Chiều 14/7, ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết trong những tháng cuối năm 2017, ngành công thương sẽ tập trung các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; đẩy nhanh tiến độ xây dựng đề án, quy hoạch ngành đã được phê duyệt, nhất là các dự án thuộc bốn ngành công nghiệp trọng yếu theo Chương trình kích cầu đầu tư của thành phố.
Cụ thể, Sở Công Thương thành phố đẩy mạnh triển khai các giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ, hoàn thiện cơ sở dữ liệu công nghiệp - công nghiệp hỗ trợ, nhằm tạo thông tin kết nối giữa doanh nghiệp sản xuất với nhau và giữa doanh nghiệp sản xuất với nhà phân phối.
Đặc biệt, đẩy mạnh Chương trình kết nối cung-cầu hàng hoá, bình ổn thị trường, kết hợp thực hiện Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, nhằm khai thác tiềm năng thị trường các địa phương để đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa của doanh nghiệp thành phố, phát triển điểm kinh doanh và nâng cao thương hiệu của chợ truyền thống...
[Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh duy trì tốc độ tăng trưởng cao]
Cùng với đó, Sở Công Thương thành phố tăng cường xúc tiến thương mại nội địa, nhằm kết nối tiêu thụ sản phẩm công nghiệp của các doanh nghiệp thành phố tại tỉnh, thành trong cả nước; đồng thời, đẩy mạnh triển khai hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến xuất khẩu.
Theo Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, trong 6 tháng đầu năm 2017, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn thành phố đạt 449.914 tỷ đồng, tăng 10,2% so với cùng kỳ); trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hoá đạt 291.038 tỷ đồng, tăng 12,2% so với cùng kỳ.
Còn tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của thành phố đạt 2.756 triệu USD, tăng 27,24% so với cùng kỳ năm 2016, tuy nhiên, chỉ mới đạt 45,93% so với kế hoạch đặt ra năm 2017. Nguyên nhân là do các đơn hàng đầu năm chưa nhiều và thường tập trung vào 6 tháng cuối năm.
Đánh giá về sức hấp dẫn môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh tại Thành phố Hồ Chí Minh, đại diện Sở Công Thương, cho rằng vẫn còn một số hạn chế so với các tỉnh lân cận như về giá đất thuê cao do chi phí đầu tư hạ tầng, khó khăn về giải phóng mặt bằng... Điều này, dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp không thể thuê diện tích đất cần thiết để đầu tư, sản xuất kinh doanh.
Đối với Chương trình kết nối Ngân hàng-Doanh nghiệp của Sở Công Thương, tính đến nay, tổng số tiền cho vay doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã đạt 139.000 tỷ đồng cho hơn 4.600 khách hàng vay vốn; trong đó, Hội nghị kết nối Ngân hàng-Doanh nghiệp vừa tổ chức trong tháng 6, có 21 chi nhánh Ngân hàng thương mại đã hỗ trợ cho 612 khách hàng vay, với tổng số vốn đạt 49.035 tỷ đồng./.