Ngày 10/8, tại Hà Nội, trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30, Bộ Ngoại giao tổ chức Tọa đàm giữa các Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và doanh nghiệp.
Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo Bộ Ngoại giao, các Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, đại diện các doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế hàng đầu trong nước.
Phát biểu đề dẫn về “Ngoại giao phục vụ phát triển đồng hành cùng doanh nghiệp theo tinh thần Chính phủ kiến tạo,” Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh: Tọa đàm là dịp đặc biệt để cộng đồng doanh nghiệp có thể gặp gỡ hơn 90 Đại sứ và Tổng lãnh sự của Việt Nam ở tất cả các khu vực trên thế giới.
Bộ Ngoại giao luôn xác định các cơ quan đại diện cần chú trọng đóng góp thúc đẩy thương mại, đầu tư, hợp tác lao động, ưu tiên hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp hội nhập quốc tế; thường xuyên cung cấp thông tin về thị trường, chính sách phòng vệ thương mại và rào cản kỹ thuật của các nước đối với hàng hóa của Việt Nam.
Đây cũng là nội dung cốt lõi khi Bộ ban hành Chương trình hành động triển khai Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 và xây dựng Chỉ thị 03 của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao về công tác ngoại giao kinh tế vì mục tiêu phát triển bền vững giai đoạn 2017-2020.
Theo Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn, đóng góp then chốt nhất của ngoại giao thời gian qua là duy trì và củng cố môi trường quốc tế thuận lợi cho doanh nghiệp làm ăn với các đối tác nước ngoài.
[Họp về công tác chuẩn bị, tổ chức Hội nghị WEF ASEAN tại Việt Nam]
Ngoại giao đã phối hợp cùng các bộ, ngành thiết lập và nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược và toàn diện với 27 đối tác; thúc đẩy đàm phán và ký kết 16 hiệp định thương mại tự do.
Đây là những tiền đề chính trị, kinh tế và pháp lý đặc biệt giá trị để doanh nghiệp Việt Nam có thể kinh doanh bình đẳng, có lợi và được ưu đãi đáng kể trên thị trường quốc tế.
Đồng thời, Bộ Ngoại giao đã chủ động tạo điểu kiện để doanh nghiệp đóng vai trò chủ chốt hơn, tận dụng cơ hội để quảng bá tốt hơn trong nhiều hoạt động đối ngoại lớn.
Các chuyến thăm cấp cao cũng trở thành cơ hội để doanh nghiệp thường xuyên hiện diện, tham gia các diễn đàn kinh tế và ký kết những hợp đồng, dự án lớn trị giá hàng trăm triệu USD, hàng tỷ USD.
Nhiều cơ quan đại diện đã lên kế hoạch, tổ chức và hỗ trợ doanh nghiệp tham gia, tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch như các diễn đàn doanh nghiệp, các hội chợ và triển lãm quốc tế, các Tuần hàng Việt Nam tại địa bàn.
Nhiều Đại sứ, Tổng lãnh sự đích thân đi tiếp thụ nông sản và du lịch Việt Nam đến bạn bè quốc tế; đồng hành cùng doanh nghiệp tại những phiên điều trần, phán quyết liên quan đến doanh nghiệp, sản phẩm Việt tại địa bàn.
Các cơ quan đại diện đã giúp giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp khi hỗ trợ xác minh hàng trăm đối tác nước ngoài.
Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cho rằng, chặng đường hội nhập trước mắt của đất nước tiếp tục hứa hẹn nhiều thách thức khó lường và doanh nghiệp sẽ là đối tượng đầu tiên hứng chịu những rủi ro ấy.
Chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, rủi ro từ chiến tranh thương mại và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là ba trong số những xu thế lớn có khả năng tác động sâu sắc đến kinh tế Việt Nam.
Mặt khác, chỉ vài năm nữa, Việt Nam sẽ tham gia tổng cộng 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) với 59 đối tác và đến thời hạn thực hiện nhiều cam kết mở cửa đã ký kết.
Làm thế nào để tiến lên giữa ma trận những quy định, luật lệ, ưu đãi ấy cũng là một câu hỏi lớn cho mọi doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Theo Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn, trước hết, nhu cầu của doanh nghiệp hết sức đa dạng. Mỗi ngành nghề đều có những đặc thù riêng nhưng trong cùng một ngành nghề, giữa các vùng miền, giữa khu vực tư nhân và Nhà nước, giữa doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ, nhu cầu cũng rất khác nhau và không dễ đáp ứng. Đó có thể là hỗ trợ xúc tiến, cung cấp thông tin, tư vấn pháp lý, giới thiệu đối tác, cũng có khi là hỗ trợ thủ tục xuất nhập cảnh.
Bộ Ngoại giao và cơ quan đại diện cũng nhận thức được những hạn chế chủ quan cần khắc phục để hỗ trợ doanh nghiệp tốt hơn.
Mạng lưới cơ quan đại diện còn thưa, phải kiêm nhiệm nhiều địa bàn, đặc biệt ở khu vực Nam Mỹ hay Trung Đông-châu Phi.
Lực lượng cán bộ còn mỏng, một người đảm nhiệm nhiều vai; chỉ một số địa bàn lớn là có đại diện chuyên trách của các bộ, ngành.
Lực lượng cán bộ nắm chắc địa bàn, thông thạo tiếng địa phương còn hiếm. Trong khi đó, nhu cầu của doanh nghiệp lại đa dạng và phức tạp, có những đòi hỏi cao hơn từ cán bộ ở cơ quan đại diện cả về thời gian lẫn kiến thức đặc thù trong lĩnh vực cần hỗ trợ.
Mặt khác, cơ chế trao đổi, thông tin và phối hợp giữa cơ quan đại diện và doanh nghiệp chưa thật sự thường xuyên và hiệu quả.
Cơ quan đại diện còn chưa có mặt kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp; cũng có khi doanh nghiệp lẳng lặng thâm nhập thị trường, kết nối đối tác, khi gặp vướng mắc mới tìm đến “cầu cứu,” đặt cho cơ quan đại diện bài toán rất khó giải.
Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, trong bối cảnh mới, nhu cầu của doanh nghiệp sẽ nhiều hơn, phức tạp hơn và cũng khó đáp ứng hơn. Do vậy, mục tiêu của Tọa đàm là tìm ra cách thức tối ưu để các cơ quan đại diện có thể kề vai sát cánh cùng doanh nghiệp.
Các cơ quan đại diện và doanh nghiệp cần thiết lập cơ chế trao đổi thông tin, mô hình phối hợp như thế nào để mạng lưới cơ quan đại diện và cộng đồng doanh nghiệp trở thành đối tác chiến lược đáng tin cậy, đồng hành trên con đường phát triển bền vững của đất nước.
Tại Tọa đàm, các diễn giả đã chia sẻ với các đại biểu tham dự nhiều nội dung liên quan đến tình hình kinh tế thế giới và xu hướng phát triển kinh tế trong nước, những thách thức và cơ hội của doanh nghiệp Việt Nam./.