Trong dịch COVID-19, nông nghiệp trở thành "trụ đỡ" của nền kinh tế

Thực tiễn nhiều năm qua, khi đất nước có những biến động về kinh tế-xã hội, nông nghiệp luôn là “trụ đỡ” cho nền kinh tế; nên đất nước vẫn ổn định, phát triển và dịch COVID-19 được xem là "liều thử."
Trong dịch COVID-19, nông nghiệp trở thành "trụ đỡ" của nền kinh tế ảnh 1Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan. (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN)

"Nông nghiệp: Trụ đỡ vững chắc trong biến động,” là chủ đề của Tọa đàm do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ thực hiện chiều 28/10, với phần trao đổi, thảo luận sâu của các vị khách mời là Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan và đại biểu Quốc hội khóa XV Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam.

Tại tọa đàm, các vị khách mời đã làm rõ những đóng góp lớn của ngành nông nghiệp, đồng thời nêu giải pháp để nông nghiệp thực sự là “trụ đỡ” của nền kinh tế, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, an ninh lương thực quốc gia.

“Trụ đỡ” cho nền kinh tế

Chín tháng năm 2021, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp đạt 2,74%, đóng góp 23,52% vào mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế. Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt trên 35,5 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ, dự báo có thể đạt và vượt mục tiêu cả năm. Riêng trong quý 3 vừa qua, khi dịch COVID-19 diễn ra trên diện rộng ở các tỉnh, thành phía Nam, giá trị gia tăng của ngành nông nghiệp vẫn tăng 1,04% so với cùng kỳ năm 2020.

Thực tiễn nhiều năm qua, khi đất nước có những biến động về kinh tế-xã hội, nông nghiệp luôn là “trụ đỡ” cho nền kinh tế. Nhờ vai trò “trụ đỡ” ấy, đất nước vẫn ổn định, phát triển và đại dịch COVID-19 được xem là "liều thử" mạnh cho năng lực thích ứng của “tam nông” nước nhà.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan, trong đại dịch COVID-19, ngành nông nghiệp lại được nhắc đến như một trụ đỡ khi kinh tế chao đảo. Nhắc đến câu nói vui “nhất sĩ nhì nông, hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sỹ,” ông cho biết mọi người hay đánh giá thông qua các con số tỷ trọng đóng góp cho tổng sản phẩm quốc gia hay doanh thu của các doanh nghiệp, nhưng đã đến lúc phải nghĩ đến câu chuyện khác sau đại dịch, đó là đánh giá nền kinh tế và doanh nghiệp dựa trên sự lan tỏa, chiều sâu của mỗi nền kinh tế và doanh nghiệp.

[Ngành nông nghiệp duy trì sản xuất, thích ứng linh hoạt với đại dịch]

Quy mô của các doanh nghiệp nông nghiệp có thể không bằng các doanh nghiệp công nghiệp, nhưng sức lan tỏa ra hàng chục triệu hộ nông dân, có thể kết nối trở thành sức mạnh. Như vậy, phải nhìn nền nông nghiệp là một cấu trúc kinh tế-xã hội, chứ không phải là ngành kinh tế đơn lẻ, không chỉ là một ngành có đóng góp 14% tổng GDP. Đây là một ngành kinh tế bao trùm, đem lại thu nhập cho hàng chục triệu con người chứ không phải một nhóm người.

“Từ câu chuyện trong đại dịch vừa rồi, có thể thấy, ngành nông nghiệp với hàng chục triệu hộ nông dân có thể linh hoạt và năng động hơn trong đại dịch. Trên từng mảnh vườn, cái ao… vẫn có thể tạo ra giá trị kinh tế, tạo ra bức tranh nông nghiệp ‘dương’ so với nhiều ngành khác. Tôi nghĩ về sức sống của hàng chục triệu hộ nông dân. Đây là niềm tin để phát triển chiến lược ‘tam nông’ căn cơ hơn,” Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ.

Đồng quan điểm, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng lợi thế năng lực cạnh tranh cốt lõi của Việt Nam vẫn là nông nghiệp, du lịch, công nghệ thông tin (IT)… Thời gian qua, nông nghiệp có bước phát triển mạnh mẽ, có nhiều đóng góp cho GDP, nhưng quan trọng nhất là dư địa của ngành nông nghiệp còn vô cùng lớn, và cũng còn không ít thiếu sót cần khắc phục để tạo ra năng lực cạnh tranh mới. Trong mọi biến cố ở các nền kinh tế, nông nghiệp đều phát huy vai trò trụ đỡ, bởi nhu cầu ăn uống, sản phẩm nông nghiệp trong bối cảnh nào cũng cần.

“Dòng người hồi hương thời gian qua cũng cho thấy, nông nghiệp, nông thôn chính là điểm tựa quan trọng cho lực lượng lao động gặp khó ở đô thị và khu công nghiệp. Nông thôn chính là bệ đỡ về an sinh, như ‘ngôi nhà’ của người lao động, sẵn lòng đón và chăm lo trong giai đoạn này. Sau này, chưa rõ họ có quay lại khu vực công nghiệp hay không, nhưng giai đoạn này có thể khẳng định, nông thôn chính là nơi giúp người lao động có thể ổn định cuộc sống và tâm lý trong lúc cuộc sống khó khăn,” ông Vũ Tiến Lộc nhận định.

Thay đổi để thích ứng với đại dịch

Tại Tọa đàm, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng bày tỏ tin tưởng tổng kim ngạch xuất khẩu ngành nông nghiệp năm nay sẽ cán đích 42,5 tỷ USD. Dù mục tiêu này lệ thuộc vào tình hình diễn biến dịch bệnh, nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự chủ động của các địa phương, sẽ là điểm tựa cho các doanh nghiệp có liên quan đến xuất khẩu có niềm tin để tái khởi động.

Trong dịch COVID-19, nông nghiệp trở thành "trụ đỡ" của nền kinh tế ảnh 2Tiêu thụ nông sản tại siêu thị. (Ảnh: TTXVN)

“Tôi có gặp các “vị vua” như vua chuối, vua càphê, vua lúa gạo, vua hồ tiêu…, họ đều có niềm tin vào doanh nghiệp của mình, mặc dù cũng hơi nặng lòng với cách chống dịch của một số địa phương trong thời gian vừa qua đã làm cho doanh nghiệp gặp khó… Hiện nay, Chính phủ đã tạo ra một hào khí cho các doanh nghiệp trên cả nước, trong nguy có cơ, cái cơ ở đây là các doanh nghiệp đã thức tỉnh, bản thân doanh nghiệp cũng nhìn lại sức chống chịu rủi ro của mình để tích cực hơn,” người đứng đầu ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tin tưởng.

Ông cũng nhấn mạnh đã đến lúc chúng ta phải thay đổi mô hình tăng trưởng của ngành nông nghiệp, chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp dựa trên mục tiêu tăng sản lượng sang tư duy kinh tế với mục tiêu tăng giá trị. Thay đổi mô hình chứ không phải thay đổi tỷ trọng của một ngành nông nghiệp khi đi theo sản lượng. Phải tích hợp đa giá trị vào sản phẩm, nhìn nông nghiệp không phải là kỹ thuật hay sản xuất, thậm chí không dừng lại là ngành kinh tế mà là ngành tích hợp cả kinh tế, văn hóa, xã hội. Bởi vì đã có nhiều nghiên cứu, bản thân xã hội, văn hóa cũng là nguồn lực. Văn hóa, xã hội nông thôn, tri thức hóa người nông dân tạo ra cộng đồng nông dân năng động ở địa phương. Nó sẽ trở thành nguồn lực tinh thần hợp tác của người nông dân với nhau.

“Chúng ta thấy ‘manh mún, nhỏ lẻ, tự phát’ là ba từ khóa ‘lời nguyền’ của nông nghiệp; nếu trong ‘bình thường mới’ tiếp tục manh mún, nhỏ lẻ, tự phát thì vẫn là vòng luẩn quẩn,” Bộ trưởng Lê Minh Hoan thẳng thắn.

Đề cập đến câu chuyện “nhỏ nhưng không lẻ,” ông kể về cuộc trao đổi với Tiến sỹ Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch Tập đoàn Mỹ Lan rằng “làm nông nghiệp cần tích tụ, tập trung đất đai bao nhiêu đối với doanh nghiệp” và nhận được câu trả lời từ vị Tiến sỹ này là “chúng ta đang sống trong cuộc cách mạng lần thứ tư, người ta kinh doanh vận tải mà có sở hữu chiếc xe nào đâu? Như Uber, Grab, từng chiếc xe nhỏ nhưng hợp lại, kết nối thành những doanh nghiệp kinh doanh vận tải; người ta kinh doanh khách sạn lưu trú nhưng không sở hữu một khách sạn nào cả vì họ kết nối thôi.”

Từ vấn đề trên, Tư lệnh ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khẳng định “tôi sẽ làm nông nghiệp bằng tư duy như thế, bằng cách thức như thế, để đỡ xáo trộn thị trường, đỡ xáo trộn sở hữu riêng miếng đất của người nông dân.”

Theo ông, chúng ta thường nói nông nghiệp là phải sản xuất quy mô lớn, nhưng bây giờ điều đó cũng chưa chắc, nhất là do tác động của đại dịch COVID-19 vừa rồi, “do mô thức hoạt động trong xã hội mùa COVID-19 nên giờ người ta chia nhỏ ra nhiều hơn.”

Ông ví dụ như việc chia nhỏ một nhà máy lớn thành nhiều nhà máy nhỏ, nếu bị F0, họ sẽ đóng cửa một chỗ, còn những nhà máy khác vẫn hoạt động được. “Tức là họ sẽ chia nhỏ mà không theo xu thế tích tụ được, giống như trước đây Việt Nam quy hoạch những đại đô thị.

Trước bối cảnh đại dịch, các đại đô thị này cũng bị chia nhỏ và kết nối những đô thị nhỏ lại, bản chất là chia nhỏ những mô thức. Nông nghiệp cũng vậy, cũng cần có sự thay đổi để thích ứng với đại dịch”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục