Thủ tướng chỉ đạo quyết liệt thu ngân sách ngay từ đầu năm

Thủ tướng đề nghị Bộ chỉ đạo quyết liệt công tác thu ngân sách Nhà nước ngay từ đầu năm, tiếp tục mở rộng cơ sở tính thuế, kiểm soát chặt chẽ kê khai thuế, nắm chắc nguồn thu trên địa bàn.
Thủ tướng chỉ đạo quyết liệt thu ngân sách ngay từ đầu năm ảnh 1Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. (Ảnh:Thống Nhất/TTXVN)

Chiều 6/12, phát biểu chỉ đạo công tác năm 2017 của ngành tài chính tại hội nghị trực tuyến tổng kết năm 2016 của ngành, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu “Ngành Tài chính phải có chương trình, kế hoạch hành động cụ thể để thực sự là đơn vị dẫn đầu trong việc thực hiện chủ trương xây dựng Chính phủ và cơ quan hành chính các cấp liêm chính, kiến tạo phát triển, hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp.”

Cùng dự hội nghị có Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và lãnh đạo nhiều bộ, ban ngành trung ương.

Vượt thu ngân sách trong bối cảnh chồng chất khó khăn

Khép lại một năm khốc liệt của thiên tai, phức tạp của diễn tiến tài chính khu vực và thế giới, với quyết tâm cao độ cùng những giải pháp kịp thời, phù hợp, ngành Tài chính đã kết thúc năm 2016 với thành tựu nổi bật nhất là vượt thu ngân sách Nhà nước trong bối cảnh có những thời điểm tưởng chừng như đây là một nhiệm vụ bất khả thi.

Sự bấp bênh và dao động ở mức thấp của giá dầu, thiên tai và những yếu tố khác là những rào cản mạnh mẽ đến thu ngân sách Nhà nước. Vì vậy, mặc dù đã tích cực triển khai từ đầu năm, song tiến độ thu ngân sách Nhà nước, đặc biệt là ngân sách trung ương năm nay luôn đạt thấp so với dự toán và chậm hơn so với cùng kỳ năm 2015.

Nhờ những biện pháp quyết liệt của Bộ Tài chính triển khai chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế; đôn đốc các khoản theo kết quả kiểm toán, thanh tra, kết quả thu ngân sách đã đạt khá hơn dự báo. Đến hết năm 2016, thu cân đối ngân sách Nhà nước ước đạt 1.094 ngàn tỷ đồng, vượt 79,6 ngàn tỷ đồng 7,8% dự toán, tăng thêm 55 ngàn tỷ đồng so với báo cáo Quốc hội.

Hầu hết các địa phương đều thu đạt và vượt dự toán được giao (58/63 địa phương). Đến nay, đã có gần 564,5 ngàn doanh nghiệp đăng ký kê khai qua mạng, thủ tục hải quan điện tử được triển khai tại 34/34 Cục Hải Quan trên cả nước. Ước tính đến cuối năm 2016, dư nợ công khoảng 64,73% GDP, dự nợ Chính phủ khoảng 53,62% GDP. Nợ công được quản lý, kiểm soát chặt chẽ bảo đảm trong giới hạn cho phép.

Điểm lại những kết quả nổi bật của ngành, đóng góp trực tiếp và rất lớn vào thành tựu kinh tế-xã hội năm 2016 của cả nước, đặc biệt là vượt thu ngân sách Nhà nước, Thủ tướng đánh giá ngành tài chính luôn là một trong những ngành tiên phong, triển khai quyết liệt chủ trương cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo tinh thần Nghị quyết 19 của Chính phủ.

Thủ tướng biểu dương toàn thể cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động ngành Tài chính, cùng các Bộ ngành, đặc biệt là các địa phương trong cả nước đã nỗ lực phấn đấu và đạt được những kết quả tích cực, toàn diện về tài chính-ngân sách Nhà nước, góp phần vào thành công của công tác chỉ đạo điều hành và kết quả phát triển kinh tế-xã hội chung của cả nước.

Chi thường xuyên tăng rất nhanh

Chỉ ra một số hạn chế, yếu kém của ngành để tập trung khắc phục, Thủ tướng cho rằng, nợ công còn ở mức cao, dư địa chính sách tài khóa rất hạn hẹp. Cân đối ngân sách Nhà nước khó khăn. Thu ngân sách không đủ chi thường xuyên và trả nợ.

“Chi thường xuyên tăng rất nhanh trong những năm gần đây là nguyên nhân chính làm ngân sách Nhà nước luôn căng thẳng. Theo các chuyên gia tài chính, nếu không chấm dứt tình trạng này sự sụp đổ nền tài chính quốc gia là không thể tránh khỏi. Ngắn hạn là nợ xấu, trung hạn là nợ công,” Thủ tướng bày tỏ.

Thể chế, pháp luật, cơ chế chính sách về tài chính, thuế, hải quan vẫn còn bất cập, thiếu đồng bộ, nhiều trường hợp thiếu nhất quán và không ổn định, còn chồng chéo, gây khó khăn cho sản xuất kinh doanh cũng như công tác quản lý tài chính ngân sách Nhà nước.

Tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, chuyển giá ngày càng phức tạp, tinh vi, khó kiểm soát. Lãng phí ngân sách Nhà nước trong sử dụng tài sản công, đất đai còn lớn.

Đề nghị Bộ Tài chính cần đóng vai trò trung tâm thực hiện thành công những mục tiêu kinh tế-xã hội của đất nước năm 2017 đã được Quốc hội thông qua, Thủ tướng nêu rõ, để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP là 6,7%, giảm bội chi ngân sách dưới 3,5% GDP, lạm phát khoảng 4% là những nhiệm vụ không hề đơn giản.

Vì vậy, Bộ Tài chính trong năm 2017 phải vừa thực hiện tốt các công cụ chính sách tài khóa để giữ ổn định kinh tế vĩ mô, vừa phải có cải cách đột phá trong thu chi ngân sách để giảm bội chi, kiểm soát chặt nợ công và đảm bảo khả năng trả nợ, đồng thời góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng đã đề ra. Đây là trọng trách Chính phủ giao cho các đồng chí trong năm 2017.

Kiến tạo, hành động trong quản lý ngân sách

“Chính phủ kiến tạo, phục vụ, hành động thì ngành Tài chính phải kiến tạo, hành động trong quản lý ngân sách theo hướng khuyến khích tính năng động, sáng tạo, tự chủ, trách nhiệm của các địa phương trong thực hiện các mục tiêu kinh tế-xã hội, phục vụ người dân, doanh nghiệp; cần phải tiến tới loại bỏ tư duy kinh tế kiểu cào bằng, bình quân chủ nghĩa trong phân bổ nguồn lực tài chính công và quy trách nhiệm cụ thể cho người đứng đầu mỗi Bộ, ngành, địa phương để xóa bỏ bao cấp, tạo ra động lực phát triển cân đối và toàn diện thời gian tới,” Thủ tướng chỉ đạo.

Thủ tướng đề nghị Bộ chỉ đạo quyết liệt công tác thu ngân sách Nhà nước ngay từ đầu năm, tiếp tục mở rộng cơ sở tính thuế, kiểm soát chặt chẽ kê khai thuế, nắm chắc nguồn thu trên địa bàn, đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời theo quy định; siết chặt thu hồi nợ đọng thuế, kiểm tra giám sát gian lận thương mại, chuyển giá...

Bộ cũng cần tiếp tục miễn giảm thuế nông nghiệp, đồng thời, rà soát các chính sách ưu đãi thuế hiện hành xem đã hợp lý, hiệu quả chưa. Ưu đãi nào ít có tác dụng mà lại gây thiệt hại cho ngân sách thì cần nhanh chóng hủy bỏ. Cần chấn chỉnh việc lạm thu các khoản đóng góp ở cơ sở đang gây bức xúc trong xã hội.

Đi liền với đó là quản lý chặt chi ngân sách, triệt để tiết kiệm, chống xa hoa, lãng phí, phô trương hình thức, cắt giảm chi hội nghị, hội thảo, đoàn ra, chi mua sắm tài sản đắt tiền, giảm chi thường xuyên. Rà soát lại những khoản chi bất hợp lý. Công khai, minh bạch, làm rõ trách nhiệm cá nhân, tập thể gây thất thoát, lãng phí ngân sách Nhà nước và tài sản công; xử lý nghiêm các sai phạm; củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước. Chúng ta làm điều này là thể hiện tinh thần trách nhiệm với từng đồng tiền thuế của dân, Thủ tướng nhấn mạnh

Thủ tướng cho rằng, Bộ Tài chính đã thí điểm đi đầu về khoán xe công được nhân dân rất hoan nghênh, song việc này cần tổng kết mô hình, đánh giá toàn diện, cần phấn đấu giảm số lượng xe công để đấu giá xe công thu ngân sách cho Nhà nước.

Song theo Thủ tướng, xe công cũng chỉ là 1 hạt ngọc trong kho châu báu là khối tài sản công khổng lồ đang quản lý rất phân tán, kém hiệu quả của chúng ta. Nguồn lực công lớn nhất là nguồn lực từ trụ sở, đất đai có quy mô rất lớn nhưng chưa được định giá chính xác, sử dụng có phần tùy tiện, là tâm điểm của tham nhũng, của lợi ích nhóm và cũng là điểm nghẽn tăng trưởng của nền kinh tế. Cần phải nghiên cứu và thí điểm áp dụng các phương thức quản lý, khai thác hiệu quả nguồn lực đặc biệt quan trọng này.

Bộ Tài chính cần đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư ngoài ngành theo kế hoạch đã được phê duyệt; giảm và bán toàn bộ vốn nhà nước ở các doanh nghiệp Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần chi phối theo nguyên tắc thị trường, “Khu vực doanh nghiệp nhà nước phải nhỏ đi, từng doanh nghiệp nhà nước phải mạnh lên,” Thủ tướng yêu cầu.

Thủ tướng nêu rõ, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương đã rất nỗ lực trong việc thực hiện cải cách hành chính, tuy nhiên chuyển biến chưa được như mong muốn do khâu triển khai ở dưới cơ sở. Tình trạng nhũng nhiễu người dân, doanh nghiệp của cán bộ thuế, hải quan vẫn đang là vấn đề nhức nhối, khiến dư luận bức xúc. Vẫn còn tình trạng một bộ phận cán bộ thuế vòi vĩnh doanh nghiệp.

“Ngành Tài chính phải có chương trình, kế hoạch hành động cụ thể để thực sự là đơn vị dẫn đầu trong việc thực hiện chủ trương xây dựng Chính phủ và cơ quan hành chính các cấp liêm chính, kiến tạo phát triển, hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp,” Thủ tướng đề nghị.

Cùng với đó là phải tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, hiệu quả, thực chất trong khu vực sự nghiệp công, giảm mức hỗ trợ trực tiếp đối với đơn vị sự nghiệp công lập, dành nguồn để tăng chi hỗ trợ cho người nghèo, đối tượng chính sách, tạo nguồn cải cách tiền lương và hỗ trợ mua sắm sửa chữa cho các đơn vị sự nghiệp công lập để nâng cao chất lượng dịch vụ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục