Trải nghiệm ‘Nghệ thuật hát xẩm - Từ hè đường đến sân khấu’

Công chúng sẽ có dịp tìm hiểu về những đặc trưng của xẩm và thưởng thức những làn điệu cơ bản của loại hình này tại chương trình “Nghệ thuật hát xẩm - Từ hè đường đến sân khấu.”
Trải nghiệm ‘Nghệ thuật hát xẩm - Từ hè đường đến sân khấu’ ảnh 1Thế hệ trẻ của Chiếu xẩm Hà Thị Cầu ở Ninh Bình. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)

“Trưởng lão” của làng xẩm đương đại Việt Nam - nghệ sỹ nhân dân Xuân Hoạch sẽ tái ngộ khán giả Thủ đô trong sự kiện “Nghệ thuật hát xẩm - Từ hè đường đến sân khấu.” Chương trình sẽ diễn ra vào chiều 18/11 tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ (số 50 Đào Duy Từ, Hà Nội).

Bên cạnh đó, “Nghệ thuật hát xẩm - Từ hè đường đến sân khấu” còn có sự tham gia của nhiều nghệ nhân dân gian, nhà nghiên cứu âm nhạc truyền thống và các nhóm, câu lạc bộ truyền dạy, trình diễn xẩm nổi tiếng: Chiếu xẩm Hải Thành (Hải Phòng), Chiếu xẩm Hà Thị Cầu (Ninh Bình), Trung tâm âm nhạc truyền thống Thăng Long (Hà Nội), Câu lạc bộ Ca nhạc Truyền thống UNESCO Hà Nội, Đoàn nghệ thuật Đông Đô (Hà Nội)…

“Nghệ thuật hát xẩm - Từ hè đường đến sân khấu” sẽ giúp công chúng hiểu hơn về các chặng đường phát triển của xẩm cũng như những đặc trưng của loại hình loại hình nghệ thuật dân gian này từ môi trường diễn xướng, các loại nhạc cụ… Ngoài ra, các nghệ nhân, nghệ sỹ sẽ giới thiệu tới khán giả một số làn điệu cơ bản của xẩm.

[Ngô Hồng Quang và những cuộc phiêu lãng giữa hai miền Đông-Tây]

Xẩm vốn là một loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian có từ lâu đời tại các tỉnh miền Bắc, thường được những người khiếm thị, nghèo khổ dùng để mưu sinh ở vệ đường, góc chợ, bến nước hay trên những chuyến tàu điện…

Sau một thời gian vắng bóng, hiện nay, các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, nghệ nhân đang nỗ lực nhằm phục hồi, bảo tồn và phát huy giá trị của xẩm trong đời sống đương đại. Các nghệ sỹ đã có nhiều nỗ lực cách tân xẩm và đưa loại hình nghệ thuật này vào biểu diễn ở những sân khấu lớn.

Nghệ thuật truyền thống thiếu hụt nhân lực. (Nguồn: VNews)

Lời ca của xẩm thường mang tính tự sự với những câu chuyện đời có nội dung đa dạng, hội đủ mọi cung bậc cảm xúc hỉ-nộ-ái-ố…

Chương trình “Nghệ thuật hát xẩm - Từ hè đường đến sân khấu” do Chiếu xẩm Hải Phòng, nhóm Đình làng Việt phối hợp với Ban Quản lý Di tích Phố cổ Hà Nội tổ chức nhân Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11)./.

Theo Quyết định số 36/2005/QĐ-TTg (ngày 24/2/2005) của Thủ tướng Chính phủ, ngày 23/11 hàng năm được chọn là Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam nhằm “phát huy truyền thống và ý thức trách nhiệm của những người làm công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam, động viên các tầng lớp xã hội tham gia tích cực vào sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.”
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục