Thời hạn chuyển đổi vị trí công tác trong Thông tin và Truyền thông

Bộ Thông tin và Truyền thông vừa ban hành Thông tư quy định danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác trong lĩnh vực Thông tin và Truyền thông tại chính quyền địa phương.
Thời hạn chuyển đổi vị trí công tác trong Thông tin và Truyền thông ảnh 1Trụ sở của Bộ Thông tin và Truyền thông. (Nguồn: Bộ Thông tin và Truyền thông)

Bộ Thông tin và Truyền thông vừa ban hành Thông tư số 01/2023/TT-BTTTT quy định danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác trong lĩnh vực Thông tin và Truyền thông tại chính quyền địa phương.

Đối tượng áp dụng Thông tư là công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và viên chức công tác tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý theo ngành, lĩnh vực Thông tin và Truyền thông tại chính quyền địa phương.

Thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác quy định tại Điều 4 của Thông tư này là đủ 3 năm (36 tháng) đến 5 năm (đủ 60 tháng) không bao gồm thời gian tập sự, thử việc.

Danh mục vị trí công tác trong lĩnh vực Thông tin và Truyền thông định kỳ chuyển đổi quy định tại phụ lục kèm theo Thông tư này. Thời điểm tính thời hạn chuyển đổi vị trí công tác là thời điểm có văn bản điều động, bố trí, phân công nhiệm vụ của cấp có thẩm quyền theo quy định.

Danh mục vị trí công tác thanh tra chuyên ngành Thông tin và Truyền thông được thực hiện theo Thông tư số 03/2021/TT-TTCP ngày 30/9/2021 của Thanh tra Chính phủ quy định chi tiết danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác tại Thanh tra Chính phủ và vị trí công tác trong lĩnh vực thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng tại chính quyền địa phương.

[Thủ tướng: Lĩnh vực thông tin và truyền thông có vị trí quan trọng]

Theo phụ lục của Thông tư, việc cấp giấy phép trong lĩnh vực Thông tin và Truyền thông đối với lĩnh vực báo chí, danh mục vị trí công tác định kỳ chuyển đổi (trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc) gồm: cấp, thu hồi giấy phép xuất bản bản tin cho các cơ quan, tổ chức; kiểm tra các điều kiện hoạt động của văn phòng đại diện, phóng viên thường trú trên địa bàn tỉnh, thành phố.

Đối với lĩnh vực Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, danh mục vị trí công tác định kỳ chuyển đổi là: cấp Giấy chứng nhận việc sử dụng thiết bị thu tín hiệu phát thanh truyền hình trực tiếp từ vệ tinh cho các đơn vị, tổ chức, cá nhân; cấp, thu hồi, sửa đổi, bổ sung, gia hạn giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp cho các tổ chức, doanh nghiệp; cấp, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng cho các tổ chức, cá nhân địa bàn tỉnh, thành phố.

Danh mục vị trí công tác định kỳ chuyển đổi đối với lĩnh vực Xuất bản, In và Phát hành là: cấp Giấy phép xuất bản tài liệu không kinh doanh; cấp, cấp lại, cấp đổi giấy phép hoạt động in xuất bản phẩm; cấp Giấy phép in gia công xuất bản phẩm cho nước ngoài; cấp phép đăng ký hoạt động cơ sở in; cấp, cấp lại giấy phép hoạt động in; cấp Giấy phép nhập khẩu xuất bản phẩm không kinh doanh; cấp Giấy phép tổ chức triển lãm hội chợ xuất bản phẩm; cấp, cấp lại Giấy xác nhận đăng ký hoạt động phát hành xuất bản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố.

Phụ lục cũng nêu danh mục vị trí công tác định kỳ chuyển đổi đối với lĩnh vực Bưu chính; phân bổ, thẩm định, quản lý các dự án, đề án thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông đối với lĩnh vực Công nghệ thông tin...

Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 17/3/2023; bãi bỏ Quyết định số 54/2008/QĐ-BTTTT ngày 12/12/2008 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về việc ban hành danh mục các vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong ngành Thông tin và Truyền thông phải thực hiện định kỳ chuyển đổi.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ quan, đơn vị phản ánh kịp thời về Bộ Thông tin và Truyền thông để được hướng dẫn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục