Bắt đầu từ ngày mai, Trung Quốc sẽ khai trương tuyến đường sắt cao tốc dài nhất thế giới của nước này, bắt đầu đưa hành khách từ Bắc Kinh tới Quảng Châu từ tuần này và việc di chuyển sẽ chỉ mất 1/3 thời gian so với các con tàu hiện nay. Hoạt động khai trương tuyến đường sắt cao tốc với chiều dài 2.298 km nhằm chào mừng kỷ niệm sinh nhật cố Chủ tịch Mao Trạch Đông, 26/12. Di chuyển với tốc độ 300km/h, tuyến tàu mới sẽ giảm thời gian đi lại giữa thủ đô và cổng thương mại phía Nam xuống còn có 8 giờ so với 22 giờ như trước. Nhà chức trách đã đưa các phóng viên lên một con tàu cho họ trải nghiệm cảm giác đi tàu cao tốc từ Ga Tây Bắc Kinh tới thành phố Trịnh Châu nằm cách đó 693km về phía Nam. Đây cũng là tuyến đường sắt cuối cùng, vừa được xây dựng xong trên toàn tuyến. Do đạt tốc độ hơn 300km/h, đoàn tàu đẹp mắt đã băng qua các hồ nước và các con sông đóng băng trong mùa đông, các mảnh đất phủ tuyết trắng, trong một hành trình kéo dài chỉ khoảng hơn 2 tiếng mỗi chiều. Dù di chuyển với tốc độ cao hơn tàu bình thường, chuyến đi trên đoàn tàu hình viên đạn lại rất êm ái và tạo ra ít tiếng ồn trong suốt hành trình. Những chiếc ghế ngồi có chỗ tựa đầu được đặt theo hàng hai và hàng ba, ngăn cách bởi một lối đi và có thể xoay lại để các hàng ghế đối mặt với nhau. Nhà vệ sinh trên các đoàn tàu được làm từ thép không rỉ, với không gian rộng hơn một chút so với trên máy bay. Những nữ dịch vụ viên mặc đồ trắng luôn di chuyển trên khắp con tàu để phục vụ đồ uống và đồ ăn vặt. "Đây là đường ray tàu viên đạn dài nhất thế giới" - Zhou Li, một quan chức Bộ đường sắt cho AFP biết khi mô tả tuyến đường Bắc Kinh - Quảng Châu - "Đây là một trong những tuyến đường có kỹ thuật hiện đại nhất ở Trung Quốc." Tuyến đường này có 35 chặng dừng. Bên cạnh Trịnh Châu, chúng sẽ gồm các thành phố khác là Vũ Hán và Trường Sa. Các tuyến đường nối Trịnh Châu với Vũ Hán và Quảng Châu giờ đã đi vào hoạt động.
Tàu cao tốc của Trung Quốc có thể đạt vận tốc 300km/h (Nguồn: AFP)
Mạng đường sắt cao tốc của Trung Quốc mới chỉ thành lập hồi năm 2007, nhưng đã nhanh chóng trở thành lớn nhất thế giới, với tổng cộng 8.358km đường sắt vào cuối năm 2010. Con số này dự kiến sẽ tăng gấp đôi lên 16.000km trong năm 2020. Nhưng việc phát triển nó đã gặp phải nhiều vấn đề liên quan tới tham nhũng và bê bối an toàn, do phát triển quá nhanh. Một vụ đụng tàu cao tốc chết người diễn ra hồi tháng 7 năm ngoái đã làm 40 người thiệt mạng và khiến dư luận phẫn nộ. Vụ tai nạn đường sắt tồi tệ nhất ở Trung Quốc kể từ năm 2008 này đã khiến chính phủ bị chỉ trích và đã có những lời cáo buộc rằng nhà chức trách xem nhẹ vấn đề an toàn để đổi lấy việc phát triển nhanh. Các nhà chức trách nói rằng họ đã thực hiện nhiều biện pháp trước khi khai trương tuyến tàu mới để cải thiện hoạt động bảo dưỡng và kiểm tra cơ sở hạ tầng, gồm hệ thống đường ray, toa xe và các biện pháp phản ứng khẩn cấp khi có sự cố. [Tham nhũng đường sắt ở Trung Quốc: Những nỗi đau] Một tờ rơi của chính quyền gửi tới cho các phóng viên có ghi "hệ thống cứu hộ khẩn cấp và các kế hoạch phản ứng đã được thiết lập để cải thiện khả năng phản ứng khẩn cấp."
Một nhân viên soát vé trên tuyến cao tốc của Trung Quốc (Nguồn: AFP)
Đoàn tàu sẽ đi vào phục vụ trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Trung Quốc, vốn rơi vào giữa tháng Hai năm tới, khi hàng trăm triệu người sẽ di chuyển trên khắp đất nước, trong cuộc "hành hương về quê" lớn nhất vẫn diễn ra mỗi năm./.
Linh Vũ (Vietnam+)