Ngày 7/7, Hội nghị xúc tiến đầu tư các doanh nghiệp Hàn Quốc vào Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã diễn ra tại Hà Nội. Đây là sự kiện xúc tiến đầu tư đầu tiên được tổ chức sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định 74/2017/NĐ-CP ngày 20/6/2017 quy định cơ chế chính sách đặc thù đối với Khu công nghệ cao Hòa Lạc.
Bên lề hội nghị, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Đại Dương về định hướng cũng như chiến lược của Khu công nghệ cao Hòa Lạc.
- Hiện nay, tỷ lệ các dự án đầu tư vào Khu công nghệ cao Hòa Lạc còn khiêm tốn với con số 80 dự án. Xin Thứ trưởng cho biết định hướng thu hút đầu tư trong thời gian tới?
- Thứ trưởng Phạm Đại Dương: Ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc vừa trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 2 dự án của doanh nghiệp Hàn Quốc, nâng tổng số dự án tại Khu công nghệ cao lên 80 dự án. Mặc dù con số này còn khiêm tốn nhưng Khu công nghệ cao Hòa Lạc được quy hoạch hướng tới mục tiêu phát triển thành một thành phố khoa học và công nghệ, một đô thị sinh thái và thông minh nên định hướng thu hút đầu tư vào Khu công nghệ cao Hòa Lạc không đặt nặng vấn đề “lấp đầy” trong thời gian gần nhất và không "lấp đầy" bằng mọi giá.
Các doanh nghiệp đầu tư vào Khu công nghệ cao phải thực sự là doanh nghiệp có hàm lượng khoa học công nghệ, có tiềm lực về tài chính. Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã quy định tiêu chí dự án công nghệ cao và những danh mục dự án công nghệ cao cũng như những định hướng công nghệ cao cần thu hút trong khu công nghệ cao nên Ban quản lý Khu công nghệ phải “bám sát” chủ trương của Đảng, Nhà nước và Bộ Khoa học và Công nghệ trong thu hút đầu tư để đảm bảo phát triển và phát huy tiềm lực khoa học và công nghệ.
Thực tế, các nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư trong nước đều quan tâm tới địa điểm đầu tư, môi trường đầu tư có thật sự thuận lợi và thông thoáng không, các chính sách ưu đãi về thuế, giá đất và các vấn đề liên quan để giảm chi phí trong quá trình đầu tư, điều đáng quan tâm là Ban Quản lý phải thực sự tạo ra môi trường thân thiện cho các nhà đầu tư vào Khu công nghệ cao Hòa Lạc.
Trong thu hút đầu tư vào Khu công nghệ cao Hòa Lạc, các dự án phải đảm bảo tiêu chí nghiên cứu-triển khai (R&D) và Ban Quản lý đặt kỳ vọng thu hút các dự án có tỷ lệ R&D cao, đồng thời khuyến khích các nhà đầu tư thực hiện R&D tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Thực tế, một số nhà đầu tư lớn của nước ngoài sang Việt Nam đầu tư chủ yếu làm về sản xuất hơn là làm R&D nhưng Khu công nghệ cao vẫn đưa ra tiêu chí R&D để nhà đầu tư đảm bảo tỷ lệ nghiên cứu cũng như sử dụng nguồn nhân lực công nghệ cao khi thực hiện dự án đầu tư của họ tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc.
[Ban hành chính sách đặc thù đối với Khu Công nghệ cao Hòa Lạc]
Mục tiêu của Khu công nghệ cao Hòa Lạc là phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ quốc gia, theo đó, trong quy hoạch đã quy hoạch Khu để thu hút các nhà đầu tư về cơ sở đào tạo và trường đại học, hiện nay khu vực này đã được “lấp đầy” với Trường Đại học Việt-Pháp, Trường Đại học Việt-Nhật, Trường Đại học FPT.
Còn khu thu hút các dự án nghiên cứu của các doanh nghiệp, các viện nghiên cứu thì hiện nay có Dự án Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam-Hàn Quốc (V-KIST) được Chính phủ Hàn Quốc hỗ trợ xây dựng theo mô hình Viện KIST của Hàn Quốc để thực hiện chương trình nghiên cứu chung.
Ngoài ra, một số doanh nghiệp như Viettel, VNPT, FPT... cũng tổ chức phòng thí nghiệm, phòng nghiên cứu trong Khu triển khai... đảm bảo từng bước đưa Khu công nghệ cao Hòa Lạc trở thành Thành phố Khoa học và Công nghệ.
- Với việc ban hành Nghị định 74/2017/NĐ-CP quy định cơ chế, chính sách đặc thù đối với Khu công nghệ cao Hòa Lạc được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 20/6/2017 đã thực sự tạo cơ chế “mở” trong thu hút đầu tư?
- Thứ trưởng Phạm Đại Dương: Nghị định đã giải quyết được cơ bản vấn đề về cơ chế, chính sách, môi trường, thủ tục hành chính thông thoáng, tạo môi trường đầu tư thật sự thuận lợi cho nhà đầu tư bằng cách giao thẩm quyền cho Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc để có quy trình, thủ tục thật sự thông thoáng "một cửa" "một cửa liên thông" đồng thời, tạo cơ chế ưu đãi đối với các dự án đầu tư và cá nhân những người đầu tư trong Khu công nghệ cao Hòa Lạc.
Nghị định 74 được ban hành đã tạo ra cơ chế xã hội hóa và thu hút các nguồn lực ngoài nhà nước để đầu tư vào phát triển khu công nghệ cao, tháo gỡ được "nút thắt" tài chính khi kinh phí đầu tư cho khu công nghệ "hạn hẹp."
Việc tạo cơ chế xã hội hóa là cần thiết bởi không thể dùng toàn bộ ngân sách Nhà nước để đầu tư và phát triển Khu công nghệ cao Hòa Lạc mà phải huy động nguồn vốn của xã hội, của các công ty phát triển hạ tầng. Trong thời gian vừa qua, tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã có 3 công ty phát triển hạ tầng để đầu tư những hạ tầng mà nhà nước không đầu tư để thu hút đầu tư.
Bên cạnh đó, khi xây dựng cơ chế vận hành đô thị, vận hành Khu công nghệ cao Hòa Lạc cũng phải có cơ chế để xã hội hóa chứ không thể “bám” vào ngân sách nhà nước để có nguồn kinh phí vận hành. Ví dụ, các công ty hạ tầng đầu tư trên nền hạ tầng nhà nước đã đầu tư và họ đầu tư hạ tầng "sâu" hơn để đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư, trên cơ sở đó họ sẽ thu phí của nhà đầu tư và công ty phát triển hạ tầng sẽ có trách nhiệm lấy chi phí đó để vận hành duy tu, bảo dưỡng…
- Nhân hội nghị xúc tiến đầu tư các doanh nghiệp Hàn Quốc vào Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Thứ trưởng đánh giá thế nào về tiềm năng của các nhà đầu tư Hàn Quốc trong thời gian tới?
- Thứ trưởng Phạm Đại Dương: Hàn Quốc là một trong những quốc gia có tỷ lệ vốn đầu tư FDI lớn nhất vào Việt Nam hiện nay, với điều kiện thực tế của Khu công nghệ cao Hòa Lạc (vị trí thuận lợi, cơ chế chính sách "mở," thông thoáng cùng với cơ chế chính sách đặc thù, môi trường đầu tư và điều kiện cơ sở hạ tầng của Khu công nghệ cao Hòa Lạc thì đây chắc chắn là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư Hàn Quốc nói riêng và các nhà đầu tư nói chung.
Hiện nay, Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã có sự hiện diện của nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc như Công ty liên doanh y học Việt Hàn, Công ty SDS, Công ty DT&C...
- Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!