Vai trò của Ngân hàng Chính sách Xã hội đẩy lùi 'tín dụng đen'

Ngân hàng Chính sách Xã hội với vai trò là cầu nối giữa vốn ưu đãi với từng hộ nghèo sẽ có những giải pháp gì trong bối cảnh tín dụng đen đang âm thầm len lỏi tại nhiều vùng quê.
Vai trò của Ngân hàng Chính sách Xã hội đẩy lùi 'tín dụng đen' ảnh 1Một buổi giao dịch giải ngân vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội tại điểm giao dịch phường Hà Tu, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Hạn chế, đẩy lùi tín dụng đen vẫn là vấn đề lớn của ngành ngân hàng. Vậy Ngân hàng Chính sách Xã hội với vai trò là cầu nối giữa vốn ưu đãi với từng hộ nghèo sẽ có những giải pháp gì trong bối cảnh tín dụng đen đang âm thầm len lỏi tại nhiều vùng quê.

Dưới đây là những chia sẻ của ông Nguyễn Văn Lý, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội với phóng viên TTXVN xung quanh câu chuyện này.

- Thưa ông, hiện nay tình trạng tín dụng đen vẫn đang hoành hành tại nhiều vùng quê. Ông đánh giá như thế nào về vai trò của vốn chính sách đối với khu vực nông thôn, đặc biệt trong bối cảnh câu chuyện tín dụng đen vẫn đang là chủ đề nóng?

Ông Nguyễn Văn Lý: Ngân hàng Chính sách Xã hội là công cụ của Chính phủ để thực hiện tín dụng chính sách cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Trong những năm qua, Ngân hàng Chính sách Xã hội đã đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác để tạo sinh kế, việc làm và đáp ứng nhu cầu thiết yếu trong đời sống, với độ phủ rộng, đặc biệt là khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Trong số đó, có trên 85% dư nợ cho vay để phát triển lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân.

Trong 16 năm qua, đã có trên 34 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn chính sách với tổng doanh số cho vay đạt gần 507 nghìn tỷ đồng, góp phần giúp hơn 5 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho hơn 3,7 triệu lao động; hơn 3,6 triệu lượt học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 11 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, gần 700 nghìn căn nhà ở cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách…

Thông qua vốn tín dụng chính sách, người nghèo và các đối tượng chính sách khác có điều kiện để mua sắm tư liệu sản xuất, tạo sinh kế, việc làm, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống; có kinh phí để trang trải các chi phí đáp ứng nhu cầu thiết yếu của cuộc sống như chi phí học tập cho con em, xây nhà ở, công trình nước sạch, vệ sinh môi trường. Từ đó, góp phần hạn chế tình trạng vay nặng lãi hoặc phải mua chịu vật tư, vật liệu, phân bón với giá cao, bán non các sản phẩm cho tư thương với giá thấp.

Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần tích cực ổn định trong các cộng đồng dân cư thông qua hoạt động của các tổ tiết kiệm vay vốn, sự tương trợ giúp đỡ lẫn nhau của các tổ viên.

Với những kết quả trên, tín dụng chính sách xã hội đã góp phần tích cực và là một trong những điểm sáng trong các chính sách giảm nghèo, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.

Đồng thời có tác dụng trực tiếp hạn chế sự tác động tiêu cực của tín dụng đen đến đời sống hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tại các vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Vai trò của Ngân hàng Chính sách Xã hội đẩy lùi 'tín dụng đen' ảnh 2Quảng cáo cho vay lãi suất thấp được dán chằng chịt trên tường bê tông, các khu dân cư, phường Tân An, thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk. (Ảnh: Phạm Cường/TTXVN)

- Xin ông cho biết những nỗ lực của Ngân hàng Chính sách xã hội nhằm đưa vốn đến tay người dân nhanh nhất, thuận lợi nhất?

Ông Nguyễn Văn Lý: Trong thời gian qua, Ngân hàng Chính sách Xã hội đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ của mình trong việc đưa nguồn vốn tín dụng chính sách đến các đối tượng thụ hưởng tới 100% các xã, phường, thị trấn trên toàn quốc, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được thụ hưởng tín dụng chính sách ưu đãi của Đảng và Chính phủ.

Chúng tôi đã thiết lập mô hình tổ chức, phương thức quản lý vốn tín dụng chính sách xã hội và cách thức tác nghiệp đặc thù, hiệu quả, phù hợp với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Cùng với đó, thực hiện cách thức tác nghiệp sáng tạo để phục vụ tốt nhất cho hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách khác. Đó là tổ chức giao dịch tại các điểm giao dịch đặt tại trụ sở Ủy ban Nhân dân cấp xã; phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị-xã hội thành lập các tổ tiết kiệm vay vốn tại cấp thôn.

Hiện nay, Ngân hàng Chính sách Xã hội thực hiện tổ chức giao dịch tại gần 11 nghìn điểm giao dịch xã trên toàn quốc và thành lập gần 182 nghìn tổ tiết kiệm vay vốn hoạt động tại 100% các thôn, ấp…

Từ đó giúp người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách tiếp cận tín dụng chính sách xã hội của Nhà nước thuận lợi, tiết giảm chi phí giao dịch đi lại; thực hiện quy chế dân chủ, công khai và tăng cường sự giám sát của chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị-xã hội và của toàn xã hội trong việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội.

[Quyết liệt không để người dân rơi vào bẫy ''tín dụng đen'']

Bên cạnh đó, hồ sơ, thủ tục cho vay vốn của Ngân hàng Chính sách Xã hội đảm bảo đơn giản, dễ thực hiện, phù hợp với trình độ của hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách khác.

Người nghèo và các đối tượng chính sách khác khi vay vốn được hưởng ưu đãi về lãi suất cho vay, thời hạn cho vay dài, không phải thế chấp tài sản và được miễn lệ phí làm thủ tục hành chính khi vay vốn; được phục vụ ngay tại điểm giao dịch xã và có một số nghiệp vụ được phục vụ tại nhà như thu lãi, thu tiền gửi; hưởng ưu đãi về xử lý nợ khi gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan.

- Trong năm 2019, Ngân hàng Chính sách xã hội có những giải pháp nào để tiếp tục thực hiện các chính sách của Chính phủ, giúp các đối tượng chính sách tiếp cận vốn thuận lợi nhất, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Lý: Đến nay, Quốc hội, Chính phủ đã khẳng định tín dụng chính sách xã hội là một trong những trụ cột quan trọng trong các chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước, góp phần đẩy lùi tín dụng đen là nhiệm vụ chính trị quan trọng của Ngân hàng Chính sách Xã hội trong năm 2019.

Năm 2019, chúng tôi tiếp tục tập trung thực hiện tốt chỉ tiêu kế hoạch các chương trình tín dụng chính sách xã hội được Thủ tướng Chính phủ giao với mức tăng trưởng dư nợ tín dụng dự kiến trên 11%, tổng doanh số cho vay trong năm 2019 sẽ đạt trên 70 nghìn tỷ đồng.

Nguồn vốn tập trung vào các chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ dân tộc thiểu số, học sinh sinh viên, nhà ở hộ nghèo, nhà ở xã hội… nhằm phát huy hơn nữa hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội, góp phần đẩy lùi và ngăn chặn nạn tín dụng đen.

Ngân hàng Chính sách Xã hội cũng sẽ tổ chức rà soát các chương trình tín dụng chính sách xã hội để tham mưu cấp có thẩm quyền xem xét điều chỉnh đối tượng cho vay, mức cho vay, lãi suất cho vay, thời hạn cho vay phù hợp với thực tiễn để người dân có đủ vốn thực hiện các dự án sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả.

Cùng với đó, tiếp tục đơn giản hóa thủ tục vay vốn, niêm yết công khai, minh bạch quy trình, thủ tục cho vay tại các điểm giao dịch xã. Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nghiệp vụ để tiếp tục nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng, nhất là tại các điểm giao dịch xã.

Chúng tôi cũng sẽ phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị-xã hội nhận ủy thác tuyên truyền cho nhân nhân về tác hại của tín dụng đen cũng như nắm bắt, phản ánh kịp thời thực trạng tín dụng đen trên địa bàn để cùng chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng có giải pháp ngăn chặn, đẩy lùi tín dụng đen.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục