Phát huy tinh thần tự chủ, khởi nghiệp, sáng tạo của các hợp tác xã

Thủ tướng chỉ đạo cần nhìn vào sự thành công của thế giới để thúc đẩy mô hình hợp tác xã kiểu mới ở Việt Nam, tạo môi trường thuận lợi, phát huy tinh thần tự chủ, khởi nghiệp của các hợp tác xã.
Phát huy tinh thần tự chủ, khởi nghiệp, sáng tạo của các hợp tác xã ảnh 1Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Đại hội. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Chiều 19/7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự và phát biểu chỉ đạo tại Đại hội Đại biểu toàn quốc Liên minh Hợp tác xã Việt Nam lần thứ V, nhiệm kỳ 2016-2020.

Tham dự Đại hội có 546 đại biểu chính thức, đại diện cho khoảng 30 triệu người lao động, bao gồm 13 triệu thành viên là cá nhân, hộ gia đình và pháp nhân của hơn 20.000 hợp tác xã, 150.000 tổ hợp tác, 43 liên hiệp hợp tác xã và hệ thống Liên minh hợp tác xã Việt Nam từ Trung ương đến các địa phương trong cả nước.

Diễn ra trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng của đất nước, Đại hội lần này có ý nghĩa quan trọng nhằm thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế hợp tác mà nòng cốt là hợp tác xã lên một tầm cao mới về cả chất và lượng trên toàn quốc, đặc biệt là xây dựng nền tảng tổ hợp tác, hợp tác xã, Liên minh hợp tác xã gắn với các doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty lớn để tiêu thụ sản phẩm cho thành viên.

Tại buổi làm việc chiều cùng ngày, với tinh thần “Đoàn kết - Đổi mới - Hội nhập - Phát triển bền vững,” các đại biểu tham dự Đại hội tiếp tục tham luận nhằm tổng kết, đánh giá những kết quả đã đạt được, chỉ ra những tồn tại, hạn chế của khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã và hoạt động của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam trong nhiệm kỳ IV (2010-2015). Đại hội ghi nhận nhiều ý kiến góp ý xác định mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ và đề ra các giải pháp quan trọng trong nhiệm kỳ V (2016-2020).

Thời gian qua, khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã trong cả nước đã có những chuyển biến tích cực; từng bước đổi mới về tổ chức và hoạt động, thích ứng ngày càng tốt hơn với cơ chế thị trường; khẳng định rõ hơn vai trò, vị trí của hợp tác xã trong nền kinh tế, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị cơ sở và đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Theo báo cáo Dự thảo Đại hội, 5 năm qua có 5.000 hợp tác xã thành lập mới, cùng với 150.000 tổ hợp tác, hoạt động trên các lĩnh vực, đóng góp của khu vực hợp tác xã vào GDP từ năm 2013 đạt 5,05 %, năm 2014 là 5,15%. Tốc độ tăng trưởng của khu vực hợp tác xã năm 2013 đạt 3,27%, năm 2012 là 2,75%, năm 2014 đạt khoảng 3,3-3,5%.

Bên cạnh những kết quả đạt được và các mục tiêu do Đại hội IV Liên minh hợp tác xã Việt Nam đề ra thì khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã còn những hạn chế, tồn tại, đó là do nhận thức của xã hội chưa thấy rõ vai trò của thành phần kinh tế hợp tác; còn trên 50% hợp tác xã ra đời trước Luật Hợp tác xã năm 2012 chưa chuyển đổi sang hợp tác xã kiểu mới; các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012 và các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với hợp tác xã ban hành rất chậm, thiếu đồng bộ; hệ thống tổ chức bộ máy, lãnh đạo và quản lý nhà nước về kinh tế hợp tác từ Trung ương đến địa phương còn chưa nhất quán; vai trò và vị thế của Liên minh hợp tác xã các chưa đáp ứng yêu cầu, chưa đủ các điều kiện để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ được giao; những khó khăn khi hội nhập...

Theo Chủ tịch Liên minh hợp tác xã Việt Nam Võ Kim Cự, Đại hội đại biểu toàn quốc Liên minh hợp tác xã Việt Nam lần thứ V dự kiến sẽ đặt chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2020, thu nhập của người lao động trong hợp tác xã và cán bộ trong hệ thống Liên minh hợp tác xã Việt Nam tăng gấp 2 lần so với năm 2015.

Đại hội phấn đấu đến năm 2020 có 38.000-40.000 hợp tác xã, 100-150 Liên hiệp hợp tác xã... tiêu thụ sản phẩm cho thành viên; 100% tỉnh, thành phố có Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã với vốn điều lệ trên 20-100 tỷ đồng, tăng thêm mỗi năm 300 hợp tác xã tín dụng; phấn đấu đến năm 2020 có 40-50% cán bộ quản trị hợp tác xã trình độ là Đại học, còn lại là cao đẳng và trung cấp.

Để thực hiện các mục tiêu trên, Chủ tịch Võ Kim Cự cho rằng giải pháp cơ bản nhất đó là tiếp tục công tác truyền thông, tư tưởng, nâng cao nhận thức cho mọi tổ chức, mọi tầng lớp, đặc biệt là những người đứng đầu từ Trung ương đến địa phương phát triển kinh tế hợp tác nòng cốt hợp tác xã vừa là 1-3 thành phần kinh tế đất nước, vừa nhiệm vụ cấp bách vừa là cơ bản, góp phần phát triển kinh tế mà còn giải quyết việc làm cho 30 triệu người lao động trong khu vực này, khi đó tăng thêm giá trị kinh tế, giải quyết việc làm, an sinh xã hội, ổn định chính trị và phát huy tinh thần tự lực tự cường, phát huy bản sắc Việt Nam trong thời kỳ hội nhập.

Phát biểu tại Đại hội, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trân trọng gửi tới toàn thể các thành viên, người lao động, các xã viên của các hợp tác xã trong cả nước lời thăm hỏi thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, coi trọng phát triển kinh tế tập thể mà nòng cốt là kinh tế hợp tác xã. Điều này đã được khẳng định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội bổ sung năm 2011 xác định “Kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân.”

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng lịch sử kinh tế hợp tác xã đã trải qua nhiều nốt thăng trầm theo từng giai đoạn phát triển của đất nước, góp phần làm nên kỳ tích giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Tuy nhiên, mô hình hợp tác xã của thời kỳ chiến tranh, khi chuyển sang thời bình đã bộc lộ những bất cập nội tại, cơ chế sở hữu tập thể tư liệu sản xuất, cào bằng lợi ích dẫn đến triệt tiêu động lực tăng năng suất lao động và sức sáng tạo cá nhân.

Cơ bản đồng tình với báo cáo tổng kết của Ban chấp hành Liên minh hợp tác xã Việt Nam khóa IV trình Đại hội, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, biểu dương và đánh giá cao những kết quả mà các hợp tác xã kiểu mới và Hệ thống liên minh các hợp tác xã đã đạt được trong 5 năm qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, những hợp tác xã thành công điển hình như hợp tác xã Bò sữa ở Sóc Trăng; hợp tác xã rau sạch ở Đà Lạt, hợp tác xã chăn nuôi gà, lợn ở Lào Cai, Liên hiệp hợp tác xã Saigon cop Thành phố Hồ Chí Minh... và hàng ngàn hợp tác xã sản xuất, thương mại, quỹ tín dụng nhân dân hoạt động hiệu quả là những minh chứng cho sự thành công của các hợp tác xã kiểu mới; khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong phát triển kinh tế hợp tác xã.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ rõ hoạt động của kinh tế hợp tác chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; mô hình hợp tác xã kiểu mới thành công chưa nhiều; phát triển hợp tác xã kiểu mới chưa trở thành phong trào sâu rộng trong toàn quốc. Nhìn chung, quy mô hợp tác xã còn nhỏ, năng lực nội tại thấp. Hoạt động của hợp tác xã nhìn chung chưa đáp ứng yêu cầu của xã viên, của các thành viên. Trong khi đó một số cấp ủy, chính quyền, cơ quan chức năng chưa thật sự quan tâm đến hoạt động của hợp tác xã; chưa thấy hết được vai trò của kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã trong phát triển kinh tế, ổn định xã hội.

Do đó, Thủ tướng chỉ đạo cần nhìn vào sự thành công của thế giới để thúc đẩy mô hình hợp tác xã kiểu mới ở Việt Nam. “Bài học thực tiễn thành công trong nước và các nước phát triển chỉ ra rằng, liên kết giữa các hộ kinh doanh nhỏ lẻ để xây dựng hợp tác xã và trên cơ sở đó dần hình thành các liên hiệp hợp tác xã là con đường phù hợp nhất, hiệu quả nhất để cải thiện cuộc sống của hàng triệu hộ nông dân. Mô hình mới cho hợp tác xã là phải do các xã viên đưa ra từ thực tiễn hoạt động chứ không phải do phía trên tự đề ra. Chúng ta cần nỗ lực tìm hiểu, học hỏi để thấy được những mấu chốt thành công của những mô hìinh hợp tác xã hiệu quả quả ở nước ta và ở nhiều quốc gia khác là gì? Liệu có thể nhân rộng những mô hình này khắp cả nước không,” Thủ tướng nhấn mạnh.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng cho rằng phải củng cố Liên minh hợp tác xã Việt Nam với tầm nhìn là Liên minh của tổ chức đại diện cho 30 triệu xã viên. Liên minh hợp tác xã cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trong hệ thống chính trị để phát huy sức mạnh tổng hợp, dẫn dắt phong trào hợp tác xã thông qua "Khuyến khích, Hỗ trợ, Học hỏi và Truyền bá." Nghĩa là tạo môi trường thuận lợi cho hợp tác xã hoạt động, phát huy tinh thần tự chủ, tinh thần kinh doanh, khởi nghiệp, sáng tạo của các hợp tác xã, các xã viên.

Bên cạnh đó, Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương cần nhận thức đầy đủ hơn về vai trò của hợp tác xã trong phát triển kinh tế-xã hội và đoàn kết xây dựng cộng đồng, từ đó có sự quan tâm hơn trong việc xây dựng thể chế, chính sách để khuyến khích, tạo diều kiện thuận lợi phát triển kinh tế hợp tác, kể cả về vốn, thông tin, ứng dụng công nghệ và phát triển nguồn nhân lực.

Mỗi hợp tác xã, mỗi xã viên cần nỗ lực học hỏi, liên kết và hợp tác, tìm hướng đi mới hiệu quả phù hợp với bối cảnh mới. Cần xây dựng mối quan hệ gắn bó chặt chẽ giữa lợi ích của hợp tác xã, của Ban chủ nhiệm hợp tác xã với lợi ích của xã viên. Ban chủ nhiệm hợp tác xã không những phải dành được sự tín nhiệm thật sự của xã viên, mà bản thân còn phải là những xã viên làm kinh tế giỏi.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ đạo Liên minh hợp tác xã Việt Nam tổ chức tổng kết đánh giá một cách thực chất phong trào hợp tác xã hàng năm để "Khuyến khích, Hỗ trợ, Học hỏi và Truyền bá" cho các hợp tác xã , từ đó nghiên cứu và đề xuất với Chính phủ ngay trong năm 2016 một kế hoạch hành động để khuyến khích các mô hình kinh tế hợ p tác hiệu quả.

Trước đó, phát biểu trong phiên khai mạc Đại hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Liên minh hợp tác xã các cấp quan tâm tổ chức chương trình tuyên truyền sâu rộng về Luật Hợp tác xã 2012 và vai trò tích cực của hợp tác xã kiểu mới để nâng cao hiệu quả sản xuất của các hộ sản xuất, kinh doanh cá thể, lo đầu ra cho sản phẩm của các thành viên hợp tác xã; tích cực giới thiệu sâu rộng các điển hình hợp tác xã kiểu mới trong các lĩnh vực để nhân dân tự tin, chủ động tự liên kết hình thành các hợp tác xã kiểu mới, tổ hợp tác để tự lo cho mình và phát huy tốt nhất các hỗ trợ của nhà nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục