Thực hiện Luật Hải quan mới: Doanh nghiêp vẫn "bỗng dưng muốn khóc"

Không ít doanh nghiệp đều cho rằng, những thủ tục kiểm tra chất lượng, kiểm dịch với hàng hóa năm nay vẫn không hề đơn giản hơn trước.
Thực hiện Luật Hải quan mới: Doanh nghiêp vẫn "bỗng dưng muốn khóc" ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Thời gian thông quan hàng đang được ngành hải quan đong đếm cho thấy kết quả ban đầu thấp… tới mức đang nghi ngờ. Trong khi ấy, không ít doanh nghiệp đều cho rằng, những thủ tục kiểm tra chất lượng, kiểm dịch với hàng hóa năm 2015 không hề đơn giản hơn trước.

Đó là một phần trong những rắc rối của doanh nghiệp sau hơn 8 tháng thực hiện Luật Hải quan vừa được nêu lên tại hội thảo tham vấn doanh nghiệp được Tổng cục Hải quan và Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức sáng 8/9 tại Hà Nội.

Kiểm tra lông vũ phải lên… viện hàn lâm

Đánh giá cao quy trình khai báo hải quan qua mạng nhưng bà Đặng Phương Dung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam cho rằng, với nhiều lô hàng, tình trạng này vẫn chưa được cải thiện.

Theo bà, doanh nghiệp dệt may thường phải nhập khẩu lông vũ, lông cáo, chồn để làm hàng xuất khẩu. Những mặt hàng này đã có kiểm dịch động vât từ phía nước xuất khẩu nhưng về Việt Nam, các doanh nghiệp trong nước vẫn phải làm lại quy trình xin kiểm dịch.

Quy trình cụ thể được bà Dung cho biết bắt đầu từ gửi công văn lên Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và chờ có chứng nhận thường sẽ mất 5-7 ngày. Sau đó, doanh nghiệp tiếp tục phải xin đăng ký kiểm dịch, hun trùng tại cửa khẩu nhập, thời gian thông thường theo bà là 1-2 ngày. Kết quả sau hun trùng tiếp theo phải gửi lên Viện Sinh thái Môi trường hoặc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam để giám định.

Thời gian thực hiện việc kiểm dịch với những mặt hàng trên theo đại diện Hiệp hội Dệt May Việt Nam qua đó có thể tốn tới 20 ngày. Trong thời gian ấy, các đơn vị nhập khẩu không chỉ phải chịu chi phí kiểm dịch mà còn gánh thêm phí lưu kho bãi có thể lên vài chục triệu đồng.

Đó chỉ là một trong không ít ví dụ " bỗng dưng muốn khóc" của bà Dung khi nói về những thủ tục thông quan hàng hóa hiện tại.

Cũng theo bà, ngoài những thủ tục đã được thực hiện theo phương thức điện tử, cơ quan chức năng vẫn yêu cầu 1 bộ photocopy chứng từ đi kèm các tờ khai với hàng gia công đã nộp hải quan.

"Bộ photocopy chứng từ đó là gì, tại sao phải nộp, cái này cần làm rõ vì hiện ở nhiều doanh nghiệp vẫn đang có 'tiếng khóc,'" đại diện Hiệp hội Dệt May Việt Nam thẳng thắn.

Thực hiện Luật Hải quan mới: Doanh nghiêp vẫn "bỗng dưng muốn khóc" ảnh 2Đại diện ngành dệt may cho rằng, thời gian kiểm tra với một số mặt hàng vẫn chưa được rút ngắn. (Ảnh: TTXVN)

Vấn đề này cũng được ông Âu Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan thừa nhận. Theo ông, quy định mới đã nói rõ người khai hải quan không phải xuất trình tờ khai hải quan giấy với cơ quan Nhà nước nhưng sự bất cập xuất phát từ sự phối hợp giữa một số bộ chuyên ngành.

"Một số cơ quan vẫn chưa thay đổi thủ tục hành chính liên quan và vẫn yêu cầu chứng từ là không đúng tinh thần của nghị định," ông Tuấn khẳng định.

Cũng theo ông, hiện tại cơ quan chức năng đang tiến hành đo thời gian kiểm tra hồ sơ và thực tế hàng hóa. Không nói chi tiết về kết quả này nhưng ông Tuấn cho rằng, kết quả ban đầu đang cho thấy thời gian thấp tới… mức nghi ngờ.

"Theo phản ánh của doanh nghiệp thì một số hồ sơ kiểm tra rất lâu," ông Tuấn nói.

Quản lý rủi ro có thể thành phân biệt đối xử

Nói thêm về thời gian kiểm tra hàng hóa, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) chỉ ra thực tế, chỉ một số ít doanh nghiệp trong ngành thủy sản hiện được vào luồng xanh (miễn kiểm tra hồ sơ giấy và miễn kiểm tra thực tế hàng hóa).

Tuy nhiên, theo ông, chính những doanh nghiệp thuộc luồng xanh cũng không hiểu vì sao mình lại được ưu tiên khoanh vào khu vực này.

Điều này được ông Phạm Thanh Bình, Nguyên Cục trưởng Cục giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan tỏ ý đồng tình. Theo ông, số doanh nghiệp thuộc luồng kiểm tra là vàng và đỏ đang tăng lên nhiều.

"Có những doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu mà chỉ 1% hàng thuộc luồng xanh. Thậm chí nhiều doanh nghiệp 100% hàng hóa thuộc luồng đỏ," ông Bình chia sẻ.

Điều này theo ông xuất phát từ việc một số mặt hàng đã cơ quan chuyên ngành kiểm tra nhưng vẫn bị kiểm tra lại theo diện luồng vàng.

"Tức là một số mặt hàng đã được cơ quan Nhà nước chăm sóc hơi kỹ. Ta cần tính lại, quản lý rủi ro là hiện đại nhưng không cẩn thận thì thành phân biệt đối xử," vị chuyên gia kinh tế đưa ra quan điểm.

Nói thêm về cuộc khảo sát được phía USAID cùng một số hiệp hội doanh nghiệp thực hiện trong tháng Tám, ông Bình cho biết có 94% doanh nghiệp (trong số khoảng 70 doanh nghiệp được hỏi) đánh giá thay đổi của chính sách hải quan là tích cực.

Tuy vậy, theo ông, thời gian hoàn thành thủ tục kiểm tra chuyên ngành năm 2015 so với trước đó vẫn chưa cải thiện nhiều khi 78,6% doanh nghiệp cho rằng thời gian kiểm dịch không nhanh hơn. Thời gian kiểm tra chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm cũng cho kết quả tương tự.

Đặc biệt, 88,5% doanh nghiệp tham gia cho biết để hàng được thông quan thì các đơn vị vẫn phải làm thủ tục trực tiếp với bộ phận giám sát.

Việc tiếp xúc với doanh nghiệp được lãnh đạo ngành hải quan giải đáp ngay tại buổi tham vấn ngày hôm nay với cam kết sẽ hướng tới mô hình điện tử. Theo đó, các doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho, bãi sẽ kết nối thông tin với ngành hải quan về số tờ khai, danh sách container, danh sách hàng và thực hiện kiểm tra. Các doanh nghiệp qua đó sẽ không phải tiếp xúc trực tiếp với cán bộ hải quan.

Quy trình trên theo ông Âu Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục giám sát quản lý về hải quan sẽ thí điểm từ 15/9 tại cảng Đình Vũ, Hải Phòng và sẽ mở rộng sau đó.

"Quy trình trên nếu làm được thì giảm thủ tục nhiều so với trước đây," ông Tuấn nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục