Tổng thống Israel Isaac Herzog ngày 27/7 đã kêu gọi cả hai bên ủng hộ và phản đối cải cách tư pháp cần kiềm chế bất kỳ hình thức bạo lực nào, trong bối cảnh người biểu tình nước này tiếp tục lên kế hoạch xuống đường để phản đối gói cải cách tư pháp của Chính phủ.
Viết trên mạng xã hội Facebook nhân dịp Lễ Ăn chay Tisha B'av của người Do Thái cùng ngày, ông Herzog nêu rõ: "Tôi kêu gọi mọi người: Ngay cả khi cơn đau lên đến đỉnh điểm, chúng ta cũng phải duy trì ranh giới tranh cãi, và kiềm chế bạo lực hoặc các biện pháp không thể vãn hồi."
[Israel: Quốc hội thông qua điều khoản cải cách tư pháp gây tranh cãi]
Trong khi đó, Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc Volker Turk cũng đã lên tiếng kêu gọi chính phủ Israel lắng nghe các yêu cầu của người biểu tình về "bảo vệ dân chủ và các quyền tự do cơ bản" liên quan đến các dự luật cải cách tư pháp gây tranh cãi.
Trong một tuyên bố, ông Turk cho biết sau thời gian theo dõi chặt chẽ các diễn biến tại Israel, ông nhận thấy trong những tháng vừa qua người dân Israel thuộc mọi thành phần xã hội đã "biểu tình ôn hòa, tập hợp liên minh… để bảo vệ cho nhân quyền, không gian dân chủ cũng như sự cân bằng về hiến pháp - vốn đã được gây dựng kỳ công trong nhiều thập kỷ tại Israel.”
Ông khẳng định điều này "cho thấy mức độ bất bình của công chúng trước quy mô sửa đổi luật các luật cơ bản," đồng thời "kêu gọi những người nắm quyền hành lắng nghe đề nghị của người dân.”
Lưu ý đến đơn kiến nghị trước Tòa án Tối cao về dự luật “tính hợp lý,” đại diện của Liên hợp quốc nhấn mạnh tòa án cần phải có thẩm quyền quyết định các vấn đề được đưa ra tòa, theo đúng trình tự pháp luật, không bị áp lực hoặc can thiệp chính trị.
Đạo luật về “tính hợp lý” do Chính phủ Israel đề xuất đã tước bỏ quyền phán quyết của Tòa án Tối cao đối với các quyết định của Chính phủ nếu cho rằng chúng “thiếu hợp lý.” Những người biểu tình lo ngại việc này có thể đẩy Israel tới một chính phủ độc tài.
Chương trình cải cách do chính phủ cánh hữu của Thủ tướng Benjamin Netanyahu thực hiện đang gây ra làn sóng biểu tình suốt 7 tháng qua tại Israel, đặc biệt lên cao vào hôm 24/7 sau khi Quốc hội (Knesset) thông qua dự luật quan trọng hạn chế quyền của Tòa án Tối cao.
Bên cạnh nguy cơ tác động tiêu cực tới nền kinh tế, cuộc biểu tình đang gây lo ngại bởi thu hút sự tham gia của lực lượng quân nhân dự bị và có nguy cơ kích động bạo lực từ cả hai phe ủng hộ và phản đối.
Các nghị sỹ đối lập tẩy chay cuộc bỏ phiếu của Quốc hội.
Người đứng đầu nghiệp đoàn Histadrut, nghiệp đoàn lớn trong lĩnh vực công của Israel, ông Arnon Bar-David cho biết ông sẽ gặp các quan chức nghiệp đoàn khác để thảo luận khả năng tổ chức tiếp một cuộc tổng đình công nhằm phản đối việc thực thi kế hoạch cải cách vừa được thông qua.
Trong một động thái khiêu khích mới, chính trị gia cực hữu Itamar Ben-Gvir ngày 27/7 tiếp tục có chuyến thị sát tới Đền al-Aqsa/Núi Đền, nhân ngày lễ Tisha B'av, làm dấy lên nguy cơ xung đột mới giữa người Do Thái và người Hồi giáo Palestine./.