'Tro tàn rực rỡ' cứu cho một năm chất lượng điện ảnh Việt 'chạm đáy'

Thị trường chỉ hồi phục được chừng 70% so với 2019, số phim Việt giảm mạnh, phim yếu tràn lan... là tình trạng của 2022, cùng với đó là điểm sáng về HANIFF và Luật Điện ảnh sửa đổi sắp có hiệu lực
Một số phim Việt ra mắt năm 2022. (Nguồn: Moveek)
Một số phim Việt ra mắt năm 2022. (Nguồn: Moveek)

Năm 2022 là năm đầu tiên Việt Nam không còn chịu ảnh hưởng trực tiếp của COVID-19. Ngành chiếu bóng đã hoạt động bình thường trở lại, tuy nhiên vẫn ngầm chịu những tác động nhất định từ đại dịch mà hậu quả lớn nhất là tình trạng thiếu phim tốt, dư phim dở.

Dẫu ảm đạm vì loạt phim Việt có doanh thu kém, điện ảnh trong nước năm qua đã có những điểm nhấn khả quan nhất định như tổ chức thành công Liên hoan phim quốc tế Hà Nội (HANIFF) lần thứ 6, thông qua Luật Điện ảnh sửa đổi với những thay đổi cần có trong thực tế mới.

Mt năm th trưng bun

Theo quan sát của giới làm phim trong nước, do các năm 2020 và 2021 đều bị COVID-19 gây gián đoạn, nhiều kế hoạch sản xuất bị hoãn. Kết quả là 2022 vắng bóng loạt tên tuổi có tiếng và những dự án có khả năng làm nên chuyện ở phòng vé, cùng lúc, trở thành thời điểm "xả kho" phim dở - những bộ phim mà trước đây không đủ sức cạnh tranh trong điều kiện bình thường.

Nhà rạp cần tiền nuôi bộ máy nên hễ nhà sản xuất có tiền để phát hành, thì phim có thể được cho ra mắt. Hiện hiện tượng "co kéo" suất chiếu, nhường giờ đẹp cho phim tốt, tối ưu hóa khả năng kiếm lời thường xuyên diễn ra.

[Vì sao điện ảnh Việt năm 2022 nhiều phim dở, doanh thu kém?]

Biên kịch Kay Nguyễn cho rằng đây là nguyên nhân vì sao nhiều phim dẫu dở nhưng đã có thể kiếm nhiều hơn con số bết bát trên thực tế.

Trong số 37 phim Việt ra mắt trong năm nay có đến 21 phim đạt doanh thu dưới 10 tỷ đồng, 9 phim chỉ đạt đến ngưỡng trăm triệu. Đó là chưa kể vào thời điểm 2018, 2019, lượng phim Việt trung bình đã đạt mức cao hơn nhiều, từ 45-50 phim.

Trong thực tế đó, năm 2022 chỉ có duy nhất 1 phim Việt đạt mốc "trăm tỷ" - phim "Em và Trịnh." Thành tích này thua 2019 (5 phim) và hai năm vướng đại dịch là 2020 (3 phim) và 2021 (2 phim).

Một lý do khác là điểm chiếu phim Tết Âm lịch (vốn là dịp tiềm năng để gặt hái "trăm tỷ") năm nay gặp khó khăn khách quan vì chỉ có 141/212 cụm rạp mở cửa trên toàn quốc (71 rạp phía Bắc mở cửa muộn), khiến doanh thu phim Tết hụt từ 30-35%.

'Tro tàn rực rỡ' cứu cho một năm chất lượng điện ảnh Việt 'chạm đáy' ảnh 1Rạp phim mở lại trong dư âm từ 2 năm đại dịch. (Ảnh minh họa: H.Minh/Vietnam+)

Thành tích trăm tỷ năm 2022 đều nhường hết cho phim ngoại, từ những "bom tấn" siêu anh hùng như "Phù thủy tối thượng trong đa vũ trụ hỗn loạn" (Doctor Strange in the multiverse of madness), "Thor: Tình yêu và sấm sét" (Thor: Love and thunder) hay những thương hiệu đình đám như "Avatar: Dòng chảy của nước" (Avatar: The way of water) và "Minion: Sự trỗi dậy của Gru" (Minion: The rise of Gru), cho đến một phim vốn không "hot" ở quê nhà nhưng làm mưa làm gió tại Việt Nam như "Bỗng dưng trúng số" (Hàn Quốc).

Bên cạnh loạt phim yếu kém, giới phê bình và khán giả vẫn giành lời khen và sự công nhận cho hai tác phẩm điện ảnh cùng có chữ "rực rỡ" trong tên phim. Đó là "Đêm tối rực rỡ" với câu chuyện điện ảnh hấp dẫn và "Tro tàn rực rỡ" với dấu ấn nghệ thuật rõ nét, được coi như "phao cứu tinh" sau một năm mà chất lượng điện ảnh trong nước 'chạm đáy'.

Đim sáng sau dch

Năm 2022 đánh dấu sự trở lại và tổ chức thành công của Liên hoan phim quốc tế Hà Nội (HANIFF) lần thứ 6. Chương trình vốn bị lùi lịch từ 2020 do đại dịch bất ngờ ập đến.

Liên hoan phim được đánh giá là bữa tiệc điện ảnh với hơn 120 phim từ trong và ngoài nước, thuộc 56 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các hoạt động quảng bá văn hóa, du lịch Hà Nội đã được tổ chức song song với các hội thảo chuyên đề, bàn luận về nền điện ảnh tiêu biểu mà cụ thể là Hàn Quốc, giúp rút ra nhiều kinh nghiệm thực tế, tạo nhiều cơ hội hợp tác về đào tạo...

800 đại biểu đến với Việt Nam đều có thể an tâm với điều kiện phòng dịch được đảm bảo. Các nhà làm phim trẻ, nhà làm phim lâu năm... cũng đã có cơ hội mở rộng, kết nối tại liên hoan phim.

[Nhìn lại HANIFF 2022 từ chợ dự án và trải nghiệm của nhà làm phim]

Cục trưởng Cục Điện ảnh, Trưởng ban tổ chức liên hoan phim - ông Vi Kiến Thành nhận định: "HANIFF tiếp tục khẳng định mình là một liên hoan phim trẻ, tràn đầy sức sống và năng động, đã có những kinh nghiệm ban đầu để tổ chức ngày càng chuyên nghiệp, góp phần quảng bá điện ảnh Việt Nam, đưa điện ảnh thế giới đến với khán giả Việt."

Cũng trong năm nay, Luật điện ảnh sửa đổi năm 2022 đã được thông qua và sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2023. Như vậy, vột số vấn đề nóng như cho phép thành lập các hội đồng duyệt tại địa phương, trao quyền tự phân loại phim cho đơn vị phát hành phim trực tuyến, sẽ thành lập quỹ điện ảnh, tạo thêm điều kiện để mở cửa cho đoàn phim nước ngoài tới quay tại Việt Nam... đã được thông qua.

Tuy nhiên, từ các điều luật đến thực tế cần có những hướng dẫn và quy định cụ thể hơn nữa. Đó là việc mà các cơ quan soạn thảo luật, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kết hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý, thể hiện qua những nghị định cụ thể đã và đang được xây dựng, hoàn thiện.

K vng gì cho 2023?

Về luật điện ảnh mới, Giáo sư-Tiến sỹ Trần Thanh Hiệp (nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội) nhận định: Với mục đích giải thích và hướng dẫn cụ thể trong thi hành luật, các nghị định hướng dẫn Luật Điện ảnh sửa đổi năm 2022 cần phải giải thích rõ những gì được và không được làm, đặc biệt là khi luật sẽ sớm có hiệu lực.

[Phim ngoại xuyên tạc lịch sử: Cần triệt để ngay từ khi kiểm duyệt]

"Luật Điện ảnh sửa đổi của chúng ta đã thể hiện một sự đổi mới, phù hợp với xu thế hiện nay. Nhưng các nghị định cũng rất quan trọng, có vai trò cụ thể hóa các điều luật. Điện ảnh cần có sự khuyến khích, thông thoáng, được tạo điều kiện tối đa để tạo hành lang phát triển, vì vậy phải làm rõ những gì được và không được làm để không có những khoản tối," Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thanh Hiệp nói thêm.

Cùng với đó, giáo sư tiếp tục khẳng định mọi quốc gia đều có các giá trị văn hóa riêng, cốt lõi cần được bảo vệ, không để lọt lưới những phim sai phạm. Đây cũng là mong muốn của toàn bộ giới làm phim cũng như khán giả trong bối cảnh nội dung OTT và phim trực tuyến nói chung có thể dễ dàng được đăng tải trên môi trường internet.

'Tro tàn rực rỡ' cứu cho một năm chất lượng điện ảnh Việt 'chạm đáy' ảnh 2Loạt phim Việt, phim ngoại cạnh tranh dịp Tết Âm lịch (ra mắt Mùng 1 - 22/1). (Nguồn: Moveek)

Về phía phòng vé, thị trường điện ảnh năm mới được kỳ vọng sẽ dần quay về quỹ đạo và hồi phục hoàn toàn như thời điểm trước dịch. Năm 2019 được đại diên các nhà rạplấy làm mốc.

Đại diện các cụm rạp cũng như khán giả quan tâm phim Việt mong chờ "Thanh Sói" (Ngô Thanh Vân), "Đảo độc đắc: Tử mẫu thiên linh cái" (Lê Bình Giang) trong dịp Tết Dương lịch; "Nhà bà Nữ" (Trấn Thành), "Chị chị em em 2" (Vũ Ngọc Đãng) và "Siêu lừa gặp siêu lầy" (Võ Thanh Hòa) trong cuộc đua Tết Âm lịch.

Đến cao điểm mùa Hè, các rạp phim sẽ sẵn sàng đón làn sóng "bom tấn" quốc tế với “Transformer 7: Quái thú trỗi dậy,” “John Wick 4," "Nhiệm vụ bất khả thi 7: Nghiệp báo" (Mission impossible 7), "The Super Mario Bros Movie"... Đại diện phim Việt dự kiến xuất hiện giữa mùa bom tấn ngoại còn có phần 6 của sê-ri "Lật mặt" (ra rạp ngày 30/4 các năm) có thể sẽ gặp nhiều khó khăn.

Một số dự án trong nước của các đạo diễn lớn đang ở những giai đoạn đầu gồm có: “Đất rừng phương Nam” của Nguyễn Quang Dũng, Victor Vũ úp mở về dự án kinh dị cổ trang, Charlie Nguyễn và Phan Gia Nhật Linh đều đang có một số dự án giắt túi, Lý Minh Thắng có phim "Công tử Bạc Liêu." Nguồn tin riêng của VietnamPlus cho biết đạo diễn Timothy Bùi đang ấp ủ một phim về ma cà rồng.../.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục