VCCI: Tái cơ cấu kinh tế tác động trực tiếp 'nồi cơm' của doanh nghiệp

Việc tái cơ cấu khi xuất hiện những 'triệu chứng' thuộc về hạ tầng cơ sở sẽ tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến kết quả hoạt động hàng ngày của doanh nghiệp.
VCCI: Tái cơ cấu kinh tế tác động trực tiếp 'nồi cơm' của doanh nghiệp ảnh 1Các doanh nghiệp tích cực khôi phục xuất khẩu, tháo gỡ khó khăn do COVID-19. (Ảnh: TTXVN)

Để đạt được các mục tiêu phát triển đất nước trong thập kỷ tới, quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng trong giai đoạn 2021-2025 cần được đẩy nhanh hơn và thực sự bứt phá.

Cụ thể, Việt Nam muốn đạt mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và quốc gia thu nhập cao vào năm 2045, tốc độ tăng năng suất lao động ít nhất phải đạt 6,5% hàng năm, cao hơn so với kết quả đạt được giai đoạn 2016-2020 là 5,8%.

Nội dung trên được ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh Diễn đàn "Tái cấu trúc nền kinh tế giai đoạn 2021 -2025: Những vấn đề đặt ra với doanh nghiệp" do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức ngày 14/12.

Nhiều thách thức đặt ra

Ông Phòng chỉ ra một thực tế là khu vực kinh tế tư nhân phát triển chưa tương xứng với quy mô và độ mở của nền kinh tế đất nước, đồng thời mức độ phụ thuộc vào khu vực kinh tế nước ngoài chưa giảm.

Trong khi đó, các quy định hiện hành còn tồn tại nhiều bất cập, đang gây khó khăn cho việc thực hiện hiệu quả các giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. 

Thêm vào đó, việc cải cách thể chế kinh tế và thực hiện các chương trình cơ cấu lại nền kinh tế chưa được tiến hành một cách nhất quán, toàn diện, đủ rộng và đủ mạnh của kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại để hình thành một cơ cấu kinh tế hợp lý và năng động hơn.

Mặt khác, đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, trên thế giới xuất hiện các xu hướng mới về dịch chuyển đầu tư, thương mại, chuyển đổi số và sự thay đổi nhanh chóng của các mô hình kinh doanh, phương thức sản xuất, tiêu dùng…

VCCI: Tái cơ cấu kinh tế tác động trực tiếp 'nồi cơm' của doanh nghiệp ảnh 2Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI phát biểu tại diễn đàn. (Ảnh: VCCI)

Theo ông Phòng, đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức cho quá trình tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam.

“Về góc độ doanh nghiệp, việc tái cơ cấu nền kinh tế cũng cần quan tâm, đồng thời phải đặt mình trong vai trò chủ động. Bởi, môi trường kinh doanh còn có yếu tố chưa ổn định và đặc biệt là sự bất ổn do đại dịch toàn cầu đưa tới, nên doanh nghiệp cần thích ứng và có điều chỉnh phù hợp,” ông Phòng nói.

Cụ thể, việc tái cơ cấu khi xuất hiện những “triệu chứng” thuộc về hạ tầng cơ sở sẽ liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến kết quả hoạt động hàng ngày của doanh nghiệp, như thị phần đang bị thu hẹp làm doanh số sụt giảm, công nợ,  chi phí sử dụng vốn tăng... đồng thời liên quan tới những vấn đề cốt lõi của doanh nghiệp như mục tiêu, tầm nhìn và định hướng chiến lược, triết lý kinh doanh, giá trị cốt lõi và văn hóa doanh nghiệp.

Phân bổ nguồn lực hiệu quả

TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, nhấn mạnh kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế 2021-2025 là sự tiếp nối của giai đoạn 2016-2020.

Tuy nhiên, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn này có nhiều điểm khác so với giai đoạn trước. Cụ thể, kế hoạch lần này đã thống nhất quan điểm cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng để đảm bảo ổn định vĩ mô, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh. Đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam thực hiện cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 với nhiều đột phá liên quan đến khoa học công nghệ.

Bà Trần Thị Hồng Minh cho rằng: “Việt Nam cần phát triển nền kinh tế và sức cạnh tranh dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đây là một điểm hoàn toàn mới so với các văn bản trước khi góp phần phục hồi và phát triển nền kinh tế trong giai đoạn tiếp theo, đặc biệt trong bối cảnh đối diện với đại dịch COVID-19.”

Hơn nữa, những tác động của dịch bệnh lên nền kinh tế trong thời gian qua đã cho thấy những bất cập và khó khăn khi thiếu vắng các thể chế tạo động lực cho liên kết vùng, liên kết ngành nghề. Do đó, kế hoạch tái cơ cấu lần này đòi hỏi phải chú trọng tới sự gắn kết, tạo động lực phát triển kinh tế vùng đồng thời tạo ra lực đẩy cho vùng kinh tế đô thị.

Để thực hiện hiệu quả kế hoạch tái cơ cấu giai đoạn mới, bà Minh nhấn mạnh cần phải huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực hiệu quả. Trong đó, nguồn lực bên trong là chiến lược, cơ bản, lâu dài và quyết định…

Chỉ ra nhiệm vụ trọng tâm của kế hoạch 2021-2025 là tạo ra khuôn khổ thể chế và môi trường kinh doanh thuận lợi cho sự phát triển lực lượng doanh nghiệp, bà Minh khẳng định bên cạnh những hỗ trợ trực tiếp, hỗ trợ thể chế cho doanh nghiệp là quan trọng nhất. /.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục