Tỷ lệ thất nghiệp Tây Ban Nha giảm song vẫn còn nhiều thách thức

Văn phòng Thống kê quốc gia Tây Ban Nha cho biết tỷ lệ thất nghiệp năm 2014 đã giảm trong năm thứ hai liên tiếp xuống 23,7%, song thị trường lao động của nước này vẫn đối mặt nhiều thách thức.
Tỷ lệ thất nghiệp Tây Ban Nha giảm song vẫn còn nhiều thách thức ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: www.ibercampus.eu)

AFP đưa tin, văn phòng Thống kê quốc gia Tây Ban Nha (BNS) ngày 22/1 cho biết tỷ lệ thất nghiệp của Xứ sở Bò tót năm 2014 đã giảm trong năm thứ hai liên tiếp xuống 23,7%, song thị trường lao động của nước này vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức trước khi phục hồi.

Tỷ lệ thất nghiệp của Tây Ban Nha trong năm 2015 đã giảm xuống từ mức 25,7% của năm 2013, và con số 23,7% là thấp hơn mức ước tính 24,2% của chính phủ nước này. Đó là nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của du lịch và xây dựng đã giúp tạo thêm nhiều việc làm.

Tính chung trong năm ngoái, nền kinh tế tạo ra thêm 433.900 việc làm. Riêng ngành dịch vụ có thêm 344.200 việc làm, công nghiệp là 98.000 và xây dựng là 40.000, nhưng số lượng lao động trong ngành nông nghiệp lại giảm 48.400.



Trong năm 2014, Tây Ban Nha đã đón lượng du khách kỷ lục là 65 triệu lượt, hỗ trợ trực tiếp cho sự phục hồi của nền kinh tế và giúp tạo thêm việc làm cho lĩnh vực dịch vụ.

Theo giáo sư kinh tế Jose Garcia Montalvo tại Đại học Pompeu Fabra ở Barcelona, mặc dù số việc làm mới hầu như là công việc tạm thời, tỷ lệ thất nghiệp cải thiện trong năm ngoái là nhờ có thêm nhiều việc làm mới được tạo ra thay vì số người tham gia lực lượng lao động giảm như trong năm 2013.

Chính phủ Tây Ban Nha dự đoán tỷ lệ thất nghiệp của nước này sẽ giảm xuống còn 22,2% đến cuối năm 2015, song dự báo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) lại “bi quan” hơn, vào khoảng 23,8%.

ILO nhận định tỷ lệ thất nghiệp của Xứ sở Bò tót sẽ duy trì ở trên 20% cho đến hết năm 2020.

Nền kinh tế lớn thứ tư của Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) có mức tăng trưởng khiêm tốn nhưng ổn định kể từ khi từng bước phục hồi vào giữa năm 2013, sau khi bong bóng bất động sản của nước này “xì vỡ” vào năm 2008 và đẩy Tây Ban Nha đến bờ vực vỡ nợ và hàng triệu người lâm vào thất nghiệp./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục