Yêu cầu xác định trách nhiệm của nhà thầu làm lún, nứt nhà dân

Trường hợp nhà dân quanh khu vực có dự án giao thông bị lún, nứt vì nguyên nhân bất khả kháng, lãnh đạo Bộ Tài chính đồng ý với đề xuất dùng tiền giải phóng mặt bằng để đền bù cho người dân.
Yêu cầu xác định trách nhiệm của nhà thầu làm lún, nứt nhà dân ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Trường hợp nhà dân quanh khu vực có dự án giao thông bị lún, nứt vì nguyên nhân bất khả kháng, lãnh đạo Bộ Tài chính đồng ý với đề xuất dùng tiền giải phóng mặt bằng để đền bù cho người dân.

Đây là nội dung trong văn bản của Bộ Tài chính gửi Văn phòng Chính phủ để giải quyết cho các hộ dân có nhà bị lún, nứt do quá trình thi công nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1 đoạn Thanh Hóa – Cần Thơ và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên.

Trước đó, nhiều đơn thư, khiếu nại của người dân các địa phương đòi đền bù rung, nứt nhà do quá trình thi công dự án giao thông đã khiến các cơ quan quản lý Nhà nước phải kiến nghị Chính phủ sử dụng tiền giải phóng mặt bằng dự án hỗ trợ.

Theo số liệu báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, thực tế có tới 35.814 hộ dân bị rung, nứt nhà với kinh phí đền bù (nằm ngoài phần thuộc trách nhiệm của bảo hiểm) ước tính khoảng hơn 166 tỷ đồng.

Trả lời cho vấn đề này, lãnh đạo Bộ Tài chính cho hay, thực tế, việc bồi thường với bên thứ 3 là trách nhiệm dân sự giữa chủ đầu tư, nhà thầu với người dân bị thiệt hại.

Tuy nhiên, cơ quan này cũng đánh giá thêm, trường hợp mức độ thiệt hại với bên thứ ba là quá lớn ngoài tầm kiểm soát của đơn vị bảo hiểm hoặc thuộc các điều khoản loại trừ của hợp đồng bảo hiểm thì để xác định nguồn kinh phí chi trả bồi thường cần làm rõ trách nhiệm của các chủ đầu tư hoặc nhà thầu.

Nếu việc gây ra thiệt hại cho các công trình của người dân do lỗi chủ quan của nhà thầu (nhà thầu tư vấn khảo sát, thiết kế; nhà thầu thi công xây dựng,...), Bộ Tài chính đề nghị các nhà thầu sử dụng nguồn kinh phí hợp pháp của mình để bồi thường thiệt hại cho người dân.

Với thiệt hại do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng, nằm ngoài khả năng tính toán, dự báo của chủ đầu tư, lãnh đạo Bộ Tài chính thống nhất với kiến nghị của Bộ Giao thông vận tải trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương sử dụng nguồn kinh phí giải phóng mặt bằng của dự án để chi trả đền bù, hỗ trợ cho các hộ dân bị ảnh hưởng (ngoài phần thuộc trách nhiệm do bảo hiểm chi trả).

Ngoài ra, từ tình hình trên, đại diện ngành tài chính cũng đề xuất Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu ban hành yêu cầu bảo hiểm trách nhiệm dân sự với bên thứ 3 khi đấu thầu các dự án hạ tầng giao thông.

Trước đó, lý giải cho thực tế nhiều nhà dân bị lún, nứt, đại diện Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, việc tổ chức thi công các hạng mục công trình xây dựng giao thông có tính chất đặc thù, thường phải sử dụng các thiết bị thi công có tải trọng lớn, tạo rung chấn, chấn động hoặc sức ép lên nền đất nên không thể tránh khỏi việc làm ảnh hưởng đến các công trình xung quanh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục