Việt Nam có tới 200.000 người bị đột quỵ mỗi năm

Mỗi năm trên thế giới có 5 triệu người bị tai biến mạch máu não, tại Việt Nam mỗi năm có 200.000 người bị đột quỵ bởi tai biến này.
Tại Lễ phát động phòng chống bệnh đột quỵ, tổ chức ngày 4/10 ở Thành phố Hồ Chí Minh, giáo sư-tiến sỹ Lê Văn Thành, Chủ tịch Hội Phòng chống Tai biến mạch máu não đã dẫn chứng tài liệu quốc tế cho biết mỗi năm có 5 triệu người bị tai biến mạch máu não, trong đó tại Việt Nam là 200.000 người.

Hiện trên thế giới, cứ 40 giây có một người bị đột quỵ và bệnh này là nguyên nhân tử vong đứng hàng thứ ba chỉ sau tim mạch và ung thư.

Theo giáo sư Thành, đột quỵ hoặc tai biến mạch máu não là tình trạng bệnh lý biểu hiện bởi các triệu chứng thần kinh (thường gặp nhất là liệt nửa người, méo miệng, nói đớ…) xảy ra đột ngột; tương ứng với tổn thương cục bộ hệ thần kinh trung ương do rối loạn tuần hoàn não (tắc-vỡ mạch máu não).

Theo một nghiên cứu, Việt Nam hiện có 77 bệnh viện đa khoa trên 64 tỉnh, thành nhận điều trị tai biến mạch máu não, 100% có khoa cấp cứu và hồi sức, 50% có khoa thần kinh, 82% có CT cắt lớp vi tính và MRI (cộng hưởng từ). Tuy nhiên cả nước chỉ mới có 16 đơn vị - trung tâm đột quỵ cho hơn 80 triệu dân.

Giáo sư Thành nhận định đây là một con số khá khiêm tốn.

Giáo sư cho biết, bệnh nhân bị đột quỵ dù không tử vong nhưng nếu mức độ tàn tật trung bình thì coi như mất đi lao động. Còn nếu di chứng nặng phải phụ thuộc vào người khác, gia đình sẽ phải mất thêm một người chăm sóc.

Theo giáo sư, bệnh nhân bị đột quỵ có thể phòng ngừa được nếu vận động cơ thể và tập thể dục thường xuyên, ăn uống điều độ, hạn chế rượu, bia, thuốc lá./.

Gia Thuận (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục