IMF: Ấn Độ có thể tăng trưởng 7.2% sau triển khai chính sách đổi tiền

Theo IMF công bố ngày 9/5, Ấn Độ dự kiến sẽ đạt nhịp độ tăng trưởng 7,2% trong tài khóa 2017-2018 và 7,7% trong tài khóa 2018-2019, sau những gián đoạn về thực hiện chính sách đổi tiền.
IMF: Ấn Độ có thể tăng trưởng 7.2% sau triển khai chính sách đổi tiền ảnh 1(Nguồn: independent.co.uk)

Báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về triển vọng kinh tế khu vực công bố ngày 9/5 cho biết Ấn Độ dự kiến sẽ đạt nhịp độ tăng trưởng 7,2% trong tài khóa 2017-2018 và 7,7% trong tài khóa 2018-2019, sau những gián đoạn gây ra bởi việc chính phủ nước này thực hiện chính sách đổi tiền.

Đồng thời, IMF cũng khuyến nghị quốc gia Nam Á này dỡ bỏ những nút thắt về cơ cấu tồn đọng lâu nay để tăng cường tính hiệu quả của thị trường.

Báo cáo của IMF cho hay những gián đoạn tạm thời (chủ yếu là tiêu dùng tư nhân) do tình trạng khan hiếm tiền mặt gây ra cùng với chính sách đổi tiền trước đó dự kiến sẽ dần kết thúc trong năm nay.

[IMF: Ấn Độ sẽ vượt Đức trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới]

Tuy nhiên, việc cải thiện năng suất trong lĩnh vực nông nghiệp của Ấn Độ - lĩnh vực sử dụng nhiều lao động nhất, chiếm tới nửa số nhân công của nước này - vẫn là một thách thức lớn.

Báo cáo cho rằng Chính phủ Ấn Độ cần phải nỗ lực hơn nữa để giải quyết những vấn đề cấu trúc tồn tại lâu nay và thúc đẩy tính hiệu quả của thị trường, bao gồm tự do hóa các thị trường hàng hóa để giúp người nông dân linh hoạt hơn trong phân việc phối và tiếp thị sản phẩm của họ.

Điều này sẽ góp phần nâng tính cạnh tranh, hiệu quả và mình bạch trên các thị trường nông nghiệp ở các bang.

Ngoài ra, việc trợ giá đầu vào cho người nông dân phải được quản lý thông qua những khoản chuyển tiền trực tiếp hơn là bán dưới giá đầu vào, vì sự trợ giá như vậy có những tác động tiêu cực lớn tới đầu ra của nông sản.

Cũng theo báo cáo trên, tăng trưởng kinh tế ở châu Á được dự báo sẽ đạt 5,5% trong năm ​nay so với mức tăng 5,3% trong năm ​ngoái.

Tăng trưởng ở Trung Quốc và Nhật Bản được điều chỉnh theo hướng tăng lên trong năm ​nay so với báo cáo về triển vọng kinh tế thế giới được đưa ra hồi tháng 10/2016, chủ yếu là nhờ sự ủng hộ về chính sách và những số liệu vững mạnh gần đây./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục