Thị trường chứng khoán châu Á đi xuống trong phiên 30/7, khép lại một tuần giao dịch đầy biến động giữa bối cảnh việc Trung Quốc siết chặt các quy định quản lý doanh nghiệp khiến các nhà đầu tư lo ngại.
Mức sụt giảm trên thị trường châu Á trái ngược với sự lạc quan ở Phố Wall khi các nhà đầu tư đón nhận số liệu cho thấy nền kinh tế Mỹ đã trở lại quy mô trước đại dịch trong quý 2/2021, dù không như kỳ vọng.
Tuy vậy, điều này cũng đủ làm giảm sức ép lên Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong việc bắt đầu rút dần chính sách tiền tệ siêu lỏng.
[Chứng khoán châu Á tăng sau khi Fed công bố không thay đổi chính sách]
Bên cạnh đó, mặc dù các doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh khả quan, vượt kỳ vọng và dữ liệu kinh tế cho thấy sự phục hồi toàn cầu vẫn đang trên đà phát triển bất chấp số ca mắc biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19 tăng đột biệt, song những động thái siết chặt quản lý mới của Trung Quốc đối với lĩnh vực giáo dục, công nghệ và bất động sản tư nhân đã tác động mạnh đến thị trường chứng khoán châu Á trong tuần này.
Các biện pháp này, bao gồm cấm các công ty giáo dục kiếm lợi nhuận và buộc Tencent từ bỏ bản quyền âm nhạc độc quyền của mình, đã làm dấy lên lo ngại rằng số doanh nghiệp bị đưa vào “tầm ngắm” của Bắc Kinh chưa dừng lại.
Chứng khoán Hong Kong đã mất hơn 9% giá trị trong ba phiên trước những thông báo trên. Tại thị trường Trung Quốc chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 1,4% xuống 25.961,03 điểm, còn chỉ số Shanghai Composite giảm 0,4% xuống 3.397,36 điểm.
Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 giảm 1,8% xuống 27.283,59 điểm.
Chứng khoán Sydney, Seoul, Wellington, Đài Bắc, Jakarta và Manila đều nằm trong vùng âm, trong khi chứng khoán Singapore và Mumbai tăng.
Tại thị trường Việt Nam, chỉ số VN-Index tăng 1,27% lên 1.310,05 điểm, còn chỉ số HNX-Index tăng 1,25% lên 314,85 điểm./.