Hà Nội xử lý cơ sở “đầu độc” môi trường: Cơ quan cấp huyện bất lực!

Mặc dù Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã có công văn hướng dẫn Ủy ban nhân dân huyện Sóc Sơn chỉ đạo xử lý dứt điểm các công trình vi phạm từ năm 2015, nhưng đến nay vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt.”
Hà Nội xử lý cơ sở “đầu độc” môi trường: Cơ quan cấp huyện bất lực! ảnh 1Hàng loạt công trình nhà xưởng vi phạm tại xã Tiên Dược vẫn ngang nhiên tồn tại. (Ảnh: H.V/Vietnam+)

Trước thực trạng hàng loạt cơ sở sản xuất nhựa tái chế tại xã Tiên Dược (Sóc Sơn, Hà Nội), tự ý “biến” đất nông nghiệp thành nhà xưởng và gây ô nhiễm môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã có công văn hướng dẫn Ủy ban nhân dân huyện Sóc Sơn chỉ đạo cơ quan chuyên môn vào cuộc xử lý dứt điểm vi phạm.

Vậy nhưng, nhìn vào kết quả thực hiện thì chỉ đạo của huyện này chẳng khác nào “lời nói gió bay.” Lý do là, sau hơn 2 năm, hàng chục công trình xây dựng thuộc diện phải tháo dỡ vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt.” Thậm chí, một số cơ sở còn mở rộng quy mô sản xuất, ngang nhiên nhả khói, xả nước thải trực tiếp ra môi trường.

Chỉ đạo kiểu...“lời nói gió bay”

Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân huyện Sóc Sơn, trong những năm gần đây, tại xã Tiên Dược tồn tại hàng chục cơ sở sản xuất tái chế hạt nhựa, giặt bao tải, sản xuất gioăng kính sử dụng đất không đúng mục đích, phát sinh chất thải nguy hại, nguy cơ cháy nổ cao và gây ô nhiễm môi trường.

Để chấn chỉnh tình trạng trên, ngay từ năm 2012, Ủy ban nhân dân huyện Sóc Sơn đã tiến hành kiểm tra và ban hành một số Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, do mức phạt nhẹ, không thấm gì so với lợi nhuận ​có được (từ 2 triệu đến 20 triệu đồng), nên nhiều trường hợp vẫn cố tình vi phạm và gây ô nhiễm nặng nề hơn.

Trước sức ép trên, ngày 7/3/2014, ông Tạ Văn Đạo, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Sóc Sơn đã ký ban hành văn bản số 234/UBND-VP chỉ đạo Ủy ban nhân dân xã Tiên Dược tổ chức thanh lý, chấm dứt hợp đồng đối với các trường hợp tự ý “biến” đất nông nghiệp thành nhà xưởng trái phép, để sản xuất tái chế hạt nhựa…

Cùng với đó, Ủy ban nhân dân huyện Sóc Sơn cũng yêu cầu Công ty Điện lực Sóc Sơn dừng cung cấp điện sản xuất kinh doanh cho các hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp, đất công ích không đúng mục đích, đất giao không đúng thẩm quyền trước ngày 15/3/2014. Thế nhưng, quyết định “cứng rắn” trên cũng chỉ nằm trên giấy.

Trước thực tế nêu trên, ngày 25/9/2014, Ủy ban nhân dân huyện Sóc Sơn đã phải ban hành Tờ trình số 79/TTr-UBND kiến nghị Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành Quyết định cưỡng chế, buộc di dời cấm hoạt động đối với các cơ sở sản xuất phát sinh chất thải độc hại trong khu dân cư, vi phạm pháp luật về môi trường để Ủy ban nhân dân huyện thực hiện nhằm bảo vệ môi trường, đảm bảo tình hình an ninh trật tự xã hội.

Trong thời gian "chờ" ý kiến chỉ đạo từ Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, ngày 27/10/214, ông Tạ Văn Đạo, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Sóc Sơn tiếp tục ký ban hành văn bản số 1600/UBND-TTXD, chỉ đạo Ủy ban nhân dân xã Tiên Dược phối hợp với các ngành liên quan tổ chức cắt điện 3 pha đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm môi trường, vi phạm đất đai và trật tự xây dựng.

Tuy nhiên, đợt ra quân này đã gấp phải sự phản ứng gay gắt từ phía một nhóm đông người dân, đặc biệt là các cơ sở sản xuất, nên việc cắt điện cũng không được triển khai. Vì thế, lực lượng chức năng địa phương đành “bất lực” để cho các cơ sở sản xuất giăng kinh và nhựa tái chế ngang nhiên tồn tại và hoạt động phi pháp, gây ô nhiễm môi trường (?).

Trong lúc chính quyền địa phương đang gặp "bế tắc" trong việc xử lý, ngày 18/11/2014, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu các quy định của pháp luật liên quan đến việc ban hành quyết định cưỡng chế buộc di dời, cấm hoạt động đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Trên cơ sở đó, ngày 30/1/2015, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã có công văn số 132/STNMT-TTr, hướng dẫn về việc ban hành quyết định cưỡng chế, áp dụng hình thức buộc di dời, cấm hoạt động đối với các cơ sở sản xuất trong khu dân cư, vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện Sóc Sơn.

“Trường hợp cơ sở bị áp dụng hình thức buộc di dời, cấm hoạt động không chấp hành quyết định thì phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tiến hành lập hồ sơ đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành quyết định cưỡng chế theo trình tự, thủ tục ban hành quyết định cưỡng chế thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố.”

Tuy nhiên, đến nay, sau gần 2 năm, hàng chục cơ sở sản xuất gioăng kính, nhựa tái chế tự ý xây dựng nhà xưởng trái phép trên đất nông nghiệp, gây ô nhiễm môi trường đã được Ủy ban nhân dân huyện Sóc Sơn liệt vào danh sách phải cưỡng chế, tháo dỡ công trình vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt.”

Hà Nội xử lý cơ sở “đầu độc” môi trường: Cơ quan cấp huyện bất lực! ảnh 2Ông Đỗ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Sóc Sơn thừa nhận chưa quyết liệt trong việc xử lý các công trình vi phạm tại xã Tiên Dược. (Ảnh: H.V/Vietnam)

Lãnh đạo huyện thừa nhận xử lý chưa quyết liệt

Tại sao hàng loạt công trình nhà xưởng "mọc lên" trái phép trên đất nông nghiệp để phục vụ hoạt động sản xuất gioăng kính và nhựa tái chế tự phát tại xã Tiên Dược đến nay vẫn chưa được xử lý dứt điểm? Câu hỏi đặt ra không chỉ dừng lại ở việc chính quyền “bất lực” trong xử lý mà còn cả trách nhiệm của lực lượng chức năng, đặc biệt là các đơn vị phớt lờ cho cơ sở sản xuất sai phạm được tồn tại trong thời gian dài.

Để làm rõ vấn đề trên, ngày 15/8, phóng viên VietnamPlus đã đặt lịch làm việc với lãnh đạo Ủy ban nhân dân huyện Sóc Sơn. Tuy nhiên, sau gần nửa tháng chờ đợi, đầu tháng Chín, chúng tôi mới được Văn phòng Ủy ban nhân dân huyện Sóc Sơn bố trí làm việc với bà Lê Thị Hải, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện.

Tại buổi làm việc, bà Hải thừa nhận “rất đau đầu” trước tình trạng hàng loạt cơ sở sản xuất gioăng kính và nhựa tái chế gây ô nhiễm môi trường cũng như xây dựng nhà xưởng trái phép đã tồn tại từ nhiều năm qua, nhưng đến nay vẫn đang gặp “bế tắc” trong xử lý.

Theo lời bà Hải, đối với hoạt động sản xuất gioăng kính và nhựa tái chế tại xã Tiên Dược, môi trường thực chất chỉ là “cái phần ngọn” (cái phát sinh sau), còn gốc rễ dẫn tới hậu quả nghiêm trọng là việc cho thuê đất trái thẩm quyền, xây dựng công trình nhà xưởng trái phép trên đất nông nghiệp để sản xuất gioăng kính và nhựa tái chế.

“Thậm chí, ngay như cái giấy phép đăng ký kinh doanh, cấp rất dễ, nhưng việc hậu kiểm của các ngành chức năng lại vô cùng khó. Việc cấp điện cũng vậy, cấp dễ, nhưng để thu hồi, cắt được điện khi phát hiện sai phạm lại rất khó khăn vì vướng luật,” bà Hải nói.

Vậy, để đẩy lùi tình trạng ô nhiễm và xử lý triệt để vi phạm trên, cơ quan chức năng địa phương đã có những giải pháp cụ thể gì? Bà Hải cho biết, từ năm 2012 đến nay, Ủy ban nhân dân huyện Sóc Sơn đã tổ chức nhiều đợt kiểm tra, quan trắc môi trường; yêu cầu thanh lý hợp đồng thuê đất vi phạm, thậm chí là tổ chức cắt điện, cướng chế để tháo dỡ công trình.

“Thế nhưng, thực tế triển khai rất khó. Ví dụ như khi tổ chức quan trắc, các cơ sở sản xuất họ cũng chỉ làm đối phó, nên chúng tôi không thiết lập được hồ sơ vì không chứng minh được cơ sở vi phạm gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Việc này đã cản trở đến quyết định xử lý.”

“Trong khi, để cưỡng chế được công trình sai phạm thì phải cắt điện, nhưng theo Luật Xây dựng 2014 và văn bản số 4608/BCT-ĐTĐL của Bộ Công thương vừa ban hành ngày 27/5/2016 thì các đơn vị điện lực không thực hiện ngừng cấp điện theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của Luật Xây dựng (do vướng luật),” bà Hải chia sẻ.

Ngoài ra, bà Hải cũng khẳng định, để xử lý được các công trình vi phạm cần phải có sự vào cuộc của Đội Thanh tra xây dựng huyện. “Trong việc này, chúng tôi chỉ có trách nhiệm thanh-kiểm tra, xử lý môi trường, đất đai. Còn liên quan đến trật tự xây dựng, xây dựng công trình trái phép, cái này cần phải có sự vào cuộc xử lý từ phía thanh tra xây dựng,” bà Hải nói thêm.

Để rõ hơn về vướng mắc nêu trên, chúng tôi liên hệ làm việc với ông Đào Văn Sửu, Đội trưởng Đội Thanh tra xây dựng huyện Sóc Sơn, theo giấy giới thiệu của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện. Tuy nhiên, sau gần 5 phút né tránh, bắt bẻ thông tin, vị này liền “chốt” câu chuyện bằng câu nói cộc lốc rằng: “Tôi không có thẩm quyền phát ngôn, sẽ trả lời bằng văn bản sau.”

Trước thái độ “thiếu hợp tác” của vị Đội trưởng Thanh tra xây dựng, chúng tôi tiếp tục đặt lịch và có buổi làm việc với ông Đỗ Minh Tuấn - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Sóc Sơn. Tại buổi làm việc, ông Tuấn thừa nhận, việc xây dựng trái phép, sản xuất gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn trong những năm nay còn rất bất cập.

“Trong việc này, quan điểm của huyện là xử lý nghiêm vi phạm, nhưng do giao thời qua các nhiệm kỳ nên kết quả xử lý còn bị chùng, gián đoạn, chưa có sự liền mạch. Hơn nữa, huyện cũng còn nhiều việc khác để làm, nên xử lý chưa được quyết liệt,” ông Tuấn thẳng thắn nói.

Mặc dù kêu khó vì vướng mắc xử lý, nhưng ông Tuấn cũng cho biết, trong thời gian tới, Ủy ban nhân dân huyện sẽ đôn đốc các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch xử lý triệt để các trường hợp vi phạm về đất đai, môi trường ngay trong năm 2016, theo hình thức cưỡng chế, tháo dỡ công trình.

Ngoài ra, ông Tuấn cũng khẳng định sẽ yêu cầu kiểm điểm các đơn vị liên quan chưa quyết liệt trong việc xử lý vi phạm dẫn tới hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt là Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tiên Dược và cán bộ Đội Thanh tra xây dựng huyện./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục