Ngày 9/12, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết các bệnh không truyền nhiễm chiếm 7 trên tổng số 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn cầu trước khi đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bùng phát.
Theo báo cáo y tế toàn cầu của WHO, vào năm 2019, con người có tuổi thọ là hơn 73 tuổi, cao hơn so với thời điểm năm 2000 chỉ là 67 tuổi, song điều này không đồng nghĩa với việc họ có sức khỏe tốt hơn. Sau khi đánh giá các xu hướng tử vong và bệnh tật do các căn bệnh hay thương tật trong 2 thập kỷ qua, báo cáo chỉ ra rằng các căn bệnh không truyền nhiễm chiếm tới 4 trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu vào giai đoạn năm 2000, rồi tăng lên tới 7 trong 10 nguyên nhân vào năm ngoái, thời điểm trước khi đại dịch COVID-19 lây lan trên khắp thế giới.
Các con số này đã cho thấy tầm quan trọng của việc thế giới cần tập trung tăng cường ngăn ngừa và điều trị các căn bệnh về tim mạch, ung thư, tiểu đường, các bệnh hô hấp mãn tính, cũng như điều trị các vết thương.
Bệnh tim là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới trong 20 năm qua và hiện chiếm tới 16% tổng số ca tử vong do tất cả các nguyên nhân.
WHO cảnh báo căn bệnh này đang cướp đi sinh mạng của nhiều người hơn bao giờ hết, khi khiến 9 triệu người tử vong trong năm 2019, tăng 2 triệu người kể từ năm 2000. Trong số 2 triệu ca tử vong tăng thêm này, có đến hơn 50% là tại khu vực Tây Thái Bình Dương. Trong khi đó, khu vực châu Âu lại ghi nhận số ca tử vong giảm 15%.
[Ô nhiễm không khí làm giảm đáng kể tuổi thọ của con người]
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh những con số trên là lời cảnh báo rằng thế giới cần nhanh chóng ngăn ngừa, chẩn đoán và điều trị các căn bệnh không truyền nhiễm. Chúng cũng cho thấy tính cấp thiết của việc cải thiện chăm sóc khỏe ban đầu một cách công bằng và toàn diện.
Theo ông, chăm sóc sức khỏe ban đầu chính là nền tảng cơ bản cho mọi vấn đề, từ công tác chống các bệnh không truyền nhiễm đến kiểm soát đại dịch toàn cầu.
Tính đến thời điểm này, dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của hơn 1,5 triệu người trên toàn cầu. Những người có bệnh nền như bệnh tim, tiểu đường, có vấn đề hô hấp có nguy cơ cao bị biến chứng dẫn đến tử vong khi nhiễm virus SARS-CoV-2 gây COVID-19.
Dự kiến báo cáo y tế toàn cầu tiếp theo của WHO sẽ bao gồm cả đánh giá về tác động của đại dịch COVID-19 đến tỷ lệ tử vong trên toàn cầu./.