Tổng Bí thư nói chuyện với đại diện các tầng lớp xã hội Nhật Bản

Theo Tổng Bí thư, thời gian tới, Việt Nam và Nhật Bản cần nỗ lực tiếp tục thúc đẩy toàn diện và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng giữa hai nước.
Tổng Bí thư nói chuyện với đại diện các tầng lớp xã hội Nhật Bản ảnh 1Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói chuyện, trao đổi với đại diện các tầng lớp xã hội Nhật Bản. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Theo đặc phái viên TTXVN, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Nhật Bản, chiều 17/9, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gặp gỡ và nói chuyện với đại diện các tầng lớp xã hội Nhật Bản.

Phát biểu trước đông đảo các chính khách, nhân sỹ, học giả, doanh nghiệp... của Nhật Bản, với chủ đề: “Tầm nhìn về phát triển quan hệ Việt Nam-Nhật Bản vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á,” Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh Việt Nam và Nhật Bản vốn có quan hệ từ rất lâu trong lịch sử. Mặc dù cách xa nhau hàng ngàn cây số, nhưng hai dân tộc đã đến với nhau từ rất sớm, qua giao lưu văn hóa, qua thương mại và cả qua những mối lương duyên đầy ý nghĩa.

Vào thế kỷ 17 và 18, đô thị cổ Hội An ở miền Trung Việt Nam, một trong những thương cảng sầm uất của Đông Nam Á lúc bấy giờ, đã từng có rất nhiều thương nhân Nhật Bản đến buôn bán, sinh sống và xây dựng nhiều công trình văn hóa, kiến trúc độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa Nhật Bản. Lịch sử quan hệ hai nước cũng đã có những bước thăng trầm, nhưng cả hai dân tộc đều đã biết vượt qua mọi trở ngại của quá khứ đau thương để xây dựng mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi.

Từ sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, quan hệ Việt Nam-Nhật Bản đã có những bước tiến mạnh mẽ, phát triển ngày càng toàn diện và sâu sắc, mở ra thời kỳ mới trong quan hệ bang giao giữa hai nước. Tại Việt Nam, rất nhiều trẻ em đã đọc và yêu thích truyện tranh "Đôrêmon" của hoạ sỹ Fujiko Fujio. Người dân Việt Nam thực sự ngưỡng mộ ý chí, khát vọng và sự nỗ lực sáng tạo vươn lên của đất nước Nhật Bản, có tình cảm hữu nghị chân thành đối với nhân dân Nhật Bản.

Khi Nhật Bản đối mặt với thảm họa động đất sóng thần năm 2011, mỗi người Việt Nam đều chia sẻ nỗi đau mất mát và sát cánh bên cạnh các bạn với tất cả tấm lòng. Một cuộc vận động, quyên góp và bày tỏ ủng hộ đối với nhân dân Nhật Bản đã diễn ra hết sức rộng rãi trên cả nước và thu hút sự tham gia tự nguyện, đông đảo của các tầng lớp nhân dân. Với nhân dân Việt Nam, Nhật Bản không chỉ là một đối tác quan trọng, mà còn là người bạn lớn có vui cùng hưởng, gặp hoạn nạn cùng sẻ chia.

Cũng tại cuộc gặp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, chân thành cảm ơn những chính khách, doanh nghiệp, nhân sỹ, nhà báo, học giả… từng trực tiếp hay gián tiếp đóng góp cho sự phát triển mạnh mẽ của quan hệ Việt Nam-Nhật Bản thời gian qua, thực sự là những nhịp cầu nối liền hai nước, hai dân tộc.

Tổng Bí thư phân tích bối cảnh tình hình thế giới và khu vực không ngừng thay đổi, tác động mạnh tới hòa bình, ổn định và phát triển của thế giới, đồng thời nhấn mạnh trong thế giới toàn cầu hóa, lợi ích của các quốc gia càng gắn liền với nhau, các thách thức nổi lên cũng là thách thức chung cho nhiều nước. Vì vậy, mỗi quốc gia càng cần thể hiện ý thức trách nhiệm cao hơn đối với các vấn đề khu vực và quốc tế, tăng cường hợp tác bình đẳng, cùng có lợi, phù hợp với luật pháp quốc tế và lợi ích chung của cộng đồng quốc tế.

Theo Tổng Bí Thư, trong khi quá trình liên kết kinh tế đang diễn ra nhanh chóng và sự tùy thuộc lẫn nhau giữa các nền kinh tế ngày càng gia tăng thì các nguy cơ, thách thức cũng đang nổi lên ngày càng gay gắt, trong đó có những căng thẳng xuất phát từ tranh chấp lãnh thổ, biển đảo, làm gia tăng nguy cơ xung đột, đe dọa hòa bình, ổn định và kéo lùi những thành quả phát triển của toàn khu vực. Đặc biệt, tình hình Biển Đông thời gian qua diễn biến rất phức tạp, gây quan ngại sâu sắc cho các nước trong khu vực cũng như cộng đồng quốc tế. Chúng ta điều biết, hầu hết những bất đồng về chủ quyền biển đảo vốn tồn tại từ lâu nhưng tình hình trở nên căng thẳng trong những năm gần đây là do cách hành xử trong quá trình xử lý tranh chấp. Tranh chấp là giữa các bên liên quan nhưng cách hành xử trong quá trình xử lý tranh chấp tác động trực tiếp đến hòa bình, ổn định chung, đến an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không trên biển, và do đó, là mối quan tâm chung của khu vực và thế giới. Chính vì vậy mà cần có vai trò của luật pháp quốc tế; Liên hợp quốc mới cần có Công ước 1982 về Luật Biển; ASEAN và Trung Quốc mới cần đến Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) và đang xây dựng Bộ Quy tắc về ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC). Vì lẽ đó, việc giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình song phương và đa phương trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế và các thỏa thuận chung là hết sức quan trọng, là con đường đúng đắn nhất; tuyệt đối không sử dụng các hành động đơn phương hay áp đặt, không được sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.

"Hòa bình, hợp tác và phát triển là nguyện vọng tha thiết của tất cả các dân tộc, là lợi ích chung của các quốc gia ở khu vực và trên thế giới. Trong thế giới toàn cầu hóa, lợi ích của các quốc gia càng gắn liền với nhau, các thách thức nổi lên cũng là thách thức chung cho nhiều nước. Vì vậy, mỗi quốc gia càng cần thể hiện ý thức trách nhiệm cao hơn đối với các vấn đề khu vực và quốc tế, cần tăng cường hợp tác bình đẳng, cùng có lợi, phù hợp với luật pháp quốc tế và lợi ích chung của cộng đồng quốc tế.

Chúng tôi tin rằng, để có được một châu Á-Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, hợp tác và thịnh vượng, đòi hỏi tất cả các nước trong khu vực, nhất là các nước lớn, phải hành xử minh bạch, có trách nhiệm trong quan hệ với nhau cũng như đối với lợi ích chung của cả khu vực và thế giới. Đồng thời, cần cùng nhau nỗ lực hình thành được các thỏa thuận và cơ chế hữu hiệu để duy trì hòa bình, ổn định, bảo đảm an ninh chung, ngăn ngừa xung đột và chiến tranh, tăng cường hợp tác để đối phó có hiệu quả với các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống đang nổi lên​," Tổng Bí thư nêu rõ.

Về quan hệ Việt Nam-Nhật Bản, Tổng Bí thư chỉ rõ: "Hai nước có nhiều lợi ích tương đồng. Nhật Bản là nước phát triển tiên tiến, Việt Nam là nước đang phát triển, đang tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa; hai nước có rất nhiều tiềm năng để bổ sung, tương trợ lẫn nhau; sự phát triển của nước này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của nước kia. Việt Nam và Nhật Bản chia sẻ và ủng hộ lẫn nhau trong nhiều vấn đề khu vực và quốc tế, cùng có lợi ích chung trong việc duy trì hòa bình, ổn định và thúc đẩy hợp tác, phát triển bền vững ở khu vực và trên thế giới. Nhân dân hai nước chúng ta có tình cảm hữu nghị chân thành với nhau. Việt Nam hoan nghênh một Nhật Bản phát triển giàu mạnh, phồn vinh, đóng góp ngày càng tích cực cho hoà bình, an ninh và phát triển của khu vực và thế giới. Một Việt Nam giàu mạnh, độc lập, tự chủ, hội nhập quốc tế, tích cực đóng góp xây dựng cho khu vực và thế giới cũng phù hợp với lợi ích trước mắt và lâu dài của Nhật Bản. Tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản là phù hợp với lợi ích của nhân dân hai nước, của khu vực và thế giới. Vì vậy, Việt Nam xác định Nhật Bản là đối tác quan trọng hàng đầu và lâu dài của Việt Nam, coi đây là chủ trương nhất quán, xuyên suốt và là sự lựa chọn chiến lược trong chính sách đối ngoại của Việt Nam."

Cũng theo Tổng Bí thư, thời gian tới, hai nước cần nỗ lực tiếp tục thúc đẩy toàn diện và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản theo phương châm "tăng cường tin cậy, kết nối kinh tế, mở rộng hợp tác, phát triển bền vững, hướng tới tương lai.

Tổng Bí thư nhấn mạnh sự gắn bó về tình cảm hữu nghị, sự chia sẻ về văn hóa, và sự tương đồng về lợi ích là những nhân tố thuận lợi rất cơ bản cho phát triển quan hệ giữa hai nước chúng ta.

Nhà tư tưởng nổi tiếng Nhật Bản Yoshida Shoin từng nói "Thành tâm hợp tác tất có thành quả tốt đẹp." Với những gì đã đạt được trong những năm qua và tầm nhìn mới về quan hệ hai nước và thái độ hợp tác chân thành, chúng ta tin tưởng rằng, quan hệ Việt Nam-Nhật Bản sẽ ngày càng phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu, trở thành mối quan hệ "tâm đầu ý hợp," "tin cậy" và "đồng cảm."

Tiếp sau bài nói chuyện, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trực tiếp trả lời nhiều câu hỏi của các học giả, nhà nghiên cứu... liên quan đến tình hình Việt Nam; vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; đường lối, chính sách đối ngoại của Việt Nam; triển vọng quan hệ hợp tác Việt Nam-Nhật Bản; và nhiều vấn đề khu vực, quốc tế cùng quan tâm khác....

Đại diện các tầng lớp xã hội Nhật Bản dự cuộc gặp hoan nghênh và đánh giá cao bài phát biểu của Tổng bí thư; chia sẻ những tình cảm, ấn tượng tốt đẹp về đất nước, con người, văn hóa Việt Nam; bày tỏ tin tưởng vào tương lai tươi sáng của Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng như triển vọng quan hệ hợp tác đối tác chiến lược sâu rộng Nhật Bản-Việt Nam sẽ không ngừng phát triển trong tương lai./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục