Năm 2017 có ý nghĩa đặc biệt với quan hệ Việt Nam-Lào khi người dân hai nước tưng bừng tổ chức hàng loạt hoạt động kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1962-2017) và 40 năm ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác (1977-2017).
Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, dù tình hình thế giới có rất nhiều thay đổi, song dưới sự lãnh đạo của hai đảng, nhân dân Việt Nam và nhân dân Lào vẫn chung lòng chung sức, kề vai sát cánh trong công cuộc đấu tranh giải phóng và thống nhất đất nước cũng như trong sự nghiệp xây dựng và phát triển của mỗi nước.
Là hai nước láng giềng núi sông liền một dải, quan hệ gắn kết anh em giữa hai dân tộc đã được hình thành và củng cố cùng bề dầy lịch sử dựng nước và giữ nước. Đặc biệt trong nhiều thập kỷ qua, mối quan hệ truyền thống tốt đẹp, sự gắn bó thủy chung giữa nhân dân hai nước đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Kaysone Phomvihane và Chủ tịch Suphanuvong đặt nền móng, được các thế hệ lãnh đạo của hai đảng, hai nhà nước, nhân dân hai nước dày công vun đắp, được tôi luyện qua nhiều thử thách và được hun đúc bằng công sức và xương máu của bao thế hệ các anh hùng liệt sỹ, để trở thành tài sản vô giá của hai dân tộc.
55 năm trước, sau khi Hiệp định Geneva về Lào được ký kết, Việt Nam và Lào đã nhất trí thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 5/9/1962, mở ra một chương mới trong sự nghiệp củng cố và phát triển hơn nữa mối quan hệ giữa hai nước.
[Thủ tướng Lào: Mối quan hệ hai nước Việt-Lào là tài sản vô giá]
Trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và giành độc lập của mỗi nước, sự gắn bó khăng khít, sự hỗ trợ, giúp đỡ vô tư, chí tình, chí nghĩa giữa hai nước, hai dân tộc Việt Nam và Lào, đã trở thành sức mạnh vô song và là nhân tố quan trọng góp phần đưa cách mạng hai nước đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, tiến tới thắng lợi hoàn toàn vào năm 1975.
Bước vào thời kỳ mới - thời kỳ hòa bình, xây dựng đất nước, nhận thức sâu sắc về ý nghĩa và mối quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào, ngày 18/7/1977, hai nước đã ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác, khẳng định tình đoàn kết đặc biệt trước sau như một, hợp tác, ủng hộ, giúp đỡ lẫn nhau trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước.
Đây là văn kiện có ý nghĩa lịch sử trọng đại, đánh dấu bước phát triển mới, toàn diện của mối quan hệ đặc biệt Việt-Lào, là cơ sở pháp lý vững chắc cho việc tăng cường và mở rộng mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước trong thời kỳ mới; tạo cơ sở để hai nước thúc đẩy ký kết hàng loạt các thỏa thuận hợp tác sau này.
Sau khi ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác, quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào không ngừng được củng cố, đổi mới và phát triển sâu rộng. Nội dung hợp tác thêm thực chất, hiệu quả hợp tác liên tục được nâng cao và tăng cường trên tất cả các lĩnh vực. Quan hệ chính trị được thúc đẩy mạnh mẽ, ngày càng gắn bó tin cậy, hai bên đã phối hợp tổ chức tốt các chuyến thăm, các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao hai đảng, hai nước.
Hợp tác quốc phòng-an ninh giữa Việt Nam và Lào tiếp tục được củng cố chặt chẽ. Hai nước đã ký 2 văn kiện pháp lý quan trọng là “Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới” và “Hiệp định về quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới trên đất liền giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào.”Việc hoàn thành hệ thống mốc quốc giới đã góp phần hoàn thành chất lượng đường biên giới Việt Nam-Lào cả về pháp lý và thực tiễn.
Về hợp tác kinh tế, trong thời gian qua, với tinh thần đưa quan hệ hợp tác kinh tế hai nước đi vào thực chất hơn nữa, trong chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới Lào vào tháng 4 và tại Kỳ họp lần thứ 39 Ủy ban liên chính phủ, hai nước đã ký kết nhiều văn kiện hợp tác quan trọng, như Thỏa thuận về hợp tác đầu tư quản lý và khai thác cảng Vũng Áng (cầu cảng 1,2,3); Thỏa thuận thành lập công ty liên doanh đầu tư dự án xây dựng đường dây tải điện 500 Kv Lào-Việt Nam; Thỏa thuận về đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Vientiane-Thà Khẹc-Mụ Giạ-Tân Ấp-Vũng Áng...
Hai bên cũng nhất trí cùng phối hợp triển khai có hiệu quả Hiệp định thương mại giữa hai chính phủ ký ngày 3/3/2015 và Hiệp định thương mại biên giới giữa hai chính phủ ký ngày 27/6/2015; ưu tiên việc kết nối hai nền kinh tế, nhất là kết nối về thể chế, hạ tầng giao thông, năng lượng và du lịch...
Các thỏa thuận hợp tác này cùng với thỏa thuận dự án cao tốc Vientiane-Hà Nội có ý nghĩa hết sức quan trọng, mang lại lợi ích chính trị, kinh tế, xã hội, phát huy tối đa lợi thế về vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên của hai nước, đặc biệt là tiềm năng về vị trí trung tâm trên đất liền của Lào và tiềm năng biển của Việt Nam.
Trao đổi thương mại giữ một vị trí quan trọng trong quan hệ song phương và có xu thế tăng liên tục trong nhiều năm gần đây, từ 422 triệu USD năm 2008 lên 1,12 tỷ USD năm 2015. Năm ngoái, kim ngạch thương mại hai nước đạt 801 triệu USD, trong đó nhập khẩu của Việt Nam từ Lào đạt 342 triệu USD và xuất khẩu từ Việt Nam sang Lào đạt 459 triệu USD.
Hai nước đang phấn đấu nâng chỉ số này tăng thêm 10% trong năm nay. Trong lĩnh vực đầu tư, tính tới thời điểm hiện tại, Việt Nam là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 3 tại Lào với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 3,7 tỷ USD trên 408 dự án được cấp phép.
Nhiều dự án đầu tư có hiệu quả, sản xuất kinh doanh có lãi, đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển của hai nước, tạo nhiều công ăn việc làm, giúp nâng cao đời sống của người dân Lào và được phía Lào đánh giá cao.
Hợp tác giáo dục-đào tạo và phát triển nguồn nhân lực luôn là lĩnh vực ưu tiên trong quan hệ hợp tác Việt-Lào. Hai nước đã xây dựng và triển khai “Đề án nâng cao chất lượng và hiệu quả hợp tác Việt Nam - Lào trong lĩnh vực giáo dục và phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2011-2020,” coi đây là cơ sở để phát triển nguồn nhân lực hai nước, góp phần thực hiện thắng lợi công cuộc phát triển kinh tế, xã hội của mỗi nước.
Trong năm học 2015-16, Việt Nam tiếp tục dành cho Lào 1.000 suất học bổng và Lào dành cho Việt Nam 60 suất học bổng. Hiện nay có hơn 14.000 cán bộ, sinh viên Lào học tập tại Việt Nam, trong khi Việt Nam cũng có gần 300 cán bộ, sinh viên đang theo học tại Lào...
Đánh giá về hợp tác giữa Việt Nam-Lào trong 55 năm qua, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith cho biết ông rất hài lòng với sự hợp tác giữa hai nước ở cả lĩnh vực hợp tác song phương cũng như trên trường quốc tế, đồng thời bày tỏ tin tưởng trong tương lai, hai nước Lào và Việt Nam anh em sẽ tiếp tục cùng tiến lên phía trước, không để bất cứ điều gì có thể cản trở, phá hỏng mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước.
Nguyên Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Choummaly Sayasone nhấn mạnh: “Tôi cho rằng tình đoàn kết thủy chung son sắc giữa hai nước là yếu tố quyết định sự thành công của hai nước Lào và Việt Nam, trong hoàn cảnh nào, hai nước Lào-Việt Nam chúng ta cũng luôn phải sát cánh bên nhau, bởi vận mệnh của hai nước là không thể tách rời.”
Trong chuyến thăm hữu nghị chính thức Lào vào cuối tháng 11/2016 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các nhà lãnh đạo Lào cũng thống nhất nhận thức và khẳng định, mối quan hệ đoàn kết gắn bó đặc biệt Việt Nam-Lào là tài sản vô giá, là quy luật sống còn, là nhân tố không thể thiếu đối với thắng lợi của hai đảng và nhân dân hai nước trong cuộc đấu tranh giành, giữ và bảo vệ nền độc lập, tự do trước đây cũng như công cuộc xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Trong bối cảnh thế giới đang diễn biến phức tạp, mỗi nước cũng đang trong giai đoạn quan trọng của sự phát triển, dù ở hoàn cảnh cảnh nào, hai đảng, hai nước và nhân dân hai nước cũng trước sau như một, quyết tâm gìn giữ mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững, đưa quan hệ ngày càng đi vào chiều sâu, chất lượng, hiệu quả.
Nhìn lại chặng đường lịch sử hào hùng 55 năm qua, đặc biệt qua 40 năm thực hiện Hiệp ước hữu nghị và hợp tác, nhân dân Việt Nam và Lào có thể hoàn toàn tự hào về mối quan hệ thủy chung trong sáng, đoàn kết đặc biệt và hiếm có giữa hai dân tộc anh em.
Với những gì đã có trong quá khứ cùng với sự quyết tâm và nỗ lực của lãnh đạo và người dân hai nước, quan hệ hữu nghị truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện giữa hai đảng, hai nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam-Lào chắc chắn sẽ có những bước phát triển mới, năng động, hiệu quả, thiết thực, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân hai nước là xây dựng thành công nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh và xây dựng thành công nước Lào hòa bình, độc lập, dân chủ, thống nhất và phồn vinh, đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới./.