Tổng thống Putin: Nga kiên quyết giữ vững lập trường độc lập

Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố các đòn trừng phạt dù cứng rắn tới đâu cũng sẽ không ép buộc được Moskva từ bỏ lập trường độc lập của nước này trên thế giới.
Tổng thống Putin: Nga kiên quyết giữ vững lập trường độc lập ảnh 1Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Nguồn: AFP)

Theo RT, ngày 6/6, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố các đòn trừng phạt dù cứng rắn tới đâu cũng sẽ không ép buộc được Moskva từ bỏ lập trường độc lập của nước này trên thế giới.

Nhà lãnh đạo này nói thêm, Nga sẽ không bao giờ chấp nhận những sự đánh đổi trả giá bằng chủ quyền.

Trao đổi với kênh truyền hình Trung Quốc, ông Putin tin rằng các vòng trừng phạt Nga do Mỹ, các đồng minh và Liên minh châu Âu (EU) áp đặt chỉ có duy nhất một mục đích là cản trở sự phát triển kinh tế của nước này.

Ông nhấn mạnh các lệnh trừng phạt và các biện pháp trừng phạt sẽ không bao giờ đủ để buộc Nga nhượng bộ và thay đổi chính sách.

Tổng thống Putin nêu rõ: “Tôi tin rằng hoặc Nga sẽ giữ vững chủ quyền, hoặc sẽ không còn nước Nga nào cả. Và, dĩ nhiên, người Nga sẽ luôn luôn chọn phương án đầu tiên. Tôi nghĩ người Trung Quốc cũng sẽ vậy thôi. Chúng ta không có lựa chọn nào khác."

[Tổng thống Nga Vladimir Putin kêu gọi EU dỡ bỏ trừng phạt]

Tổng thống Nga lập luận rằng mọi nỗ lực của phương Tây nhằm phá hoại nền kinh tế Nga rốt cuộc sẽ tác dụng ngược trở lại, nhắm vào các bên đi theo sự dẫn dắt của Mỹ để "trừng phạt" Nga.

Nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh: “Với những nước đi theo sự lãnh đạo của Mỹ, bản thân họ đang bắt đầu hứng chịu tổn thất từ điều mà Mỹ đang thực hiện."

Mặc dù ông Putin không đề cập cụ thể đến bất kỳ nội dung gì, có nguồn tin cho rằng Chính phủ Mỹ đang xem xét trừng phạt các tập đoàn châu Âu dính líu đến đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2), dự kiến vận chuyển 55 tỷ m3 khí đốt tự nhiên của Nga tới người tiêu dùng châu Âu mỗi năm.

Đức là một trong những nước thụ hưởng dự án này. Các đòn trừng phạt liên quan đến Ukraine, đưa ra sau khi Nga sáp nhập Crimea và nổ ra xung đột ở miền Đông Ukraine, hiện đang gây tác động xấu đến các nền kinh tế châu Âu.

Những lời kêu gọi dỡ bỏ trừng phạt đã được một số nước châu Âu đưa ra, bao gồm Phó Thủ tướng Áo Heinz-Christian Strache và chính phủ mới của Italy. Ngoài các đòn trừng phạt Nga, EU đã buộc phải ứng phó với sự gia tăng nhanh chóng thuế nhập khẩu đánh vào thép và nhôm, được Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra và có hiệu lực hồi tuần trước.

Đề cập tới khả năng cải thiện quan hệ giữa phương Tây và Nga vốn đang ở mức thấp nhất, ông Putin nói rằng ông hy vọng có các quan hệ “tích cực," đôi bên cùng có lợi.

Nhà lãnh đạo Nga khẳng định: “Cuối cùng, tôi tin rằng chúng ta sẽ thành công cải thiện các mối quan hệ dù theo cách này hay cách khác."

Trong khi đó, theo AFP, ngày 6/6, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian khẳng định chỉ khi nào tiến trình hòa bình ở Ukraine đạt được tiến triển, Liên minh châu Âu (EU) mới dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục