Trung tâm AHA phát huy tác dụng theo dõi thiên tai

Các lãnh đạo ASEAN có thể thường xuyên cập nhật để xử lý bất cứ thảm họa nhiên tai nào trong khu vực thông qua Trung tâm AHA.
Giám đốc Điều hành Trung tâm Điều phối Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) về Hỗ trợ nhân đạo và Quản lý thảm họa (AHA) Said Faisal cho biết hiện các nhà quản lý và lãnh đạo ASEAN đã có thể thường xuyên cập nhật, qua đó phối hợp xử lý bất cứ thảm họa nhiên tai nào trong khu vực thông qua Trung tâm AHA có trụ sở tại Jakarta (Indonesia).

Theo ông Said, Trung tâm AHA tập hợp, xử lý các thông tin chi tiết từ các cơ quan cảnh báo - theo dõi thiên tai và các hiện tượng thiên nhiên nguy hiểm của mười quốc gia thành viên ASEAN về động đất, núi lửa, cháy rừng, lở đất...; cung cấp những thông tin đó một cách nhanh chóng và chính xác thông qua thư điện tử và tin nhắn điện thoại tới giới chức và cơ quan chức năng mỗi nước. Từ những thông tin đó, quan chức các nước ASEAN có thể xem xét, ra quyết định xử lý và có hình thức phối hợp hỗ trợ xử lý thảm họa xảy ra. Tuy nhiên, chỉ có chính phủ của nước trực tiếp gánh chịu thiên tai mới có thẩm quyền kêu gọi giúp đỡ.

Trung tâm AHA đã tổ chức thu tin, theo dõi chặt chẽ trận động đất ngày 11/4 vừa qua tại Aceh của Indonesia qua sự phối hợp với các cơ quan chức năng Indonesia và nhiều nước khác trong khu vực. Đại sứ Mỹ tại Indonesia David Carden đánh giá, phản ứng của các nước liên quan đối với trận động đất nói trên là nhanh chóng và tất cả các nước ASEAN đều đã vào cuộc. Đây là một ví dụ về tính hữu dụng của Trung tâm AHA. Trung tâm này sẽ mang lại lợi ích cho Cộng đồng ASEAN.

[Video người dân Indonesia hoảng loạn vì động đất]


Trong khi đó, Tổng Thư ký ASEAN Surin Pitsuwan cho rằng ASEAN cần những cơ sở hạ tầng như vậy, bởi vì quản lý thảm họa đã trở thành một chương trình hành động quan trọng trong khuôn khổ Hiệp hội.

Sau thảm họa động đất – sóng thần lịch sử tại Ấn Độ Dương năm 2004, các nước ASEAN nhất trí thành lập trung tâm thông tin về thảm họa của riêng ASEAN; Qui định về vai trò chức năng của Trung tâm AHA có hiệu lực từ ngày 24/12/2009. Mỗi nước thành viên ASEAN đóng góp khoản kinh phí 30.000 USD mỗi năm cho hoạt động của trung tâm AHA. Nhật Bản đã hỗ trợ về xây dựng hạ tầng, trong khi Mỹ cung câp hệ thống kiểm soát và phản ứng thảm họa cho trung tâm này./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục