Ukraine: Phe ly khai Donetsk và Lugansk rút vũ khí hạng nhẹ

Các bên xung đột tại Ukraine gồm chính quyền Kiev và hai Cộng hòa nhân dân tự xưng Donetsk và Lugansk đã tuyên bố bắt đầu rút vũ khí hạng nhẹ.
Ukraine: Phe ly khai Donetsk và Lugansk rút vũ khí hạng nhẹ ảnh 1Xe tăng của quân ly khai tại Donetsk (Nguồn: AFP)

Ngày 3/10, một ngày sau khi kết thúc Hội nghị thượng đỉnh của "Bộ tứ Normandy" tại Paris (Pháp), các bên xung đột tại Ukraine gồm chính quyền Kiev và hai Cộng hòa nhân dân tự xưng Donetsk và Lugansk đã tuyên bố bắt đầu rút vũ khí hạng nhẹ.

Theo hãng tin TASS (Nga), đại diện của lực lượng Công an Nhân dân CH tự xưng Lugansk cho biết trong ngày 3/10, dưới sự giám sát của phái bộ Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), Lugansk đã rút 50 xe tăng khỏi đường ranh giới với khu vực do Kiev kiểm soát đưa về địa điểm lưu giữ. Tại đây các thành viên phái bộ đã kiểm tra số xe tăng này.

Về phía Kiev, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Ukraine Andriy Lysenco cho biết mọi công tác chuẩn bị rút vũ khí đã được bắt đầu từ sáng 3/10 để đến chiều cùng ngày sẽ triển khai. Ông Lysenco cũng khẳng định sau đó sẽ mời đại diện của OSCE đến thị sát số vũ khí và xe tăng được rút khỏi đường giới tuyến về nơi tập kết. Trong khi đó, CH tự xưng Donetsk cho biết chỉ bắt đầu rút vũ khí từ ngày 18/10.

Thỏa thuận rút vũ khí hạng nhẹ (dưới 100mm) đã được ký kết tại cuộc họp của Nhóm Tiếp xúc về Ukraine ngày 29/9 tại Minsk. Giai đoạn hai của quá trình rút vũ khí này sẽ kéo dài trong 41 ngày, bắt đầu từ rút xe tăng, tiếp đến pháo và súng phóng lựu.

Trước đó, ngày 2/10, các nhà lãnh đạo nhóm "Bộ tứ Normandy" gồm Đức, Pháp, Nga, Ukraine đã họp thượng đỉnh tại Paris bàn về các bước đi tiếp theo để giải quyết cuộc xung đột tại Ukraine. Tuy không ký kết được văn kiện chính thức nào song Thủ tướng Đức Angela Merkel đánh giá "Bộ tứ Normandy" hoàn toàn có thể hài lòng với kết quả của hội nghị. Bà Merkel khẳng định con đường thực hiện thỏa thuận Minsk sẽ còn nhiều gian nan nhưng việc các bên ngồi lại với nhau và thảo luận chi tiết đã là một kết quả tích cực. 

Về kết quả tại Paris, các bên đều nhất trí tuân thủ thỏa thuận Minsk trong giải quyết xung đột, song thời hạn hoàn tất sẽ bị chậm hơn so với dự định. Cuộc bầu cử địa phương tại các vùng đòi độc lập cũng sẽ phải lui lại đến sang năm 2016.

Thủ tướng Đức cũng cho biết, tại Paris các bên đã giải quyết được một số vấn đề liên quan đến luật về quy chế đặc biệt, luật ân xá, cải cách hiến pháp, luật về bầu cử và thời hạn tiến hành. Tới đây các vấn đề này sẽ được nhất trí ở tiểu nhóm chính trị của Nhóm Tiếp xúc cùng với đại diện của Donetsk và Lugansk./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục