Tổng thống Nam Sudan Salva Kiir ngày 13/7 đã sa thải 12 thẩm phán cấp cao trong bối cảnh các cuộc đình công đã làm tê liệt hệ thống tư pháp nước này.
Thứ trưởng Bộ Thông tin Nam Sudan Paul Akol Kordit xác nhận thông tin trên song không nêu rõ lý do của quyết định.
Geri Raimondo, một trong những thẩm phán bị ảnh hưởng bởi quyết định trên cho biết quyết định sa thải này là một bất ngờ và các thẩm phán đang chờ đợi lời giải thích từ Tổng thống Kiir.
Trong số 12 thẩm phán bị cách chức, năm người đến từ Tòa Phúc thẩm, hai người của Tòa án Tối cao, năm người thuộc Tòa án các huyện. Ông Raimondo cho rằng việc sa thải các thẩm phán là do họ đã phản đối mạnh mẽ Chánh án Chan Reec Madut cũng như điều kiện làm việc thiếu thốn trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp khó khăn.
Ông nhấn mạnh bất chấp những khuyến nghị của Hội đồng các bộ trưởng về việc tăng lương cho nhân viên chính phủ trong bối cảnh lạm phát tăng mạnh, chính phủ vẫn quyết giữ nguyên mức lương hiện nay.
Ngày 1/5 vừa qua, các thẩm phán đã bắt đầu đình công đòi tăng lương, cải thiện điều kiện làm việc và yêu cầu Chánh án Chan Reec Madut, một đồng minh của Tổng thống Kiir, từ chức do sự lãnh đạo yếu kém.
[Nam Sudan: Thẩm phán đình công khiến hệ thống tòa án tê liệt]
Trước đó, Tổng thống Kiir đã thành lập một ủy ban để nghe khiếu nại của các thẩm phán song các cuộc thương lượng đã thất bại. Cuộc đình công của 274 thẩm phán đã làm tê liệt hệ thống tư pháp của nước này, khiến các tòa án trên toàn quốc không thể tiến hành xét xử.
Căng thẳng trên diễn ra trong bối cảnh tình hình kinh tế Nam Sudan, quốc gia vốn phụ thuộc vào dầu mỏ, tiếp tục xấu đi với giá cả tăng vọt và xung đột kéo dài nhiều năm làm gián đoạn hoạt động sản xuất dầu thô.
Nam Sudan đã rơi vào nội chiến kể từ tháng 12/2013, chỉ hai năm sau khi nước này tuyên bố độc lập. Tổng thống Kiir cáo buộc đối thủ chính trị của ông, cựu Phó Tổng thống Riek Machar, âm mưu đảo chính quân sự.
Đụng độ leo thang thành một cuộc xung đột toàn diện ở nước này, khiến chục nghìn người thiệt mạng, hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa và nạn đói đe dọa hơn 100.000 người./.