa bàn tỉnh về việc tạm dừng, không cho trẻ tiếp tục uống sữa thuộc Đề án Sữa học đường sau vụ hơn 70 học sinh ngộ độc.
Đồng Nai dừng Đề án Sữa học đường sau vụ hơn 70 học sinh ngộ độc ảnh 1Học sinh cấp cứu tại bệnh viện đa khoa huyện Tân Phú, Đồng Nai. (Nguồn: TTVH)

Ngày 3/3, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Nai Huỳnh Lệ Giang cho biết, Sở đã có văn bản gửi Phòng Giáo dục và Đào tạo 11 huyện, thị trên địa bàn tỉnh về việc tạm dừng, không cho trẻ tiếp tục uống sữa thuộc Đề án Sữa học đường.

Quyết định này liên quan đến việc hơn 70 học sinh Trường Tiểu học Phạm Văn Đồng và Trường Mầm non Phú Lộc xã Phú Lộc, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai) phải nhập viện với triệu chứng nghi ngộ độc thực phẩm.

Theo bà Huỳnh Lệ Giang, ngành chức năng Đồng Nai và đơn vị liên quan đã niêm phong lô sữa học sinh Trường Tiểu học Phạm Văn Đồng và Trường Mầm non Phú Lộc uống, lấy mẫu đưa đi xét nghiệm.

[Đồng Nai: Hơn 70 học sinh tiểu học, mầm non nhập viện nghi do ngộ độc]

Nguyên nhân trẻ nhập viện chưa thể xác định được, phải chờ kết luận của cơ quan chuyên môn. Tuy nhiên, để các bậc phụ huynh yên tâm, tránh xảy ra sự việc đáng tiếc, ngành Giáo dục Đồng Nai tạm dừng Đề án Sữa học đường trong phạm vi toàn tỉnh.

Trước đó, như tin đã đưa, khoảng 9 giờ 30 phút ngày 2/3, Trung tâm Y tế huyện Tân Phú tiếp nhận và điều trị cho hơn 70 trẻ đang học tại Trường Tiểu học Phạm Văn Đồng và Trường Mầm non Phú Lộc.

Các cháu nhập viện với triệu chứng mệt mỏi, đau bụng, buồn nôn, đau đầu. Tình trạng bệnh của trẻ không nặng, ngay trong chiều cùng ngày, gần 60 em đã xuất viện, số còn lại hồi phục sức khỏe và ra viện tối 2/3.

Đề án sữa học đường được Đồng Nai triển khai thí điểm từ cuối năm 2014 với kinh phí hơn 1.300 tỷ đồng. Hiện Chương trình được thực hiện tại toàn bộ các trường, cơ sở mầm non của tỉnh Đồng Nai và khối lớp một của các trường Tiểu học thuộc một số huyện.

Để thụ hưởng đề án, phụ huynh đóng 35% chi phí, số còn lại do doanh nghiệp và ngân sách Nhà nước chi trả. Khảo sát của Sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Nai cho thấy, 97% phụ huynh thống nhất với mức đóng góp (35%) kinh phí để con em họ uống sữa tại trường.

Sau 4 năm triển khai, chương trình sữa học đường góp phần giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng cân nặng và chiều cao, cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng của trẻ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục