Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu chuyến thăm chính thức Đức

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã tới Đức trong chuyến thăm chính thức 3 ngày với hy vọng sẽ xây dựng lại mối quan hệ giữa hai nước vốn rơi vào sóng gió trong vài năm qua.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu chuyến thăm chính thức Đức ảnh 1Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tới Đức. (Nguồn: aa.com.tr)

Ngày 27/9, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã tới Đức trong chuyến thăm chính thức 3 ngày với hy vọng sẽ xây dựng lại mối quan hệ giữa hai nước vốn rơi vào sóng gió trong vài năm qua.

Đây cũng là chuyến thăm cấp nhà nước tới Đức đầu tiên của ông Erdogan trên cương vị Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ từ năm 2014.

Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier sẽ đón tiếp ông Erdogan và tổ chức tiệc chiêu đãi vào tối cùng ngày tại Cung điện Bellevu ở Berlin.

Dự kiến, trong thời gian ở thăm Đức, ông Erdogan sẽ có 2 cuộc gặp với Thủ tướng Angela Merkel để thảo luận về cuộc xung đột tại Syria và các vấn đề cùng quan tâm.

[Đức và Thổ Nhĩ Kỳ nỗ lực cải thiện quan hệ song phương]

Trước đó, ông Erdogan cho biết ngoài việc tận dụng chuyến thăm này để cải thiện quan hệ, ông Erdogan cũng thúc giục Đức tăng cường cuộc chiến chống các nhóm bị đặt ngoài vòng pháp luật như đảng Công nhân người Kurd (PKK) và phong trào Hồi giáo của giáo sỹ Fethullah Gulen, nhân vật đang sống lưu vong tại Mỹ và bị chính quyền Ankara cáo buộc là chủ mưu vụ đảo chính bất thành hồi tháng 7/2016.

Chuyến thăm Đức lần này của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ giữa Ankara và Berlin cũng như Washington-hai đồng minh trong Tổ chức hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) - đều xuống dốc nghiêm trọng trong những năm qua do một loạt mâu thuẫn.

Tuy nhiên, trong bối cảnh căng thẳng quan hệ với Mỹ gây ảnh hưởng đến nền kinh tế gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ đã tìm cách cải thiện quan hệ với châu Âu.

Trong khi đó, quan hệ giữa Đức và Thổ Nhĩ Kỳ, vốn là 2 quốc gia đồng minh gần gũi trong NATO bắt đầu rạn nứt kể từ khi Ankara bắt giữ một số công dân Đức và Berlin chỉ trích mạnh mẽ Thổ Nhĩ Kỳ về cách thức xử lý vụ đảo chính bất thành hồi giữa năm 2016, cũng như các vấn đề liên quan đến người Kurd.

Tuy nhiên, mối quan hệ này trong vài tháng gần đây đã được cải thiện, đặc biệt sau khi Thổ Nhĩ Kỳ trả tự do cho nhà báo Đức gốc Thổ Nhĩ Kỳ Deniz Yucel hồi tháng 2 vừa qua và dỡ bỏ lệnh cấm rời khỏi lãnh thổ đối với nữ nhà báo Đức Mesale Tolu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục