Triển lãm gốm Hương Canh, giao lưu với nghệ nhân tại Hà Nội

9 nghệ nhân, nhà điêu khắc mang đến gần 100 tác phẩm từ chất liệu thị trấn Hương Canh, nhằm tôn vinh làng gốm thủ công truyền thống hiếm hoi còn đỏ lửa tại Việt Nam.

Nghệ nhân Giang Thị Nhạn của làng gốm Hương Canh. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Nghệ nhân Giang Thị Nhạn của làng gốm Hương Canh. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trong dịp đầu năm mới 2024, phòng tranh G39 sẽ tổ chức tôn vinh gốm Hương Canh (Vĩnh Phúc) tại Thủ đô, qua triển lãm “Gốm Hương Canh - Đối thoại giữa truyền thống và hiện đại.”

Triển lãm khai mạc lúc 10 giờ sáng thứ Sáu 5/1, sau đó sẽ kéo dài đến hết 12/1/2024 tại phòng nghệ thuật tầng 3, Nhà xuất bản Hội Nhà văn (65 Nguyễn Du, Hoàn Kiếm).

Triển lãm trưng bày gần 100 tác phẩm gốm từ chất liệu thủ công của làng nghề Hương Canh. 9 tác giả là họa sỹ, nghệ sỹ, nhà điêu khắc, trong đó có một số nghệ nhân còn đang theo nghề là bà Giang Thị Nhạn (73 tuổi), anh Nguyễn Giang Anh, chị Nguyễn Thị Hằng.

Trong buổi khai mạc, bà Giang Thị Nhạn vuốt gốm trực tiếp và trao đổi với khách tham quan. Sự kiện mở đón khách tự do.

vnp-gom-huong-canh-8jpg-1634.jpg
Hương Canh là một trong số ít ỏi làng nghề gốm còn đỏ lửa của Việt Nam. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Thị trấn Hương Canh là một trong những làng gốm nổi tiếng nhất Việt Nam nói chung và miền Bắc nói riêng, bên cạnh những gốm Bát Tràng (Hà Nội), Phù Lãng (Bắc Ninh), Chu Đậu (Hải Dương)...

Theo ông Lê Thiết Cương - giám tuyển của triển lãm, gốm sành Hương Canh là gốm không men. Có thể do nhiều oxit sắt tự nhiên trong đất nên khi nung tạo ra một loại “men” màu nâu cháy tự nhiên.

Trong ứng dụng thực tế, chum, vại, hũ Hương Canh khi sắc thuốc, muối dưa, ủ rượu… cho ra hiệu quả cao hơn nhiều các loại gốm khác.

Trước xu hướng công nghiệp hóa, làng nghề thủ công dần thất thế. Gốm Hương Canh chỉ còn rất ít hộ gia đình vẫn còn theo nghề. Vì vậy triển lãm kỳ vọng góp sức vào việc bảo tồn làng nghề, đưa sản phẩm truyền thống đến gần hơn với cuộc sống hiện đại.

Một số tác phẩm có trong triển lãm:

5f6e34ffb7491f174658-4148.jpg
Tác phẩm của nghệ nhân Giang Thị Nhạn
b749cc55b1e419ba40f5-3435.jpg
"Se sợi" của nhà điêu khắc Nguyễn Lưu
0c77fc447ef2d6ac8fe3-7836.jpg
"Vô ngã vô ưu" của họa sỹ Lê Thiết Cương
857ffcd37f65d73b8e74-4152.jpg
Tác phẩm "Mèo" của nhà điêu khắc Nguyễn Hồng Quang
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục