Chính phủ mới của Brazil loay hoay tìm cách vực dậy nền kinh tế

Chính quyền Tổng thống lâm thời Brazil sẽ tiếp tục triển khai các kế hoạch đầy tham vọng nhằm cân bằng ngân sách, cải cách hệ thống hưu trí và thu hút đầu tư tư nhân vào năng lượng.
Chính phủ mới của Brazil loay hoay tìm cách vực dậy nền kinh tế ảnh 1Tổng thống lâm thời Brazil Michel Teme. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo một quan chức ở Brasilia, Chính quyền của Tổng thống lâm thời Brazil Michel Temer sẽ tiếp tục triển khai các kế hoạch đầy tham vọng nhằm cân bằng ngân sách, cải cách hệ thống hưu trí và thu hút đầu tư tư nhân vào lĩnh vực năng lượng, bất chấp việc hai bộ trưởng nước này xin từ chức do cáo buộc liên quan đến vụ bê bối tham nhũng.

Chính phủ Brazil cũng sẵn sàng thông qua các biện pháp khắc khổ đề kiểm soát chi tiêu công, mở rộng cơ hội cho đầu tư tư nhân, đồng thời nhất trí với Ngân hàng phát triển (BNDES) về việc sớm hoàn trả 100 tỷ real nợ và có thể tăng thuế để khắc chế tình trạng thâm hụt ngân sách ước lên tới 10% GDP trong năm thứ hai liên tiếp năm nay. (1 USD = 3,5794 real)

Hôm 30/5, Bộ trưởng Tài chính Henrique Meirelles cho rằng Chính phủ Brazil cần giải quyết gánh nặng nợ công đang gia tăng của đất nước để lấy lại lòng tin của giới đầu tư. Ông cho hay những biện pháp nhằm hạn chế chi tiêu công và hoàn trả nợ sớm sẽ được tiến hành từng bước, cùng với các chính sách khác để giúp tái cân bằng ngân sách.

Kinh tế Brazil có thể tiếp tục suy giảm trong bối cảnh những cáo buộc chống lại bà Dilma Rousseff đã làm “tê liệt” hoạt động đầu tư và đẩy nước này rơi vào tình trạng tồi tệ nhất từ trước đến nay.

Các nhà kinh tế Brazil cho rằng nền kinh tế lớn nhất khu vực Mỹ Latinh sẽ suy giảm 3,81% trong năm nay và tăng trưởng nhẹ 0,55% năm 2017, so với mức -3,8% năm 2015.

Tuần trước, các tân Bộ trưởng Kế hoạch và Minh bạch đã buộc phải từ chức sau khi báo chí Brazil công bố các đoạn băng ghi âm cho thấy các chính trị gia này âm mưu cản trở điều tra vụ tham nhũng khổng lồ ở Tập đoàn dầu khí quốc gia Petrobras.

Các đoạn băng cho thấy quá trình xét xử Tổng thống Dilma Rousseff, người đang bị Quốc hội đình chỉ chức vụ, là một âm mưu của nhiều chính trị gia đối lập với đảng Lao động (PT) của nữ chính khách này nhằm ngăn cản quá trình điều tra vụ bê bối ở Petrobras với số tiền hối lộ các quan chức và các chính trị gia lên tới 4 tỷ USD.

Cho tới nay, đã có hơn 100 cá nhân chính thức bị kết tội tham nhũng, rửa tiền và thành lập băng đảng, trong đó có hàng chục lãnh đạo từ các tập đoàn xây dựng và kỹ thuật hàng đầu Brazil trong vụ việc gây chấn động này.

Khoảng 50 chính trị gia, trong đó có nhiều nghị sỹ và thống đốc bang, nằm trong diện bị điều tra./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục