Đẩy mạnh quản lý dự án giao thông đường bộ theo hình thức BOT

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương siết chặt công tác quản lý đối với các Dự án hạ tầng giao thông đường bộ đầu tư theo hình thức BOT.
Đẩy mạnh quản lý dự án giao thông đường bộ theo hình thức BOT ảnh 1Thi công đường cao tốc Thái Nguyên-Chợ Mới tại xã Thanh Bình, huyện Chợ Mới, Bắc Kạn theo hình thức BOT. (Ảnh: Nguyễn Trình/TTXVN)

Thủ tướng Chính phủ vừa chỉ đạo một số Bộ, ngành, địa phương liên quan đẩy mạnh công tác quản lý đối với các Dự án hạ tầng giao thông đường bộ đầu tư theo hình thức Hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT).

Trong thời gian qua, nhiều dư luận trên các phương tiện thông tin và ý kiến của nhiều cử tri liên quan đến vai trò quản lý của Nhà nước đối với các Dự án hạ tầng giao thông đường bộ đầu tư theo hình thức Hợp đồng BOT như thủ tục đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư, năng lực nhà đầu tư, quản lý chất lượng công trình, giá thành, hiệu quả đầu tư, việc bố trí các trạm thu phí hoàn vốn cho một số Dự án còn chưa theo quy hoạch, quy định...

Để thực hiện tốt công tác quản lý đối với các Dự án hạ tầng giao thông đường bộ đầu tư theo hình thức Hợp đồng BOT, đảm bảo đúng quy định, đáp ứng yêu cầu, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong quá trình triển khai các Dự án hạ tầng giao thông đường bộ cần chủ động thực hiện theo thẩm quyền, đảm bảo đúng quy định của Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư.

Đồng thời, Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với các Bộ, ngành liên quan chỉ đạo các Cơ quan nhà nước có thẩm quyền chủ động rà soát các Dự án hạ tầng giao thông đường bộ đầu tư theo hình thức Hợp đồng BOT thuộc phạm vi quản lý của mình, bảo đảm tăng cường vai trò quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật.

Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan rà soát, tổng hợp, đánh giá toàn bộ các Dự án hạ tầng giao thông đường bộ đã, đang và sẽ triển khai theo hình thức Hợp đồng BOT với các nội dung​ thủ tục đầu tư, hình thức lựa chọn nhà đầu tư, năng lực nhà đầu tư, giá thành, chất lượng công trình, hiệu quả đầu tư...; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 9/2015.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải khẩn trương hoàn thiện đề án Quy hoạch trạm thu phí BOT (Quy hoạch) trên các tuyến quốc lộ, trình Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng Chính phủ lưu ý, trong thời gian Quy hoạch chưa được phê duyệt, Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tạm dừng việc bố trí mới các trạm thu phí không bảo đảm khoảng cách tối thiểu 70km giữa 2 trạm trên cùng một tuyến đường (trừ các Dự án đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt).

Trường hợp đặc biệt, Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước khi thực hiện./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục