Cuba-Mỹ tái lập quan hệ ngoại giao: Kết thúc của sự mở đầu

Hơn sáu tháng sau tuyên bố lịch sử về tái thiết lập quan hệ ngoại giao song phương, chính phủ Mỹ-Cuba thực hiện được bước đi đầy mong đợi này cùng với việc xác định mở lại đại sứ quán giữa hai nước vào 20/7.
Cuba-Mỹ tái lập quan hệ ngoại giao: Kết thúc của sự mở đầu ảnh 1Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodriguez (trái) và các Thượng Nghị sỹ Mỹ tại cuộc gặp ở Havana ngày 13/6. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Hơn sáu tháng sau tuyên bố lịch sử ngày 17/12/2014 của Chủ tịch Cuba Raul Castro và Tổng thống Mỹ Barack Obama về tái thiết lập quan hệ ngoại giao song phương, chính phủ hai nước mới thực hiện được bước đi đầy mong đợi này cùng với việc xác định mở lại đại sứ quán giữa hai nước vào ngày 20/7 tới.

Tất nhiên cột mốc mới này không đồng nghĩa với việc hai bên xóa bỏ hay giải quyết những khác biệt còn rất lớn của mình để hoàn thành mục tiêu dài hạn là bình thường hóa quan hệ, đặc biệt là trong bối cảnh cuộc bao vây cấm vận của Mỹ chống Cuba vẫn còn nguyên hiệu lực.

Ngay trong tuyên bố chính thức về việc tái thiết lập quan hệ ngoại giao, Chính phủ Cuba cũng đã nhấn mạnh việc xóa bỏ chính sách thù địch kéo dài hơn nửa thế kỷ trên là bước đi thiết yếu tiếp theo, trong khi Tổng thống Obama cũng thừa nhận thực tế này và yêu cầu Quốc hội Mỹ hủy bỏ các đạo luật liên quan tới cấm vận. Đáng tiếc điều này có lẽ sẽ khó được thực hiện trong thời gian còn lại trong nhiệm kỳ của ông Obama bởi lẽ đảng Cộng hòa đối lập đang kiểm soát cả Thượng viện và Hạ viện. Nhưng thực tế đó không hề phủ nhận ý nghĩa quan trọng, không chỉ về mặt biểu tượng, của bước đi đầu tiên mang tính lịch sử này.

Đối với Cuba, thỏa thuận tái thiết lập quan hệ ngoại giao đồng nghĩa với sự công nhận chính thức của Mỹ đối với Chính phủ cách mạng và điều này sẽ có tác động quan trọng tới tiến trình đàm phán tương lai. Quan trọng hơn, bước đi này sẽ tạo thuận lợi cho sự hội nhập của Cuba vào nền kinh tế thế giới, cho dù vẫn tiếp tục bị cản trở bởi chính sách cấm vận. Trên thực tế, chỉ ngay sau tuyên bố ngày 17/12 và khi hai nước bắt đầu tiến hành đàm phán chính thức nhưng chưa có kết quả, đã có nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế thực hiện các bước đi cải thiện quan hệ với Cuba. Xu hướng này hẳn sẽ còn rõ nét hơn sau ngày 20/7 và là yếu tố rất tích cực đối với công cuộc cập nhật mô hình kinh tế-xã hội tại “hòn đảo tự do."

Với Mỹ, cải thiện quan hệ ngoại giao với Cuba sẽ là một tiền lệ đối ngoại quan trọng, tạo ra một hình ảnh “mềm mỏng” và biết chấp nhận sự khác biệt hơn của quốc gia siêu cường này đối với thế giới, đặc biệt là tại Mỹ Latinh và Caribe - khu vực mà ảnh hưởng của Mỹ có phần sụt giảm trong thời gian qua, và cũng là nơi mà cuộc đấu tranh kiên cường để bảo vệ toàn vẹn chủ quyền, cũng như tinh thần quốc tế vô tư trong sáng của Cuba nhận được cảm tỉnh của rất nhiều tầng lớp nhân dân.

Hơn nữa, quyết định chính thức tái thiết lập quan hệ ngoại giao chính là một bước đi không thể đảo ngược trong quan hệ song phương, bất chấp kết quả của cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 tại Mỹ. Thực tế cho thấy một số ứng cử viên tổng thống tiềm năng của đảng Cộng hòa từng tuyên bố sẽ đảo ngược chính sách hiện tại của Washington đối với La Habana, nhưng điều này trên thực tế là khó xảy ra một khi quan hệ hai nước đã đi vào chính thức. Bất cứ sự thay đổi nào sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới giới doanh nghiệp và cộng đồng người Mỹ gốc Cuba, đi ngược lại ý kiến của đa số cử tri Mỹ và phá hoại nghiêm trọng uy tín ngoại giao của Washington trên trường quốc tế.

Có thể nói thỏa thuận của hai nước mở lại đại sứ quán tại thủ đô của nhau sau sáu tháng đàm phán chính là cái kết cho sự mở đầu của một quá trình bình thường hóa quan hệ chắc chắn sẽ còn dài và phức tạp, như Chính phủ Cuba nhấn mạnh trong tuyên bố vừa qua của mình.

Những yêu cầu được mỗi bên nêu ra cho các cuộc đàm phán tới đây đều “nặng ký” hơn rất nhiều so với những gì đã được thương lượng trong nửa năm qua. Về phía Cuba, đó là việc Mỹ phải xóa bỏ cấm vận, trả lại vùng lãnh thổ bị chiếm đóng trái phép làm căn cứ quân sự Guantanamo, ngừng các chương trình chống phá và gây bất ổn Cuba, cũng như bồi thường những thiệt hại do các chính sách thù địch của Washington gây ra trong hơn nửa thế kỷ qua.

Về phía Mỹ, đó là việc La Habana phải bồi hoàn các tài sản của Mỹ bị quốc hữu hóa trong thời kỳ đầu cách mạng, cho phép giới ngoại giao Mỹ được làm việc “bình thường” và “tự do” tại Cuba (mà nhiều lần Chính phủ Cuba đã tố cáo là có liên quan tới việc kích động và tiếp tay các phần tử phản cách mạng), cũng như một số yêu cầu khác.

Nhưng dẫu sao, giờ đây hai bên đã thiết lập được kênh liên lạc thường xuyên chính thức, củng cố được không gian thương lượng và tạo niềm tin vào tiến trình bình thường hóa quan hệ song phương. Sự kiện này cũng đem lại hy vọng cho thế giới khi bất chấp sự chênh lệch về sức mạnh, hai quốc gia vẫn có thể giải quyết những mâu thuẫn đầy phức tạp và mang tính lịch sử qua con đường đối thoại hòa bình, trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng chủ quyền chủa nhau./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục