TP.HCM: "Xe dù, bến cóc" vẫn lấn át các bến xe chính thức

Dù đã được các lực lượng chức năng nỗ lực xử lý trong thời gian qua, tuy nhiên "xe dù, bến cóc" vẫn hoạt động sôi nổi trên khắp các địa bàn tại Thành phố Hồ Chí Minh.
TP.HCM: "Xe dù, bến cóc" vẫn lấn át các bến xe chính thức ảnh 1Một bãi đất trống ngay sát Bến xe An Sương (Quốc lộ 22, huyện Hóc Môn) có nhiều xe khách dừng đỗ, được “điểm mặt” là “xe dù, bến cóc”. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)

Từ 11/10, hầu hết các tuyến còn lại tại Bến xe miền Đông cũ (quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh) được chuyển về Bến xe miền Đông mới (thành phố Thủ Đức) theo lộ trình di dời giai đoạn 2.

Tuy nhiên, mỗi ngày có khoảng 300 chuyến xe từ Bến xe miền Đông cũ "biến mất," trong khi Bến xe miền Đông mới vắng khách.

Cũng từ giai đoạn này, tình trạng xe khách đón trả khách không đúng quy định có chiều hướng gia tăng, chủ yếu trên địa bàn quận Bình Thạnh, Quận 1, Quận 5, thành phố Thủ Đức, nguyên nhân là do một số đơn vị vận tải thuộc các tuyến di dời giai đoạn 2 giảm chuyến hoặc ngừng khai thác.

Hiện "xe dù, bến cóc" ngang nhiên hoạt động tại 76 vị trí, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của các bến xe tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Đặc biệt, Bến xe miền Đông mới đưa vào khai thác đã 2 năm nhưng hiệu quả không cao, bởi vẫn thiếu sự kết nối đồng bộ cũng như không cạnh tranh được với "xe dù, bến cóc."

Bài 1: Bát nháo xe dù, bến cóc

Dù đã được các lực lượng chức năng nỗ lực xử lý trong thời gian qua, tuy nhiên "xe dù, bến cóc" vẫn hoạt động sôi nổi trên khắp các địa bàn tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Tình trạng này gia tăng trong thời gian gần đây, gây bức xúc cho người dân và các bến xe được quy hoạch bài bản.

Có tới 76 "bến cóc"

Từ khi các tuyến còn lại tại Bến xe miền Đông cũ được di dời sang Bến xe miền Đông mới, tình trạng "xe dù, bến cóc" hoạt động sôi nổi tại các tuyến đường khu vực trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh như Nguyễn Cư Trinh, Nguyễn Thái Bình (Quận 1); Nguyễn Duy Dương, Lê Hồng Phong, Hùng Vương (Quận 5)…

Đây là những khu vực có văn phòng của một số nhà xe và là nơi để giao nhận hàng hóa. Một số nhà xe đã tận dụng các khu vực này để đón trả khách.

Địa điểm 258A và 258C Lê Hồng Phong (Quận 5), được Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh "điểm mặt" là tụ điểm đón trả khách không đúng quy định, các xe khách thường dừng đỗ để nhận hàng hóa và đón trả khách rất nhanh gọn.

Điều đáng chú ý là địa điểm này chỉ cách trụ sở Thanh tra Sở Giao thông Vận tải khoảng 100m. Tuy nhiên, nhiều năm qua, tình trạng "xe dù, bến cóc" vẫn không thể xử lý.

[Áp dụng lệnh vận chuyển điện tử nhằm hạn chế xe dù, bến cóc]

Trong khi khu vực trung tâm thành phố là những "xe dù, bến cóc" phục vụ các tuyến chặng ngắn, phương tiện hầu hết là xe 16, 24 và 29 chỗ ngồi, thì khu vực ngoại thành lại có rất nhiều xe khách lớn (cả xe giường nằm) phục vụ các tuyến đường dài.

Tại khu vực Quốc lộ 1, Quốc lộ 13 gần Ngã tư Bình Phước, các cây xăng trở thành "điểm tập kết" để các nhà xe đón trả khách. Đây là cách các nhà xe "lách luật" tấp vào đón trả khách mà không bị cơ quan chức năng xử lý.

Trong khi đó, ghi nhận tại khu vực gần Bến xe An Sương, hiện có 2 tụ điểm đón trả khách không đúng quy định. Chỉ cách bến xe khoảng 100m có bãi đất trống trên Quốc lộ 22 (huyện Hóc Môn), thường xuyên có một số xe khách nằm chờ sẵn để đón khách.

Theo những người dân ở gần bãi đất trống, các xe này không vào bến mà đón khách ngay tại "bến cóc" này. Cách đó không xa là Khu dân cư An Sương (Quận 12) với các tuyến đường rộng rãi, là nơi "tập kết" của nhiều nhà xe chạy tuyến Thành phố Hồ Chí Minh đi các tỉnh miền Trung, miền Bắc.

Nhằm lập lại trật tự, an toàn giao thông cũng như đưa hoạt động vận tải hành khách đi vào nề nếp, Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo Thanh tra Sở rà soát các vị trí đón, trả khách không đúng nơi quy định trên địa bàn.

Theo thống kê, Thành phố Hồ Chí Minh hiện có 76 vị trí đang hoạt động đón, trả khách không đúng nơi quy định ("xe dù, bến cóc"). 

Nhiều nhất là khu vực Quận 5 với 25 điểm trên các đường Lê Hồng Phong, Võ Văn Kiệt, Nguyễn Duy Dương, Sư Vạn Hạnh, Tản Đà, Ngô Quyền, Nguyễn Chí Thanh...

Thành phố Thủ Đức xếp thứ hai với 22 điểm có hoạt động đón, trả khách không đúng nơi quy định, nhất là khu vực Quốc lộ 13, Quốc lộ 1.

Trong khi đó, Quận 1 có 5 điểm, Quận 12 có 6 điểm, Quận 10 có 4 điểm, Tân Phú có 4 điểm, Bình Thạnh có 2 điểm, Bình Tân có 4 điểm, Bình Chánh có 2 điểm. 

Thượng tá Nguyễn Văn Bình - Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt Công an Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, tình trạng xe khách dừng đỗ, đón trả khách không đúng quy định vẫn nhiều.

Đặc biệt, khi thành phố có chủ trương di dời Bến xe miền Đông cũ ra bến xe mới thì tình trạng vi phạm tại khu vực trung tâm thành phố cũng như một số khu vực vùng ven được dư luận và người dân phản ánh khá nhiều.

Phòng Cảnh sát giao thông đã chủ động xây dựng các kế hoạch cho lực lượng cảnh sát thành phố cũng như triển khai đến công an quận, huyện tập trung xử lý chuyên đề về xe khách.

Trong 10 tháng vừa qua, các lực lượng chức năng đã xử lý trên 4.000 trường hợp xe khách vi phạm dừng đỗ, đón trả khách không quy định; dừng nơi có biển cấm dừng, cấm đỗ với số tiền gần 14 tỷ đồng. 

Liên quan vấn đề này, ông Phan Công Bằng, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cho biết Sở đã chỉ đạo lực lượng thanh tra chủ động, phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông tăng cường kiểm tra chuyên đề tại các vị trí thường xuyên vi phạm việc dừng đón, trả khách không đúng quy định.

Từ đầu năm 2022 đến nay, Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh đã phát hiện và lập biên bản 1.709 trường hợp vi phạm với số tiền xử phạt là gần 2,5 tỷ đồng.

Đồng thời, Sở Giao thông Vận tải đang nghiên cứu, đề xuất hạn chế lưu thông phương tiện trên 16 chỗ tại các tuyến đường thường xuyên có tổ chức đón, trả khách không đúng quy định trong khu vực trung tâm thành phố.

Vì đâu nên nỗi?

Ghi nhận trên đường Nguyễn Thái Bình, Nguyễn Cư Trinh (Quận 1), xe khách thường xuyên tấp vào đón khách đi về các tỉnh gần như Bà Rịa- Vũng Tàu. Đây là thực trạng diễn ra trong suốt thời gian qua dù đã được Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh "điểm mặt, chỉ tên."

TP.HCM: "Xe dù, bến cóc" vẫn lấn át các bến xe chính thức ảnh 2Trong khi “xe dù, bến cóc” hoạt động sôi nổi bên ngoài, thì Bến xe miền Đông mới được đầu tư hiện đại lại khá vắng khách. (Ảnh: TTXVN phát)

Một hành khách đứng chờ xe trên đường Nguyễn Thái Bình để về Vũng Tàu chia sẻ, việc đón xe khách dọc đường như vậy không đúng quy định nhưng rõ ràng là thuận tiện hơn cho hành khách.

Nếu phải vào bến xe (như Bến xe miền Đông mới) rất bất tiện. Đường xa, thời gian di chuyển kéo dài, lại phải thêm chặng ra bến xe nữa… nên hành khách ưu tiên đi "xe dù."

Trong khi đó, đại diện một số hãng xe chạy chặng ngắn từ Thành phố Hồ Chí Minh về các tỉnh lân cận cũng nhìn nhận, việc di chuyển ra Bến xe miền Đông mới là phù hợp theo quy hoạch chung.

Tuy nhiên, bến xe mới nằm quá xa trung tâm, khả năng kết nối chưa cao khiến hành khách gặp khó khăn khi di chuyển ra Bến xe miền Đông mới. Với hành trình ngắn, hành khách sẽ ưu tiên chọn điểm đón xe gần nhà nhất.

Liên quan vấn đề này, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh Trần Quang Lâm chia sẻ trước đây người dân khu vực xung quanh trung tâm thành phố ra Bến xe miền Đông gần hơn, khá thuận lợi.

Bây giờ di chuyển ra Bến xe miền Đông mới, đặc biệt là những tuyến gần đi Vũng Tàu, Phan Thiết thì người dân rất ngại nên chuyển sang những loại hình khác.

Cũng từ khi di dời giai đoạn 2, Sở Giao thông Vận tải ghi nhận có khoảng 300 chuyến xe "biến mất" tại Bến xe miền Đông mới.

Theo ông Trần Quang Lâm, khi thực hiện di dời ra bến mới, một số đơn vị đăng ký chuyển sang các bến xe như Ngã tư Ga, An Sương… Việc này hoàn toàn phù hợp quy định và theo mạng lưới đã công bố. Ngoài ra, một số tuyến cũng giảm sút hành khách nên giảm số tuyến, số chuyến khai thác...

Dự báo, từ nay đến cuối năm, đặc biệt là Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán sắp tới, vấn đề xe đón trả khách không đúng nơi quy định, không vào bến bãi sẽ rất phức tạp.

Theo Thượng tá Nguyễn Văn Bình, Phòng Cảnh sát giao thông cùng công an các quận, huyện sẽ tăng cường phối hợp với lực lượng thanh tra Sở Giao thông Vận tải tập trung tuần tra, kiểm soát, xử lý "nóng," xử lý vi phạm qua hình ảnh để tạo tính răn đe đối với đội ngũ lái xe.

"Chúng tôi cũng yêu cầu công an các phường xã, thị trấn rà soát lại các điểm thường xuyên có tình trạng dừng đỗ, đón trả khách; những vị trí cây xăng thường xuyên tập trung đón khách không đúng quy định để xử lý. Phải thực hiện quyết liệt để trật tự an toàn giao thông về xe khách dần dần được chuyển hóa tốt hơn trong thời gian sắp tới," Thượng tá Bình chia sẻ.

"Xe dù, bến cóc" được các ngành chức năng tăng cường xử lý thời gian qua nhưng hiện nay đang "bùng phát" trở lại.

Đây là một trong những nguyên nhân trực tiếp ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của các bến xe khách liên tỉnh tại Thành phố Hồ Chí Minh, buộc các nhà quản lý phải cùng nhau giải quyết bằng nhiều giải pháp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục