Thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh

Chiều 30/5, Quốc hội đã làm việc ở hội trường biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015.
Thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh ảnh 1Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Trần Thị Quốc Khánh phát biểu ý kiến. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII, chiều 30/5, Quốc hội đã làm việc ở hội trường biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2014 của Quốc hội; thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).


Thông qua Nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII

Với 85,14% số phiếu tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2014 của Quốc hội.

Theo đó, chưa đưa vào Chương trình nhiệm kỳ hai dự án là Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi) và Luật hành chính công. Rút khỏi Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014 dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật dược; bổ sung năm dự án Nghị quyết của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi) vào Chương trình thông qua tại kỳ họp thứ 7; Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 vào Chương trình thông qua tại kỳ họp thứ 9; Luật biểu tình vào Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9, thông qua tại kỳ họp thứ 10; Luật về hội, Luật tiếp cận thông tin vào Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10.

Lùi thời gian trình bảy dự án Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kế toán; Luật thống kê (sửa đổi); Luật an toàn thông tin từ Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 sang Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 và thông qua tại kỳ họp thứ 10; Luật khí tượng thủy văn; Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi); Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi) từ Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 sang Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10.

Đồng thời, chưa đưa vào Chương trình năm 2015 năm dự án Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi); Luật hành chính công; Luật cảnh vệ; Luật năng lượng nguyên tử (sửa đổi) và Luật thanh niên (sửa đổi).

Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi) cần có chương về ứng phó với biến đổi khí hậu

Trong buổi làm việc chiều nay, các đại biểu Quốc hội cũng đã thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi). Đa số ý kiến các vị đại biểu Quốc hội tán thành với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, một số ý kiến đại biểu đề nghị không bổ sung cụm từ “cơ quan” vào phạm vi điều chỉnh của Luật vì nội hàm của “tổ chức” đã bao hàm “cơ quan” và không cần thiết giữ lại cụm từ “hộ gia đình” như trong Luật bảo vệ môi trường năm 2005, vì “hộ gia đình” không phải là pháp nhân.

Về điều này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng việc bổ sung cụm từ “cơ quan” vào phạm vi điều chỉnh của Luật nhằm làm rõ vai trò, trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường; còn “hộ gia đình” là chủ thể có vai trò quan trọng và trách nhiệm lớn trong bảo vệ môi trường.

Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho phép thể hiện phạm vi điều chỉnh của Luật như tại Điều 1 Dự thảo Luật.

Thảo luận về quy hoạch bảo vệ môi trường, hầu hết các ý kiến tán thành sự cần thiết quy định quy hoạch bảo vệ môi trường trong Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi) và cho rằng: Nhiều nước trên thế giới đã có quy hoạch bảo vệ môi trường; một số địa phương ở Việt Nam cũng đã xây dựng quy hoạch bảo vệ môi trường. Việc quy định quy hoạch bảo vệ môi trường trong Luật là kế thừa và hoàn thiện quy định của Luật bảo vệ môi trường năm 1993 và Luật bảo vệ môi trường năm 2005.

Theo đại biểu Huỳnh Minh Hoàng (Bạc Liêu), hiện nay có rất nhiều quy hoạch phát triển khác nhau như quy hoạch sử dụng đất, bảo vệ và phát triển rừng, đa dạng sinh học...; trong đó, nhiều quy hoạch chưa xem xét cũng như lồng ghép yếu tố bảo vệ mội trường.

Vì vậy, Luật bảo vệ môi trường cần quy định việc lồng ghép các nội dung bảo vệ môi trường trong các quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội. Mặt khác, quy hoạch bảo vệ môi trường cần xác định những ưu tiên trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và lộ trình thực hiện cụ thể.

Một trong những nội dung còn có ý kiến khác nhau được nhiều đại biểu Quốc hội góp ý là về vấn đề nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ. Tán thành việc giao Chính phủ cho phép nhập khẩu một số loại tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ vì mục đích kinh tế và giải quyết việc làm, đại biểu Nguyễn Thanh Thủy (Bình Định) cho rằng: Quy định này đã khắc phục được sự bất cập của Luật bảo vệ môi trường 2005.

Vì vậy, không nên cấm tuyệt đối như Luật bảo vệ môi trường 2005, bởi Việt Nam vẫn cần nguyên liệu phục vụ cho sản xuất. Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi) cần phải có quy định nghiêm ngặt để bảo vệ môi trường cũng như những quy định cụ thể hơn nhằm kiểm soát hoạt động nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng.

Trái với quan điểm trên, đại biểu Huỳnh Minh Hoàng (Bạc Liêu) và một số đại biểu khác đề nghị Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi) cần bỏ khoản 3 Điều 81 quy định việc nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ.

Đại biểu Hoàng cho rằng: Xu hướng dịch vụ phá dỡ tàu biển cũ di chuyển từ các nước phát triển sang những nước đang phát triển và kém phát triển ngày càng rõ nét. Đây chính là hình thức vận chuyển các chất thải nguy hại trên quy mô toàn thế giới và hậu quả là các nước nghèo sẽ nhận được ngày càng nhiều chất thải, nhất là chất nguy hại.

Mặt khác, khi phá dỡ một tàu biển cũ có thể đem lại 90-95% nguồn thép phế liệu nhưng để lại một khối chất nguy hại không nhỏ chiếm từ 5-10% trọng lượng như nước bẩn đáy tàu, xăng dầu, lớp sơn thân tàu có chứa oxit chì, thủy ngân...

Các chất độc nguy hại này mang nhiều nguy cơ tiềm ẩn gây hại đến môi trường cũng như ảnh hưởng sức khỏe con người và đây chính là nguyên nhân phát sinh ra các căn bệnh thần kinh, ung thư...

Về nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường biển, hải đảo trong Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi), đa số ý kiến c ác vị đại biểu tán thành như trong Dự thảo Luật và cho rằng: Cần có một chương về ứng phó với biến đổi khí hậu, vì Đảng và Nhà nước đã có nhiều nghị quyết, chính sách, chiến lược cũng như chương trình về lĩnh vực này và cần phải luật hóa nhằm tạo cơ sở pháp lý để tổ chức các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Các đại biểu Quốc hội cũng đã góp ý vào một số nội dung như: Đánh giá môi trường chiến lược; đánh giá tác động môi trường; bảo vệ môi trường trong nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa…

Theo Chương trình, ngày 2/6, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2013; phương án đảm bảo cân đối ngân sách trung ương và ngân sách địa phương năm 2013; việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2014.

Phiên thảo luận này sẽ được truyền hình, phát thanh trực tiếp để cử tri cả nước theo dõi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục