Theo CNN, trong khi một số tỷ phú mua lại tòa soạn báo, tạp chí và các câu lạc bộ thể thao, tỷ phú Elon Musk lại đang cố gắng mua một mạng xã hội mà bản thân ông thừa nhận có thể khiến nhiều người không ưa ông.
Tại sao người đàn ông giàu nhất thế giới - người đang điều hành nhiều công ty với những mục tiêu đầy tham vọng như đưa con người lên sao Hỏa - lại muốn mua nền tảng truyền thông xã hội Twitter?
Ngày 14/4, ông Musk đề nghị trả hơn 41 tỷ USD để mua lại 100% số cổ phiếu của Twitter, tương đương với 54,2 USD/cổ phiếu. Giá cổ phiếu của Twitter đóng cửa phiên ngày 18/4 ở mức 48,45 USD.
Trong bức thư gửi Chủ tịch Twitter, ông Bret Taylor, tỷ phú Musk viết: "Đây là đề nghị cuối cùng và tốt nhất của tôi. Nếu không được chấp thuận, tôi sẽ xem xét lại vị thế cổ đông của mình." Hiện ông Musk đang nắm giữ 9,2% cổ phiếu của Twitter và là cổ đông lớn nhất mạng xã hội này.
Những ngày qua, ông Musk đã nhấn mạnh mục tiêu của ông là thúc đẩy quyền tự do ngôn luận trên Twitter, "mở khóa tiềm năng phi thường" của mạng xã hội này. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng vị tỷ phú người Mỹ gốc Nam Phi này chỉ đang tìm cách gây chú ý.
Có nhiều câu hỏi xung quanh hành động của ông Musk gần đây. Khi tỷ phú Mỹ hé lộ ông trở thành cổ đông lớn nhất của Twitter, nhận vị trí trong ban lãnh đạo, nhưng rồi lập tức thông báo sẽ không tham gia vào ban lãnh đạo và đăng các dòng trạng thái cho rằng mạng xã hội này có thể đang “chết dần.”
Jenna Golden, nguyên là một nhà quản lý của Twitter giai đoạn 2012-2017, cho rằng nhiều nhân viên làm việc lâu năm ở Twitter tin tưởng lãnh đạo công ty sẽ giải quyết được những bất ổn đang vây quanh công ty, nhưng thái độ thay đổi liên tục của ông Musk khiến họ khó lòng tập trung làm việc.
Công ty dường như đang chuẩn bị tâm thế sẵn sàng cho một thương vụ mua lại đầy kịch tính, theo nguồn tin của The New York Times. Một phương án trong đó là áp dụng chiến thuật phòng thủ "viên thuốc độc" nhằm đối phó nguy cơ bị thâu tóm. Twitter sẽ cho phép các cổ đông mua lại cổ phần với giá rẻ nhằm giảm tỷ lệ sở hữu của ông Musk, và có thể buộc ông ngồi vào bàn thương lượng.
[Tỷ phú Elon Musk chuẩn bị 46,5 tỷ USD để mua lại Twitter]
Mặc dù vậy, có quan điểm nghi ngờ liệu ông Musk, một doanh nhân thành đạt nhưng đôi khi hành động “thất thường,” có thực sự nghiêm túc trong việc hoàn tất thỏa thuận mua lại Twitter hay không. Mặc dù là người đàn ông giàu nhất thế giới, nhưng ông Musk khó có thể có đủ số tiền cho thỏa thuận trị giá 43 tỷ USD. Bản thân ông đã thừa nhận trong hội thảo TED tại New York hôm 14/4 rằng: "Tôi không chắc mình thực sự có khả năng mua lại Twitter."
Cổ phiếu của Twitter hầu như không thay đổi quá nhiều sau khi thông tin liên quan đến thương vụ mua lại được công bố, điều đó cho thấy sự hoài nghi của nhà đầu tư về việc thỏa thuận liệu có thể được thực hiện hay không.
Trong lá thư gửi ban lãnh đạo Twitter, tỷ phú này cảnh báo sẽ "xem xét lại vị thế cổ đông" nếu hội đồng quản trị của Twitter từ chối đề xuất mua lại, động thái có thể khiến cổ phiếu Twitter lao dốc. Ông cũng ám chỉ khả năng gây khó dễ cho ban lãnh đạo công ty nếu họ tìm cách chống lại đề nghị của ông. Ông Musk nói trên Twitter rằng nếu hội đồng quản trị Twitter hiện tại có những hành động trái ngược với lợi ích của cổ đông, họ sẽ vi phạm nghĩa vụ của mình.
Tuy nhiên, thương vụ đầy nghi ngờ này đã chính thức khép lại khi ngày 25/4, Twitter chấp nhận đề nghị mua lại của tỷ phú Musk với mức giá 54,2 USD/cổ phiếu, qua đó định giá nền tảng truyền thông xã hội này ở mức 44 tỷ USD và trở thành công ty thuộc sở hữu riêng của tỷ phú này.
Trong sự kiện TED, ông Musk nhấn mạnh rằng đề xuất mua lại Twitter là cách để ông “bảo vệ tương lai của nền văn minh” chứ không phải để kiếm tiền. Ông muốn biến thuật toán của Twitter thành mã nguồn mở và tăng tính minh bạch với người dùng. Ông cũng mong muốn mạng xã hội này có chính sách quản lý nội dung mềm mỏng hơn, hạn chế những lệnh cấm sử dụng vĩnh viễn.
Trước đó, ông Musk ngày 9/4 cũng nêu ra một số điểm cần thay đổi đối với dịch vụ đăng ký trả phí mới của Twitter là Twitter Blue, bao gồm việc giảm giá, cấm quảng cáo và cung cấp sự lựa chọn thanh toán bằng đồng Dogecoin (DOGE) - một loại tiền điện tử hay tiền tệ kỹ thuật số phát triển dựa trên nền tảng Litecoin.
Tuy nhiên, không rõ là các kế hoạch của ông Musk có khác nhiều so với chiến lược hiện nay của Twitter hay không. Mặc dù thuật toán của Twitter hiện không phải là mã nguồn mở, song các nhà quản lý đã bày tỏ sự ủng hộ đối với việc phát triển theo hướng này. Twitter cũng đã gắn nhãn các dòng trạng thái, thay vì xóa hoàn toàn, mà có nội dung thường được coi là “có vấn đề”, ví dụ như thông tin sai lệch.
Thậm chí có ý kiến gợi ý rằng thương vụ mua lại Twitter của ông Musk liên quan nhiều hơn đến "đánh bóng" hình ảnh và duy trì tiếng nói của mình trên nền tảng mạng xã hội yêu thích của ông ấy. CEO của "người khổng lồ" xe điện Tesla này hiện có hơn 80 triệu người theo dõi trên mạng xã hội Twitter kể từ khi tham gia năm 2009.
Theo David Trainer, CEO công ty nghiên cứu New Constructs, "đây dường như là nỗ lực thu hút chú ý của Musk. Ông ấy mua Twitter vì đó là nơi ông ấy nổi tiếng nhất."
Khi trả lời một câu hỏi trên Twitter rằng liệu người dùng có cần một mạng xã hội mới hay không, ông Musk đã nói rằng ông "nghiêm túc suy nghĩ" về việc xây dựng một nền tảng truyền thông xã hội mới, đồng thời cho biết ông có thể kêu gọi vốn để xây dựng nền tảng cạnh tranh với Twitter nếu không mua lại được công ty.
Nhà phân tích Ali Mogharabi của công ty tư vấn đầu tư Morningstar Senior Equity chỉ ra rằng, việc thu hút "hàng triệu người dùng hoạt động hàng ngày, như Twitter đã làm vào cuối năm 2021, là một nhiệm vụ không hề dễ dàng.
Lấy ví dụ, nền tảng truyền thông xã hội mới của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump là Truth Social, vốn đã gặp rất nhiều khó khăn khi ra mắt. Thực tế này cho thấy nhìn chung người dùng Internet không thực sự mặn mà với một nền tảng mới, cho dù đi kèm tuyên bố là một nền tảng tự do ngôn luận thay thế cho các “người khổng lồ” công nghệ (Big Tech).
Cô Golden, cựu nhân viên Twitter cho biết, nếu ông Musk mua lại Twitter, mọi thứ có thể thay đổi, từ chính sách nền tảng đến văn hóa doanh nghiệp. Cô cho biết: "Ông ấy (Elon Musk) là người cực kỳ khó đoán, điều đó dẫn tới viễn cảnh xuất hiện nhiều hỗn loạn và lo lắng trong nội bộ công ty. Văn hóa của Twitter gắn liền với sự thân thiện, nhưng điều đó có thể bị đặt dấu hỏi nếu như ông Musk điều hành công ty"./.