Tình hình ứng phó với bão Noru tại Quảng Ngãi, Quảng Bình, Gia Lai

Nhằm ứng phó với bão số 4 Noru, Quảng Ngãi lập Sở Chỉ huy bổ trợ ứng phó với bão, Quảng Bình tiếp tục triển khai phương án "4 tại chỗ," trong khi Gia Lai xả lũ hồ chứa và lên phương án di dời dân.
Tình hình ứng phó với bão Noru tại Quảng Ngãi, Quảng Bình, Gia Lai ảnh 1Chính quyền địa phương và doanh nghiệp hỗ trợ người dân Quảng Ngãi sơ tán tới nơi an toàn tránh bão số 4. (Ảnh: Đinh Hương/TTXVN)

Nhằm ứng phó với bão số 4 Noru, Quảng Ngãi lập Sở Chỉ huy bổ trợ ứng phó với bão, Quảng Bình tiếp tục triển khai phương án "4 tại chỗ," trong khi Gia Lai xả lũ hồ chứa và lên phương án di dời dân.

Quảng Ngãi thành lập Sở Chỉ huy bổ trợ ứng phó với bão số 4

Ngày 27/9, nhằm tăng cường nhân lực, phương tiện kịp thời cơ động giúp các địa phương ứng phó bão số 4, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ngãi đã quyết định thành lập Sở Chỉ huy bổ trợ ứng phó bão số 4 trên địa bàn huyện Bình Sơn.

Đây là địa phương dự báo chịu nhiều ảnh hưởng khi bão đổ bộ vào đất liền.

Sở Chỉ huy do Đại tá Nguyễn Ra, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Ngãi chỉ huy chung. Sở có 30 cán bộ, chiến sỹ, 1 xe đặc chủng thiết giáp, 2 ca nô máy đẩy sẵn sàng hỗ trợ người dân di dời, xử lý các tình huống trước, trong và sau bão.

Ngoài ra, Sở Chỉ huy cũng bố trí 1 xe cứu thương, thuốc và tổ y, bác sỹ chăm sóc y tế, hỗ trợ sơ cấp cứu ban đầu cho nhân dân khi địa phương yêu cầu trong điều kiện thiên tai xảy ra, phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện nhiệm vụ di dời dân ở các xã ven biển.

Khi có tình huống khẩn cấp lúc bão đổ bộ, Sở Chỉ huy bổ trợ sẽ huy động lực lượng hỗ trợ người dân. Sau bão, lực lượng quân sự sẽ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ khắc phục hậu quả để người dân trên địa bàn Bình Sơn sớm ổn định cuộc sống.

[Thành lập ba đoàn đánh giá để kích hoạt sớm cứu trợ sau bão số 4-Noru]

Đại tá Nguyễn Ra cho biết lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Ngãi đảm bảo quân số trực 100%, triển khai nhiều đợt hỗ trợ người dân các địa phương chằng chống nhà cửa, đưa người dân, tài sản đến nơi trú ẩn; đồng thời đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ phận sẵn sàng cơ động về các hướng, phối hợp với các địa phương giúp nhân dân vùng xung yếu khắc phục khi bão số 4 đổ bộ vào đất liền.

Do ảnh hưởng của bão số 4, các địa phương trên địa bàn tỉnh có mưa to kèm theo gió giật mạnh.

Riêng huyện đảo Lý Sơn nơi chịu ảnh hưởng của bão sớm nhất có mưa rất to kèm gió cấp 9, giật cấp 11, sóng biển dâng cao, một số cây xanh trên đảo đã bị đổ. Công tác chuẩn bị phương án sẵn sàng ứng phó với bão đã được tỉnh Quảng Ngãi cơ bản hoàn tất.

Đến 19 giờ ngày 27/9, toàn tỉnh Quảng Ngãi đã di dời được hơn 29.000 hộ với hơn 88.000 người. Tỉnh đã cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc các cơ quan, đơn vị nhà nước được nghỉ làm việc.

Các dự án, công trình trên địa bàn tỉnh đã dừng hoạt động, thi công trên công trường; tổ chức sơ tán, di dời toàn bộ người và thiết bị, máy thi công đến nơi an toàn. Quảng Ngãi có 332 tàu/ 4.183 lao động hoạt động trên biển đã ra khỏi vùng nguy hiểm của bão.

Quảng Bình ứng phó khẩn cấp với bão số 4

Ngày 27/9, do ảnh hưởng của bão số 4, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.

Theo dự báo, từ đêm 27/9 đến 29/9, tình hình mưa, bão sẽ có những diễn biến phức tạp, khó lường. Lượng mưa phổ biến tại địa phương từ 100 đến 250mm, có nơi trên 250mm. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi, ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp ven sông và khu đô thị.

Tình hình ứng phó với bão Noru tại Quảng Ngãi, Quảng Bình, Gia Lai ảnh 2Với phương châm "4 tại chỗ," các đơn vị đồn biên phòng trên 2 tuyến biên giới của tỉnh Quảng Bình nghiêm túc, chủ động triển khai công tác ứng phó với bão số 4. (Ảnh: TTXVN phát)

Để chủ động ứng phó với tình hình mưa bão, hạn chế tối đa thiệt hại về người, tài sản, chiều 27/9, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Bình đã tiếp tục ban hành Công điện số 10/CĐ-UBND về việc tập trung ứng phó khẩn cấp với bão số 4.

Theo đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương liên quan cần thực hiện nghiêm các công điện, chỉ đạo của Trung ương và tỉnh về triển khai ứng phó bão số 4; tiếp tục triển khai các phương án theo phương châm “4 tại chỗ,” tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.

Các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão để kịp thời chỉ đạo, triển khai ứng phó phù hợp với tình hình cụ thể; lưu ý kiểm soát chặt chẽ tàu thuyền, phương tiện không để đi vào khu vực ảnh hưởng của bão.

Đồng thời sẵn sàng, chủ động triển khai các phương án phòng, chống sạt lở, ngập úng; chủ động di dời các hộ dân ở khu vực nguy hiểm, nhất là tại các điểm nguy cơ sạt lở cao, vùng thấp trũng, ven sông suối, những hộ không đảm bảo an toàn phải kiên quyết vận động di dời.

Tỉnh Quảng Bình yêu cầu các sở, ngành, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ chủ động phối hợp với các địa phương triển khai công tác ứng phó bão số 4, đặc biệt lưu ý đảm bảo an toàn cho các đối tượng yếu thế như: người già, trẻ em, học sinh, phụ nữ và du khách; đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập, nhà cửa, công trình kết cấu hạ tầng, an toàn cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ…

Chiều cùng ngày, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Bình cũng đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn toàn tỉnh cho học sinh nghỉ học từ ngày 28/9 cho đến khi kết thúc thiên tai nguy hiểm, nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh, sinh viên, học viên.

Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Bình cũng yêu cầu các đơn vị trực thuộc chủ động triển khai phương án phòng, chống bão, mưa lớn, ngập lụt, lũ quét và sạt lở đất; tham mưu với chính quyền địa phương có kế hoạch di dời học sinh tại các khu vực có nguy cơ chịu ảnh hưởng lớn của bão, mưa lũ, khu vực trũng thấp, ven sông, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đến nơi an toàn.

Trong quá trình di dời học sinh, lưu ý đảm bảo thực hiện các nội dung, biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo phương châm thích ứng an toàn, phù hợp trong điều kiện mới. Các đơn vị cử lãnh đạo và lực lượng xung kích trực 24/24 giờ, theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình để chủ động các biện pháp phòng tránh.

Tỉnh Quảng Bình yêu cầu các đơn vị liên quan tăng cường thông tin, truyền thông về tình hình, diễn biến của mưa bão để người dân, chính quyền cơ sở chủ động phòng, chống, giảm thiểu thiệt hại.

Các đơn vị Công an, Bộ Chỉ huy Quân sự, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố, thị xã sẵn sàng triển khai lực lượng, phương tiện khi có tình huống xảy ra…

Theo thông tin từ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Bình, đến 15 giờ 30 phút ngày 27/9, toàn tỉnh có 6.687/6.689 phương tiện đã neo đậu tại bến; còn 2 phương tiện/9 lao động đang hoạt động ngoài vùng nguy hiểm.

Cụ thể: 1 phương tiện/5 lao động ở vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau và 1 phương tiện/4 lao động ở vùng biển Nam Biển Đông.

Gia Lai xả lũ 19 hồ chứa

Chiều 27/9, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm, cứu nạn tỉnh Gia Lai đã cập nhật việc rà soát công tác ứng phó bão số 4 đến Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai.

Theo đó, để ứng phó với các diễn biến khó lường của bão, tỉnh Gia Lai đang cho xả lũ 19 hồ chứa và hoàn thành di dời 133 hộ với 400 khẩu tại các vị trí có nguy cơ cao ngập lụt, lũ quét; đồng thời, chủ động phương án di dời 8.500 người đến nơi an toàn khi mực nước dâng cao.

Ngay trong chiều cùng ngày, tỉnh đã tổ chức 2 đoàn kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó tại 7 huyện trọng điểm về thiên tai trên địa bàn. Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Công an tỉnh đã bố trí sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị nhằm chuẩn bị sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn khi cần thiết.

Đặc biệt, công tác vận hành các hồ chứa thủy điện, thủy lợi đáp ứng theo quy định.

Cụ thể, hiện nay trên địa bàn tỉnh Gia Lai có 19 hồ thủy điện đang xả lũ, trong đó tổng xả lũ lớn nhất là Thủy điện Sông Ba Hạ với 1500 m3/s, Sê San 3A với 564 m3/s, Sê San 4A với 510 m3/s; Đăk Srông 3B với 604,3 m3/s; Đăk Srông 3A với 576,4 m3/s (các hồ thủy điện Đăk Srông 3B, Đăk Srông 3A, Đăk Srông 2A là các tràn tự do, không thực hiện điều tiết bằng cửa van); Đăk Srông 2A với 183,6 m3/s và Ia Grai 3 với 160 m3/s; các thủy điện nhỏ khác còn lại xả lũ dưới 100 m3/s.

Riêng các thủy điện trên lưu vực sông Ba đang thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa theo quyết định 878/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là thủy điện An Khê, Ka Nak (lưu lượng xả tối đa qua hồ An Khê không quá 1500 m3/s; thời điểm hiện tại xả với lưu lượng 150m3/s).

Trong 13 hồ chứa thủy lợi lớn và vừa do Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khai thác công trình thủy lợi quản lý, có 4 hồ chứa đã trữ đầy nước là Biển Hồ B, Hà Ra Bắc, Hà Ra Nam, Tân Sơn đang xả qua tràn từ 0,09-0,19m; 9 hồ chứa còn lại dung tích mới đạt từ 52% - 90% dung tích thiết kế.

Trong 105 hồ chứa do địa phương, doanh nghiệp cà phê quản lý có 9 hồ chứa vừa và nhỏ (do Đội quản lý khai thác Công trình thủy lợi huyện Ia Grai khai thác vận hành) dung tích đạt 100% so với dung tích thiết kế, mực nước qua tràn hiện nay ở các hồ chứa từ 0,02-0,45m. 96 hồ chứa còn lại dung tích mới đạt khoảng 50-85% dung tích thiết kế.

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm, cứu nạn tỉnh Gia Lai đã phối hợp, làm việc với Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm, cứu nạn tỉnh Phú Yên để ban hành Quy chế phối hợp trong công tác vận hành điều tiết nước các hồ chứa thủy lợi, thủy điện trên lưu vực sông Ba nhằm thống nhất cách vận hành, thông tin trong mùa mưa bão.

Đồng thời, hai đơn vị yêu cầu người dân, tổ chức, các lực lượng tại chỗ của từng địa phương hỗ trợ các hộ yếu thế chằng chống nhà cửa, gia cố mái nhà bằng các bao tải cát… nhằm hạn chế thiệt hại do mưa bão gây ra; triển khai lực lượng canh gác ở những vị trí ngầm, tràn, đường giao thông bị ngập, nước chảy xiết; bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để kịp thời xử lý các sự cố đảm bảo thông tuyến trên các trục giao thông chính.

Ngoài ra, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm, cứu nạn tỉnh Gia Lai đã yêu cầu các chủ hồ, đập tổ chức vận hành hồ chứa thủy lợi, thủy điện đảm bảo an toàn cho công trình và hạ du; thực hiện nghiêm túc việc cung cấp thông tin cho chính quyền, người dân khu vực hạ du trước khi xảy ra lũ theo quy định; phân công cụ thể, bố trí lực lượng thường trực tại các hồ đầy nước, hồ có nguy cơ mất an toàn để kịp thời xử lý khi có tình  huống xảy ra.

Các địa phương xác định các vị trí ngập lụt, sạt lở đất để cảnh báo, chủ động di tản người dân đến nơi tránh trú an toàn; nghiêm cấm người qua lại nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản của người dân.

Trong chiều 27/9, Gia Lai cũng đã chỉ đạo các địa phương hoàn thành việc di dời 133 hộ với 400 khẩu tại các vị trí có nguy cơ cao ngập lụt, lũ quét của huyện Kông Chro, K'bang, Ia Pa đến nơi an toàn.

Đồng thời, tỉnh có kế hoạch di dời khi mực nước dâng cao đối với khoảng 8.500 khẩu tại hai huyện Phú Thiện, Ia Pa.

Để hạn chế thiệt hại về tài sản, một số địa phương trên địa bàn tỉnh đã tổ chức thu hoạch lúa, khoai, ngô, hoa màu, diện tích nuôi trồng thủy sản đến thời kỳ thu hoạch theo phương châm "xanh nhà hơn già đồng."

Tổng diện tích đã thu hoạch 23.200/89.160 ha tại các huyện Phú Thiện, Chư Păh, K'bang, Đăk Đoa, Kông Chro, Đăk Pơ, Mang Yang, Ia Pa và thị xã Ayun Pa.

Cùng với đó, ngành nông nghiệp đã hướng dẫn người dân tổ chức cắt tỉa cành, chống đỡ đối với những cây xanh không đảm bảo an toàn có nguy cơ đổ ngã khi bão vào. Người dân tại các vị trí nguy cơ bị cô lập, chia cắt thực hiện dự trữ lương thực, thực phẩm tránh tình trạng thiếu đói, thiếu nước uống./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục