Hà Nội: Quá nhiều mắc mớ trong chuyển đổi mô hình chợ

Các đơn vị chủ yếu tập trung vào việc tổ chức kiểm tra xử lý, tuyên truyền đối với các hộ kinh doanh lấn chiếm vỉa hè... mà chưa xây dựng kế hoạch, phương án bố trí sắp xếp, quản lý các hộ kinh doanh.
Hà Nội: Quá nhiều mắc mớ trong chuyển đổi mô hình chợ ảnh 1Một khu chợ ở Hà Nội. (Ảnh: Đình Huệ/TTXVN)

Tại hội nghị giao ban trực tuyến công tác quản lý Nhà nước cấp huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội sáu tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ sáu tháng cuối năm do Sở Công Thương Hà Nội tổ chức ngày 12/7, đại diện các quận huyện cho rằng còn nhiều vướng mắc trong chuyển đổi mô hình chợ.

Đại diện các quận, huyện và thị xã đã đưa ra các ý kiến liên quan đến lĩnh vực thương mại, phát triển các cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, phát triển thương mại điện tử, quản lý, cấp phép các mặt hàng kinh doanh có điều kiện, giải tỏa chợ cóc, chợ tạm… Đặc biệt, các quận huyện kiến nghị với Sở Công Thương Hà Nội cần có những hướng dẫn nhằm giải quyết các vấn đề vướng mắc liên quan đến quá trình chuyển đổi mô hình chợ.

Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, cho biết liên quan đến chợ, việc chuyển đổi mô hình chợ, thành phố đã ban hành kế hoạch chuyển đổi 14 mô hình chợ giai đoạn 2012-2015. Nhưng trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện gặp rất nhiều vướng mắc, khó khăn, không thực hiện được và đề xuất thành phố dãn tiến độ sau năm 2015. Cả giai đoạn đó trên địa bàn thành phố chỉ thực hiện được 11 mô hình chợ do đó, giai đoạn 2017-2020 phải tập trung vào thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý chợ.

Hà Nội cũng đã có văn bản chỉ đạo, Sở Công Thương Hà Nội cũng đã có các văn bản gửi các quận, huyện và yêu cầu các quận, huyện phải xây dựng kế hoạch đánh giá việc chuyển đổi mô hình giai đoạn 2012-2015 và xây dựng kế hoạch 2017-2020 gửi về Sở Công Thương gửi các sở, ngành thẩm định và báo cáo Ủy ban Nhân dân thành phố, hạn nộp là 30/6. Nhưng cho đến thời điểm này mới có sáu quận, huyện là có báo cáo đánh giá mô hình, 12 đơn vị xây dựng kế hoạch giai đoạn 2017-2020.

Đối với các địa phương đã xây dựng kế hoạch 2012-2025 thành phố đã phê duyệt, bà Trần Thị Phương Lan đề nghị cần rà soát lại xem mô hình mình xây dựng có còn phù hợp hay không. Nếu còn phù hợp thì các quận, huyện cần có văn bản kiến nghị cho thực hiện tiếp kế hoạch đó, nếu không phù hợp thì cần xây dựng lại để Sở Công Thương tổng hợp trình thành phố phê duyệt.

Tuy nhiên, trong quá trình chuyển đổi còn vướng mắc, Sở Công Thương đã rà soát lại và đưa ra những quy định rõ ràng để cho từ các hộ kinh doanh đến các đơn vị quản lý dễ hiểu, dễ làm. Sở Công Thương đã trình thành phố để phê duyệt trong tháng Sáu nhưng hiện vướng về cơ chế thu hút vốn đầu tư chợ, đang xin ý kiến của Chính phủ.

[Lời giải nào cho những chợ truyền thống đang "chết dần chết mòn"]

Đại diện Ủy ban Nhân dân quận Hà Đông kiến nghị Sở Công Thương sớm trình Bộ Công Thương xem xét phê duyệt quy hoạch chợ Kiến Hưng, phường Kiến Hưng, quận Hà Đông để có thể triển khai các bước triển khai tiếp theo được thuận lợi.

Đối với kiến nghị của quận Hà Đông liên quan đến chợ Kiến Hưng, hiện Sở Công Thương Hà Nội đã trình thành phố bổ sung quy hoạch.

Đối với quận Hoàng Mai với sáu dự án chợ từ năm 2014 đã giao cho Trung tâm Xúc tiến đầu tư để đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, qua giám sát của Hội đồng Nhân dân, Sở Công Thương đã báo cáo với thành phố và thành phố cũng đã chỉ đạo Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại bàn giao về cho quận Hoàng Mai tổ chức thực hiện.

Theo Sở Công Thương Hà Nội, trong sáu tháng đầu năm, ủy ban nhân dân các quận, huyện tuy đã triển khai tổ chức thực hiện việc giải tỏa chợ cóc, chợ tạm đi đôi với việc triển khai quản lý hoạt động bán hàng rong lập lại trật tự kỷ cương đô thị. Nhưng công tác kiểm soát, xử lý hoạt động kinh doanh trên vỉa hè của các đơn vị còn nhiều hạn chế.

Các quận, huyện, thị xã chủ yếu tập trung vào việc tổ chức kiểm tra xử lý, tuyên truyền đối với các hộ kinh doanh lấn chiếm vỉa hè; chưa có đơn vị nào xây dựng kế hoạch, phương án bố trí sắp xếp, quản lý, đề xuất các điểm phù hợp để báo cáo Ủy ban Nhân dân thành phố cho phép bố trí các hộ đã kinh doanh lâu năm trên vỉa hè được vào hoạt động.

Ông Lê Hồng Thăng, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, đề nghị các quận, huyện, thị xã tăng cường chỉ đạo giải tỏa dứt điểm các tụ điểm chợ cóc, chợ tạm, đồng thời bố trí quỹ đất thích hợp để xây chợ dân sinh, di chuyển các hộ kinh doanh từ các tụ điểm chợ cóc vào hoạt động ổn định, đáp ứng nhu cầu tiểu thương./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục