'Tọa độ': Hiểu về dân tộc Gia Rai-Tây Nguyên qua con mắt người Pháp

Đứng trước nhiều khả năng phát triển phong phú khác nhau, người Gia Rai đã chọn hướng đi dễ dãi nhất, thế nhưng đây lại là con đường bế tắc, nơi từng cá nhân bị lu mờ và lấn át.
'Tọa độ': Hiểu về dân tộc Gia Rai-Tây Nguyên qua con mắt người Pháp ảnh 1Bìa sách. (Ảnh: Nhà xuất bản)

Cuốn sách “Tọa độ: Cấu trúc gia đình và xã hội của người Gia Rai” (trong đó người Gia Rai còn được gọi là “Jorai”) là một trong hai tác phẩm quan trọng nhất của nhà nghiên cứu nhân chủng học người Pháp Jacques Dournes (1922-1993). Tác phẩm sẽ ra mắt tại Việt Nam trong tháng Tư năm nay.

Trước đây Jacques Dournes từng viết hai cuốn sách khác về người Gia Rai có tên “Potao, một lý thuyết về quyền lực ở người Gia Rai Đông Dương”“Rừng, đàn bà, điên loạn.” Các tác phẩm đều do nhà xuất bản Tri thức phối hợp công ty Omega Plus xuất bản, phát hành.

"Tọa độ: Cấu trúc gia đình và xã hội của người Gia Rai” đã được xuất bản năm 1972 bằng tiếng Pháp. Khi đó, Jacques Dournes viết cuốn sách này và cho xuất bản ngay khi ông đang thực địa giữa những người Gia Rai. Ở thập niên 1970, chính con người và truyền thống của vùng đất này là thứ khiến tác giả lo âu về những mai một có thể xảy ra trong tương lai. Theo ông, quá trình đô thị hóa vừa là cách cứu lấy những giá trị truyền thống có nguy cơ biến mất nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Trong sách, tác giả Jacques Dournes đi từ các truyền thuyết của người Gia Rai để kiến giải những dấu hiệu, chỉ dấu mang tính văn hóa dân tộc còn hiện hữu trong đời sống thực tế của người dân bản địa. Để đưa ra kết luận về cấu trúc gia đình và xã hội Gia Rai, xác định căn tính của họ trong một tập họp xã hội, tác giả phân tích trên ba “tọa độ” là: Hệ thống những quan hệ thân tộc, hệ thống liên minh qua hôn nhân và những quan hệ liên minh khác.

'Tọa độ': Hiểu về dân tộc Gia Rai-Tây Nguyên qua con mắt người Pháp ảnh 2(Ảnh: Nhà xuất bản)

Sau 200 trang sách, ông bày tỏ những lo ngại về hiện trạng và con đường phát triển của con người và xã hội Gia Rai. Dournes cho rằng khi người Gia Rai còn đứng trước những khả năng phát triển phong phú khác nhau, họ đã chọn con đường dễ dãi, ít cản trở nhất, song đó là con đường bế tắc, cá nhân bị hệ thống lấn át và nhanh chóng lu mờ.../.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục