Việt Nam mong muốn phát triển quan hệ với Italy đi vào chiều sâu

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Việt Nam mong muốn phát triển quan hệ Việt Nam-Italy đi vào chiều sâu và hiệu quả.
Việt Nam mong muốn phát triển quan hệ với Italy đi vào chiều sâu ảnh 1Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng nước Cộng hòa Italy Matteo Renzi trao đổi về tình hình trên biển Đông. (Ảnh: Đức Tám/TTXVN)

Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng nước Cộng hòa Italy Matteo Renzi đã thăm chính thức Việt Nam từ ngày 9-10/6.

Chiều 9/6, tại buổi hội đàm giữa hai Thủ tướng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhiệt liệt chào mừng Thủ tướng Matteo Renzi thăm chính thức Việt Nam; Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao ý nghĩa chuyến thăm đầu tiên của một Thủ tướng Italy tới Việt Nam kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1973, đánh dấu bước phát triển mới trong quan hệ Đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Italy.

Hai bên đã thông báo cho nhau về tình hình mỗi nước và nhất trí trao đổi về các phương hướng, biện pháp nhằm củng cố và thúc đẩy quan hệ song phương theo thiết thực, hiệu quả.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, với chủ trương kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế và khu vực, Việt Nam luôn coi trọng vai trò, vị trí của Italy ở châu Âu và trên thế giới và mong muốn phát triển quan hệ Việt Nam-Italy đi vào chiều sâu và hiệu quả theo tinh thần của Tuyên bố chung về việc thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược.

Thủ tướng Matteo Renzi chân thành cảm ơn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và phía Việt Nam đã dành cho Đoàn sự đón tiếp thân tình, nồng hậu; đánh giá cao những thành tựu to lớn về mọi mặt của Việt Nam trong công cuộc phát triển; khẳng định Italy luôn coi trọng và mong muốn thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược với Việt Nam, nước có vai trò quan trọng tại khu vực Đông Nam Á và trong ASEAN.

Trao đổi về quan hệ song phương, hai bên nhất trí đánh giá quan hệ chính trị, ngoại giao và hợp tác kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học-công nghệ giữa hai nước thời gian qua đã phát triển tích cực, đặc biệt là việc hai nước chính thức nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Italy của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tháng 1/2013; khẳng định hai bên sẽ cùng nhau đưa mối quan hệ tốt đẹp này phát triển tương xứng với tiềm năng và mong muốn của hai bên.

Trên tinh thần đó, hai bên đã thống nhất tiếp tục tăng cường trao đổi đoàn các cấp; nhất trí phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hai chiều hiện ở mức 3,5 tỷ USD lên trên 5 tỷ USD trong hai năm tới, tạo điều kiện để doanh nghiệp hai nước kết nối đối tác, tăng cường hợp tác kinh tế trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là các lĩnh vực Italy có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như: cơ khí chế tạo, dệt may, da giày, chế biến gỗ, công nghiệp phụ trợ, vật liệu xây dựng, năng lượng, chế biến thực phẩm...

Hai bên đánh giá cao kết quả triển khai các dự án hợp tác phát triển trong thời gian qua và thống nhất sẽ tiếp tục trao đổi để sớm thông qua Kế hoạch hợp tác phát triển giai đoạn tiếp theo; nhất trí tăng cường hợp tác văn hóa, giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ; thúc đẩy các sáng kiến thành lập cơ chế hợp tác giữa các trường đại học và thành lập Trung tâm nghiên cứu và đào tạo xuất sắc Italy-Việt Nam.

Hai bên cũng nhất trí duy trì và triển khai các cơ chế tham vấn giữa các Bộ, ngành hai nước trong từng lĩnh vực hợp tác như Đối thoại chiến lược cấp Thứ trưởng Ngoại giao, Đối thoại chiến lược cấp Thứ trưởng Quốc phòng và thống nhất sẽ thành lập Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế và tổ chức cuộc họp lần thứ nhất của Ủy ban vào tháng 11/2014.

Trên tinh thần hiểu biết, thẳng thắn và tin cậy lẫn nhau, hai bên đã trao đổi về nhiều vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm; khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác và phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương và tổ chức quốc tế, nhất là trong khuôn khổ Liên hợp quốc, ASEAN-EU và ASEM.

Với tư cách là Điều phối viên quan hệ ASEAN-EU, Việt Nam khẳng định ủng hộ Italy tăng cường quan hệ với ASEAN; Italy ủng hộ Việt Nam trong phát triển quan hệ toàn diện với EU, trong đó có việc thúc đẩy EU sớm phê chuẩn Hiệp định Đối tác Hợp tác (PCA), ủng hộ Việt Nam sớm được EU công nhận quy chế kinh tế thị trường đầy đủ cùng thời điểm kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) Việt Nam-EU.

Về tình hình Biển Đông, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã thông báo tới Thủ tướng Matteo Renzi về việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) tại vị trí nằm sâu trong thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc là một bên tham gia ký kết, đe dọa trực tiếp đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.

Thủ tướng Italy khẳng định Italy đồng quan điểm của Liên minh châu Âu và khối G7, đã chia sẻ quan ngại sâu sắc với Việt Nam về tình hình hiện nay ở Biển Đông và cho rằng các bên cần kiềm chế và giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình và phù hợp với luật pháp quốc tế.

Chiều cùng ngày, Thủ tướng Italy Matteo Renzi đã hội kiến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục