Tình hình nghiên cứu và áp dụng vắcxin COVID-19 trên thế giới

Việc phân phối vắcxin COVID-19 đang được tiến hành rộng rãi tại các quốc gia, cùng với đó, các chuyên gia vẫn tiếp tục nghiên cứu và thử nghiệm các loại vắcxin mới.
Tình hình nghiên cứu và áp dụng vắcxin COVID-19 trên thế giới ảnh 1Tiêm chủng vắcxin Sputnik V phòng COVID-19 tại Moskva, Nga, ngày 30/12/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Việc phân phối vắcxin COVID-19 đang được tiến hành rộng rãi tại các quốc gia, cùng với đó, các chuyên gia vẫn tiếp tục nghiên cứu và thử nghiệm các loại vắcxin mới.

Nga có thể phê chuẩn các loại vắcxin ngừa COVID-19 của các hãng dược phẩm nước ngoài

Hãng tin TASS dẫn lời Giám đốc Cơ quan y tế nhà nước (Roszdravnadzor) ngày 14/1 cho biết Nga có thể phê chuẩn các loại vắcxin ngừa đại dịch COVID-19, bao gồm cả vắcxin do hai hãng dược phẩm Pfizer và BioNTech phát triển.

Trước đó, ngày 13/1, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chỉ thị giới chức nước này từ ngày 18/1 tới bắt đầu triển khai chương trình tiêm chủng đại trà vắcxin Sputnik V phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do Trung tâm Nghiên cứu Dịch tễ học và Vi sinh Gamaleya hợp tác với Quỹ đầu tư trực tiếc Nga (RDIF) phát triển.

Ông Putin cho rằng vắcxin của Nga đã chứng minh được là loại tốt nhất trên thế giới. Hiện tại, ưu điểm của vắcxin này là rõ ràng và được kiểm chứng bằng thực tế.

[Đức: Một cụ bà tử vong ngay sau khi tiêm vắcxin phòng COVID-19]

Tổng thống Putin cũng chỉ thị cho giới chức y tế Nga triển khai tiêm chủng đại trà vắcxin COVID-19 cho tất cả người dân nước này bắt đầu từ tuần tới.

Nga cũng sẽ thử nghiệm lâm sàng vắcxin Sputnik-Light liệu trình một liều, dự kiến cung cấp cho các nước tỷ lệ lây nhiễm COVID cao.

150 tình nguyện viên sẽ tiêm thử loại vắcxin một liệu trình này tại 3 cơ sở y tế thuộc thành phố St Petersburg và Moskva. Tổng thống Putin cho biết Sputnik-Light tạo ít kháng thể hơn, song "vẫn đạt hiệu quả 85%," khả năng miễn dịch bảo vệ có thể kéo dài 3-4 tháng. Khi tiêm đủ hai liều, vắcxin Sputnik V hiệu quả trên 91%.

Tính tới thời điểm hiện tại, Nga là nước có số ca nhiễm COVID-19 cao thứ 4 trên thế giới với hơn 3,49 triệu ca mắc, trong đó có gần 64.000 ca tử vong.

Hungary đạt thỏa thuận mua vắcxin của Sinopharm (Trung Quốc)

Chánh Văn phòng Thủ tướng Hungary, ông Gergely Gulyas ngày 14/1 cho biết nước này đã đạt thỏa thuận với công ty dược phẩm Sinopharm của Trung Quốc về việc mua vắcxin ngừa COVID-19 của hãng này.

Theo ông Gulyas, Hungary đã đạt được thỏa thuận với Sinopharm, theo đó lô vắcxin đầu tiên của hãng này giao cho Hungary có thể lên đến 1 triệu liều. Thời gian giao vắcxin Sinopharm phụ thuộc vào việc khi nào giới chức y tế Hungary cấp phép sử dụng cho loại vắcxin này, loại vắcxin mà đã được tiêm cho khoảng 20 triệu người.

Ông Gulyas cho biết việc vận chuyển vắcxin ngừa COVID-19 đến Hungary theo chương trình của Liên minh châu Âu (EU) đang diễn ra quá chậm chạp với số lượng mỗi tuần ở mức dưới 100.000 liều. Do đó, Hungary sẽ tiếp tục đàm phán với Nga và Trung Quốc về việc mua thêm vắcxin ngừa COVID-19.

Hiện Hungary đã nhận được 129.860 liều vắcxin của Pfizer và Moderna, và tính đến ngày 14/1 mới tiêm chủng được cho hơn 96.000 người.

Kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại Hungary đến nay, nước này ghi nhận tổng cộng 347.636 ca nhiễm, trong đó 11.066 ca tử vong.   Ông Gulyas cho rằng làn sóng dịch bệnh thứ hai tại Hungary đã đạt đỉnh và số ca nhiễm mới đã giảm, nhưng các biện pháp hạn chế phòng dịch hiện vẫn chưa thể nới lỏng.

Dân chúng Pháp ngày càng ủng hộ việc tiêm chủng

Tại Pháp, Thủ tướng Jean Castex ngày 14/1 bày tỏ vui mừng khi thấy chương trình tiêm chủng ngừa COVID-19 đang bắt đầu được các công dân nước này chấp nhận rộng rãi hơn.

Phát biểu khi tới thị sát một cơ sở tiêm chủng ở miền Đông nước Pháp, Thủ tướng Castex nêu rõ: "Tôi vui mừng thông báo việc chấp nhận chương trình tiêm chủng đang tăng lên và đó là một tin tức tốt lành cho đất nước chúng ta."

Tình hình nghiên cứu và áp dụng vắcxin COVID-19 trên thế giới ảnh 2Vắcxin ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech tại một trung tâm y tế ở Cartago, Costa Rica ngày 12/1/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo truyền thông Pháp, Thủ tướng Castex dự kiến sẽ thông báo những biện pháp mới để kiềm chế đại dịch COVID-19 vào cuối ngày 14/1, với một lệnh giới nghiêm trên toàn quốc áp đặt từ 18h00 hàng ngày, vốn đang được xem là lựa chọn khả thi nhất.

Pháp hiện ghi nhận tổng số 2.830.442 ca nhiễm, trong đó 69.031 ca tử vong do COVID-19.

AU kêu gọi các nước châu Phi sẵn sàng cho hoạt động phân phối vắcxin

Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh châu Phi (Africa CDC) ngày 14/1 kêu gọi các chính phủ ở châu lục này cần có các bước đi khẩn trương để sẵn sàng phân phối vắcxin ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 sau khi Liên minh châu Phi (AU) thông báo đã đảm bảo được 270 triệu liều cho châu lục.

Phát biểu với báo giới, Giám đốc Africa CDC, John Nkengasong cho biết: "Chúng ta không thể ngồi chờ. Đây không phải là vắcxin phòng bại liệt hay sởi. Chúng ta cần hành động nhanh chóng. Các nền kinh tế của chúng ta đang suy yếu, người dân đang chết dần. Không có lý do gì để không đẩy nhanh công tác chuẩn bị."

Theo ông Nkengasong, các nước thành viên cần nhanh chóng tổ chức nơi lưu trữ vắcxin tại các thành phố lớn, huấn luyện cho nhân viên y tế, đảm bảo vật tư cần thiết như kim tiêm và tạo các hệ thống hiệu quả để đăng ký tiêm.

Africa CDC đặt mục tiêu tiêm phòng cho 60% người dân châu Phi trong năm 2021-2022. AU đã thông báo ý định tạo điều kiện tiêm phòng cho những nước không có đủ khả năng tài chính để chi trả các chương trình miễn dịch cộng đồng của mình.

Các chính phủ sẽ có thể thỏa thuận tài chính thông qua Ngân hàng Xuất-Nhập khẩu châu Phi, nơi cho phép vay trả góp trong 5 năm.

Vắcxin của các hãng Pfizer, AstraZeneca và Johnson & Johnson sẽ được cung cấp cho châu Phi thông qua Cơ chế tiếp cận vắcxin toàn cầu (COVAX). Ít nhất 50 triệu liều theo thỏa thuận của AU dự kiến sẽ được chuyển tới châu lục này từ tháng 4-6.

Ông Nkengasong cho biết các nước có thể bắt đầu đặt vắcxin thông qua một khuôn khổ của AU trong vài ngày tới.

Theo số liệu của Africa CDC, châu Phi hiện ghi nhận hơn 3,1 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2, chiếm  3,5% số ca nhiễm toàn cầu, và khoảng 75.000 ca tử vong, tức 2,4% số ca tử vong toàn cầu.

Tuy nhiên, trong tháng 12 vừa qua, số ca nhiễm trung bình hằng tuần đã tăng 18%, trong đó mức tăng lớn được ghi nhận ở khu vực Nam và Tây Phi. Mỗi ngày, châu lục này ghi nhận khoảng 30.000 ca nhiễm mới, so với con số 18.000 ca/ngày trong làn sóng lây nhiễm thứ nhất hồi đầu năm 2020.

Thử nghiệm vắcxin Ad5-Ncov của Trung Quốc cho kết quả khả quan

Hãng tin Interfax của Nga đưa tin công ty dược phẩm Nga Petrovax ngày 14/1 cho biết 92,5% tình nguyện viên nước này tham gia các cuộc thử nghiệm lâm sàng vắcxin Ad5-Ncov ngừa COVID-19 đã có lượng kháng thể cao.

Ad5-Ncov là loại vắcxin do công ty sinh học Trung Quốc CanSino Biologics và một đơn vị nghiên cứu do quân đội Trung Quốc hậu thuẫn hợp tác phát triển./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục