Quốc hội Israel thông qua dự luật chống khủng bố gây tranh cãi

Quốc hội Israel ngày 16/6 đã thông qua một dự luật chống khủng bố gây tranh cãi, theo đó tăng hình phạt đối với các hoạt động liên quan đến khủng bố và mở rộng định nghĩa về chủ nghĩa khủng bố.
Quốc hội Israel thông qua dự luật chống khủng bố gây tranh cãi ảnh 1Quang cảnh một cuộc họp Quốc hội Israel. (Nguồn: THX/TTXVN)

Quốc hội Israel ngày 16/6 đã thông qua một dự luật chống khủng bố gây tranh cãi, theo đó tăng hình phạt đối với các hoạt động liên quan đến khủng bố và mở rộng định nghĩa về chủ nghĩa khủng bố.

Dự luật trên đã được thảo luận tại Ủy ban Hiến pháp, pháp luật và công lý của Knesset (tức Quốc hội) từ năm 2010.

Gần đây dự luật này được Bộ trưởng Tư pháp Ayelet Shaked, thuộc đảng cánh hữu Ngôi nhà Do Thái, thúc đẩy mạnh hơn, đặc biệt trong bối cảnh làn sóng bạo lực giữa Israel và người Palestine bùng phát từ tháng 10/2015, làm 32 người Israel và 205 người Palestine thiệt mạng.

Tại cuộc bỏ phiếu ở Knesset, 57 nghị sỹ đã bỏ phiếu thuận trong khi 16 nghị sỹ phản đối.

Đạo luật vừa được thông qua tăng quyền hạn của nhà nước và các cơ quan an ninh chống các nghi can khủng bố và mở rộng phạm vi xác định các hoạt động liên quan đến khủng bố.

Theo luật mới, những người bị kết tội tiến hành các hành động khủng bố có thể bị phạt tù tới 30 năm. Tội hỗ trợ khủng bố, ví dụ dưới hình thức vận chuyển, có thể bị phạt tù tới 5 năm. Một người biết có âm mưu tấn công khủng bố nhưng không ngăn chặn có thể bị phạt tù tới 3 năm. Ngoài ra, những người bị xác định rõ ràng là có mối liên hệ với một tổ chức khủng bố có thể phải chịu án tù tới 3 năm.

Việc giam giữ hành chính, một hình thức mà các lực lượng an ninh Israel sử dụng để giam giữ các nghi phạm mà không kết tội, cũng được đưa vào nội dung luật. Biện pháp này vốn nằm trong Đạo luật Các biện pháp khẩn cấp từ năm 1945, tức là 3 năm trước khi thành lập nhà nước Israel.

Phát biểu tại phiên họp toàn thể Knesset sau khi luật chống khủng bố được thông qua, Bộ trưởng Shaked khẳng định "chỉ răn đe và trừng phạt thích đáng" mới đánh bại được khủng bố.

Tuy nhiên, nghị sỹ Issawi Freige, thuộc đảng cánh tả Meretz, cho rằng luật này "hết sức dân tộc chủ nghĩa nhằm vào người Arab, trong khi người Do Thái được áp dụng luật dân sự." Theo ông, giờ đây bất cứ người Arab nào cũng có thể bị nghi là một phần tử khủng bố.

Trong những tháng vừa qua, chính phủ Israel đã tuyên bố và thực thi hàng loạt biện pháp an ninh nhằm đối phó với làn sóng bạo lực. Các lực lượng an ninh Isarel đã phá hủy nhà của những người Palestine tấn công các mục tiêu Israel.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã ra lệnh kiểm soát và trục xuất gia đình của những người Palestine tấn công Israel sang các vùng lãnh thổ khác ở Bờ Tây và Dải Gaza. Một số thi thể người Palestine tấn công người Israel và bị giết sau đó không được gửi trả cho gia đình.

Sau cuộc chiến tranh năm 1967, Israel đã chiếm đóng Bờ Tây, Đông Jerusalem và Dải Gaza, nơi hiện có hơn 5 triệu người Palestine sinh sống. Lãnh đạo Israel cáo buộc chính quyền Palestine kích động làn sóng bạo lực, trong khi phía Palestine khẳng định đây là hậu quả của 49 năm chiếm đóng của Israel trên các phần đất mà người Palestine muốn xây dựng một nhà nước tương lai./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục