Tình trạng khan hiếm vật liệu bán dẫn phục vụ ngành chế tạo xe hơi

Ba hãng ôtô của Nhật Bản gồm Toyota, Honda và Nissan đã tạm dừng sản xuất một phần tại các nhà máy trên toàn cầu do thiếu chip điện tử.
Tình trạng khan hiếm vật liệu bán dẫn phục vụ ngành chế tạo xe hơi ảnh 1Sản xuất ôtô trong một nhà máy. (Nguồn: cnbc.com)

Các chuyên gia công nghiệp nhận định các hãng ôtô trên khắp thế giới có thể sẽ buộc phải tiếp tục cắt giảm sản lượng trong những tháng tới cho đến khi tình trạng khan hiếm vật liệu bán dẫn có thể được giải quyết.

Ba hãng ôtô của Nhật Bản gồm Toyota, Honda và Nissan đã tạm dừng sản xuất một phần tại các nhà máy trên toàn cầu do thiếu chip điện tử.

Nhu cầu sử dụng chip, chủ yếu dùng trong các thiết bị điện tử, xe hơi, đã tăng mạnh trong nhiều ngành kể từ mùa Thu năm ngoái, khi nền kinh tế thế giới có dấu hiệu khởi sắc.

Chuyên gia phân tích Yoshiharu Izumi tại công ty SBI Securities cho biết chênh lệch cung-cầu về thiết bị bán dẫn đã xảy ra năm ngoái do cùng lúc chịu tác động của nhiều yếu tốc, trong đó có việc doanh số các sản phẩm ô tô phục hồi mạnh, trong khi doanh số bán điện thoại thông minh và lắp đặt mạng lưới 5G tăng cao.

[Các hãng xe Hàn Quốc đón tín hiệu lạc quan trong tháng đầu năm 2021]

Ông cho rằng tình trạng này có thể kéo dài trong nửa đầu năm nay.

Theo các chuyên gia, doanh số các sản phẩm trò chơi điện tử tăng vọt do mọi người dành nhiều thời gian ở nhà hơn.

Trong khi đó, việc hàng loạt thiết chơi game được ra mắt, trong đó có PlayStation 5 của Sony hay Xbox Series X của Microsoft, cũng góp phần khiến nguồn cung chip cạn kiệt.

Khi ngành ôtô trải qua khoảng thời gian tồi tệ nhất kể từ thời điểm đại dịch bùng phát, các nhà cung cấp chip đã phải chuyển đổi sang sản xuất đồ điện tử tiêu dùng và các sản phẩm kết nối mạng.

Các hãng ôtô không thể mua đủ vật liệu bán dẫn, trong bối cảnh thị trường hồi phục với tốc độ nhanh hơn dự báo.

Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cũng góp phần làm suy giảm nguồn cung vật liệu này.

Tháng 12/2020, Bộ Thương mại Mỹ đưa tập đoàn Semiconductor Manufacturing International của Trung Quốc vào "danh sách đen" do quan ngại mối quan hệ giữa công ty này với quân đội Trung Quốc.

Các dòng xe hiện nay đều sử dụng thiết bị điện tử với mỗi loại cần 50 đến 150 chip.

Các chuyên gia cho rằng việc tăng nhanh chóng sản lượng chip là không đơn giản vì phải mất ít nhất vài tháng, các công ty mới có thể xây dựng xong một cơ sở sản xuất mới.

Theo thống kê của công ty Auto Forecast Solutions, tình trạng này đã khiến sản lượng ôtô toàn cầu năm 2020 giảm hơn 500.000 xe và dự kiến sẽ tiếp tục giảm 300.000 xe trong năm 2021.

Hãng xe hơi Volkswagen của Đức đã buộc phải giảm giờ làm của nhân viên tại một số nhà máy ở nước này nhằm cắt giảm sản lượng.

Tháng Một vừa qua, Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Almaier đã gửi thư tới chính quyền Đài Loan (Trung Quốc), thúc giục các công ty sản xuất vật liệu bán dẫn của khu vực, trong đó có công ty Taiwan Semiconductor Manufacturing - một trong những nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới - tăng sản lượng.

Chính phủ Nhật Bản và Mỹ sau đó cũng có động thái tương tự.

Ngày 3/2 vừa qua, công ty General Motor cho biết sẽ giảm sản lượng tại 4 nhà máy ở Mỹ, Canada, Mexico và Hàn Quốc.

Một ngày sau đó, Chủ tịch hãng xe Mazda Motor của Nhật Bản Akira Marumoto xác nhận công ty sẽ đánh giá lại kế hoạch sản xuất, bao gồm khả năng giảm 7.000 xe trong tháng Hai.

Theo các chuyên gia, tình trạng thiếu hụt nguồn cung được cho là sẽ giảm trong nửa cuối năm nay, nhưng các hãng ôtô sẽ phải đối mặt với mức giá chip cao hơn.

Bên cạnh việc giảm sản lượng, giá vật liệu bán dẫn tăng sẽ khiến đà phục hồi lợi nhuận của các công ty này bị chậm lại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục