Vĩnh Phúc thực hiện nhiều giải pháp phát triển công nghiệp phụ trợ

Vĩnh Phúc thực hiện cải cách hành chính, xúc tiến đầu tư nhằm mời gọi các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp phụ trợ đến với tỉnh.
Vĩnh Phúc thực hiện nhiều giải pháp phát triển công nghiệp phụ trợ ảnh 1Công ty TNHH Partron Vina (vốn đầu tư của Hàn Quốc) hoạt động tại Khu công nghiệp Khai Quang (Vĩnh Phúc). (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Tỉnh Vĩnh Phúc đã và đang có nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong nước; đồng thời thực hiện cải cách hành chính, hỗ trợ và xúc tiến đầu tư nhằm mời gọi các doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài có năng lực, uy tín, nhất là doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp phụ trợ đến với tỉnh.

Vĩnh Phúc đã thực hiện Đề án cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2012-2015.

Tỉnh đã chủ động trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ ở trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, tạo quỹ đất sạch để sẵn sàng thu hút các nhà đầu tư, sớm đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư về đất đai, hạ tầng.

Bên cạnh đó, tỉnh triển khai cải cách hành chính sâu rộng, hỗ trợ và xúc tiến đầu tư. Tất cả các thủ tục hành chính, các dịch vụ được công khai minh bạch với công nghệ hiện đại. Bộ máy cán bộ, công chức được đào tạo bài bản, nêu cao tinh thần phục vụ và là cầu nối chính quyền với tổ chức, công dân.

Vĩnh Phúc đã phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Quan điểm, định hướng quy hoạch là ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ để tạo nền tảng vững chắc cho phát triển các ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh một cách bền vững, gắn với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội.

Quy hoạch cũng chỉ rõ phát triển công nghiệp hỗ trợ trên cơ sở chọn lọc, dựa trên tiềm năng, thế mạnh của tỉnh với công nghệ tiên tiến, có tính cạnh tranh cao; trước mắt gắn với mục tiêu nội địa hoá các sản phẩm công nghiệp chủ lực; lâu dài phấn đấu trở thành một mắt xích cung cấp sản phẩm hỗ trợ có hàm lượng giá trị cao trong dây chuyền sản xuất trong nước và quốc tế, tiến tới đẩy mạnh xuất khẩu.

Quy hoạch nhằm phát huy và tăng cường tối đa năng lực đầu tư của các công ty, tập đoàn lớn đa quốc gia nhằm tranh thủ khả năng về vốn và trình độ công nghệ tiên tiến, tiến tới tiếp nhận chuyển giao các công nghệ cao.

Ngoài ra, Vĩnh Phúc cam kết sẽ tạo điều kiện tốt nhất và hỗ trợ các doanh nghiệp nhiều mặt. Cụ thể, doanh nghiệp được hưởng hỗ trợ một lần cho một dự án, khi dự án bắt đầu đi vào hoạt động sản xuất và doanh nghiệp thực hiện đúng các quy định của Nhà nước, của tỉnh về mục tiêu dự án, tiến độ đầu tư.

Tỉnh còn hỗ trợ doanh nghiệp phí thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với dự án thuộc thẩm quyền thẩm định của Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh; lệ phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; lệ phí đăng ký cấp mẫu dấu...

Kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ đầu tư do ngân sách tỉnh đảm bảo. Trong năm 2013 và 2014 hàng loạt dự án đã, đang hoạt động sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, đóng góp tích cực cho quá trình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Những năm gần đây, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp phụ trợ đã đóng góp tích cực vào sự phát triển của Vĩnh Phúc, điển hình như Công ty Trách nhiệm hữu hạn Công nghiệp chính xác Việt Nam 1 (Khu công nghiệp Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên); Công ty sản xuất phanh Nissin (huyện Bình Xuyên); Công ty Trách nhiệm hữu hạn Exedy Việt Nam; và một số doanh nghiệp điện tử tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc...

Các doanh nghiệp này sản xuất các mặt hàng phục vụ cho các doanh nghiệp ôtô, xe máy; các linh kiện, phụ liệu, phụ tùng, sản phẩm bao bì, nguyên liệu để sơn, nhuộm, những sản phẩm trung gian, những nguyên liệu sơ chế...

Công nghiệp phụ trợ nói chung không chỉ tạo nhiều việc làm, thu hút lao động dư thừa, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc tăng sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp chính và đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa. Người lao động ở các doanh nghiệp này được học hỏi những kiến thức khoa học mới, thường xuyên được rèn luyện thử thách tay nghề.

Riêng trong 6 tháng đầu năm 2014, Vĩnh Phúc đã hoàn thành vượt kế hoạch thu hút đầu tư cả năm 2014. Toàn tỉnh thu hút 38 dự án đầu tư, tăng 8 dự án so với kế hoạch năm. Trong đó, có 18 dự án vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký 182 triệu USD, tăng 30% về số dự án, 10% về vốn so với cùng kỳ năm ngoái.

Lũy kế đến hết tháng Sáu, trên địa bàn tỉnh có 712 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực. Hiện các khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc có 123 doanh nghiệp đến đầu tư, thu hút 42.540 lao động làm việc tại các khu công nghiệp; trong đó có 90 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thu hút 37.790 lao động, còn lại là doanh nghiệp trong nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục